Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thăm Mỹ vào thời điểm nhạy cảm?

Dư luận để mắt khá nhiều tới chuyến thăm này, trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á đang nảy sinh nhiều căng thẳng…  

Bắt đầu từ ngày 3/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto có chuyến thăm Mỹ 3 ngày để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng hai nước gặp nhau kể từ khi ông Morimoto được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hồi tháng 6/2012. Bởi thế, dư luận để mắt khá nhiều tới mục đích chuyến thăm Mỹ lần này của ông Morimoto, nhất là trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á đang nảy sinh nhiều căng thẳng, còn quan hệ song phương Mỹ - Nhật vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề.

Theo phía Nhật Bản, mục đích chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto là nhằm thảo luận về cách thức vận hành các phương tiện kỹ thuật quân sự mà Mỹ sẽ triển khai tại Nhật Bản trong năm nay.

Các phương tiện kỹ thuật quân sự ở đây là thế hệ trực thăng vận tải MV-22 Osprey mà quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai tại căn cứ quân sự Futenma ở Okinawa, miền Nam Nhật Bản. Báo chí Nhật cho rằng: Các trục trặc kỹ thuật của Osprey thời gian gần đây khiến cư dân địa phương lo ngại. Phía Nhật Bản mong muốn Mỹ sớm công bố kết quả điều tra tai nạn của loại máy bay này tại Maroc và Mỹ hồi tháng 4 và tháng 6/2012.

Nhìn vào mục đích mà phía Nhật Bản công bố, rõ ràng chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Morimoto chỉ là bước cụ thể hoá kết quả cuộc gặp của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihico Noda và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hồi tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, nếu chỉ vin vào “chuyện hậu cần” quân sự để lý giải cho chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản chưa thực sự thuyết phục, khi điều đáng chú ý nhiều hơn lại chính là bối cảnh thực tế ở khu vực Đông Bắc Á cũng như một số vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa Tokyo và Washington.

Ai cũng rõ, trong quan hệ song phương Mỹ - Nhật, căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa nói chung và Futenma nói riêng từ lâu nay vốn là cái gai không dễ gì giải quyết với bất kỳ chính phủ nào của xứ sở Hoa anh đào. Và “cái gai” này thường xuyên làm đau đầu các chính phủ Nhật Bản. Khi người tiền nhiệm của ông Noda là cựu Thủ tướng Hatoyama buộc phải rời ghế giữa nhiệm kỳ chỉ vì căn cứ quân sự Futenma. Tuy nhiên, với Thủ tướng Yoshihiko Noda, kể từ khi chính thức lên nắm quyền điều hành đất nước Mặt trời mọc tháng 8/2012, ông đã khẳng định “sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ” và quyết không để Futenma tác động xấu đến mối quan hệ này.

Biến lời nói thành thực tiễn, hồi tháng 5/2012, Thủ tướng Nhật Bản đã “nhiệt tình” thúc đẩy cho thoả thuận tái bố trí lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Okinawa được thông qua. Mới đây, hôm 23/7, Nhật Bản đồng ý cho con tàu chở theo 12 máy bay vận tải MV-22 Osprey của quân đội Mỹ đã cập cảng Iwakuni, ở miền tây Nhật Bản, bất chấp làn sóng biểu tình của cư dân địa phương cũng như Tỉnh trưởng Okinawa. Đến thời điểm này, Chính phủ Nhật Bản vẫn đang đối mặt với sức ép này và đương nhiên đây sẽ là chủ đề trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản với người đồng cấp Mỹ.

Ngoài vấn đề song phương, dư luận còn để mắt tới một “mục đích” nữa trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Đó là những diễn biến hiện nay ở khu vực Đông Bắc Á. Không hiểu do vô tình hay hữu ý mà ông Morimoto lại chọn thăm Mỹ đúng vào thời điểm được xem là hết sức nhạy cảm ở khu vực như hiện nay. Đó là tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc xuất hiện yếu tố mới, Hàn Quốc lại sắp tập trận gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, “sức nóng” ở bán đảo Triều Tiên vẫn có nguy cơ gia tăng…

Rồi mới đây nhất, Seoul và Bắc Kinh lại tuyên bố tăng cường hợp tác quân sự và thiết lập đường dây nóng quốc phòng. Đấy là chưa kể đến những thông tin mà Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2012 nhấn mạnh. Đó là về sự thay đổi trong cán cân quyền lực giữa giới tướng lĩnh quân đội và lãnh đạo dân sự ở Trung Quốc, trong đó khả năng ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc tại nước này ngày càng nâng cao… Tất cả đều là những vấn đề đáng để Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mang tới Washington trong chuyến đi này.

Có thể nói, quan hệ Nhật Bản và Mỹ đang ở thời điểm “tốt nhất” trong 3 năm trở lại đây. Khác với những người tiền nhiệm, Thủ tướng Yoshihico Noda ngay từ ngày đầu lên nắm quyền đã coi hợp tác chính trị, quân sự và an ninh Nhật- Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Điều này không chỉ khiến Nhật Bản tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ Mỹ để đảm bảo an ninh cho đất nước mà còn duy trì được thế cân bằng chiến lược của Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á. Chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng không nằm ngoài mục đích đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên