Bom dẫn đường mới của Nga gây thương vong nặng nề cho Ukraine
VOV.VN - Những quả bom FAB-1500 từ thời Liên Xô được hoán cải thành bom lượn nhờ bộ cánh và hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh đã trở thành vũ khí mới trong tay quân đội Nga với sức tàn phá khủng khiếp có thể san phằng phòng tuyến của Ukraine.
Lực lượng Nga đã bắt đầu sử dụng loại bom mới để đánh vào các vị trí phòng thủ của Ukraine. Về cơ bản, đây là những quả bom FAB-1500 từ thời Liên Xô, nhưng được hoán cải thành bom lượn nhờ bộ công cụ gồm cánh lượn có thể gấp gọn, hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh kết hợp chỉ thị laser có tên gọi UMPK. Bộ công cụ này còn được trang bị động cơ phản lực giúp tăng tầm hoạt động của bom.
Bom lượn FAB-1500 được các máy bay chiến đấu phóng từ khoảng cách khoảng 60-70 km, nằm ngoài tầm bắn của hầu hết lực lượng phòng không Ukraine.
Không quá khó để hình dung sức hủy diệt của một quả bom nặng 1,5 tấn, đặc biệt khi quả bom này có khả năng tấn công chính xác cao nhờ hệ thống cánh lượn được gắn ngoài.
Những video gần đây về chiến tuyến ở khu vực Donetsk đã cho thấy sức công phá lớn của những quả bom này khi chúng được sử dựng để tấn công các vị trí phòng thủ của quân Ukraine.
FAB-1500 được dẫn hướng tới mục tiêu bằng hệ thống dẫn đường và bộ cánh bật ra cho phép nó lướt về phía mục tiêu.
Giải pháp rẻ tiền hơn tên lửa
Cây bút Joseph Trevithick, chuyên viết về quá trình phát triển bom cho TheWarZone, nói rằng những quả bom này “đem lại một phương án tấn công tầm xa mới và có sức công phá lớn hơn nhiều cho các máy bay chiến thuật của Nga, đồng thời giúp phi công tránh xa hệ thống phòng thủ của đối phương”.
Từ thị trấn tiền tuyến Krasnohorivka ở Donetsk, một binh sỹ thuộc Lữ đoàn cơ động hàng không số 46 của Ukraine nói với CNN vào tuần trước rằng: “Trước đây, chúng tôi chỉ bị pháo kích. Giờ đây lực lượng Nga đã tấn công quyết liệt hơn và bắt đầu sử dụng các khí tài của lực lượng không quân, đặc biệt là bom FAB-1500”.
“Vì sao họ lại sử dụng FAB-1500? Vì mức độ thiệt hại do nó gây ra là cực kỳ nghiêm trọng. Nó gây áp lực rất lớn lên tinh thần của binh lính. Không phải binh lính nào của chúng tôi cũng có thể chịu đựng được. Mặc dù hiện tại họ ít nhiều đã quen với bom FAB-500, nhưng FAB-1500 thì thực sự khủng khiếp”, binh sỹ Ukraine cho hay.
Việc sử dụng các dòng bom FAB đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc tấn công của Nga ở khu vực Donetsk, đặc biệt là trong việc san bằng các tuyến phòng thủ của Ukraine trong và xung quanh Avdiivka.
“Trước và trong trận chiến Avdiivka, Nga đã phóng hàng trăm quả bom chỉ trong vài ngày. Có 250 quả trong số đó được sử dụng theo hướng Avdiivka chỉ trong vòng 48 giờ”, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, Yury Ihnat, nói với CNN.
FAB-1500 là loại mạnh nhất trong dòng “bom ngu” (bom không dẫn đường) thời Liên Xô hiện đang được hoán cải tại một nhà máy gần Moscow để biến chúng thành phiên bản tên lửa rẻ tiền nhưng mạnh mẽ.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện RUSI có trụ sở ở London (Anh), nói rằng, trong khi việc sản xuất bộ cánh cho những quả bom này gặp những khó khăn nhất định thì gói thuốc nổ cơ bản lại là thứ mà Nga có với số lượng rất lớn. Vì vậy, Nga vẫn có hỏa lực mạnh để đánh vào các tuyến phòng thủ cố định của Ukraine.
“Đây không phải là một sự chuyển đổi nhanh chóng hay rẻ tiền, nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí hàng triệu USD cho một tên lửa. Chi phí của nó rất nhỏ khi so sánh với một quả tên lửa”, ông Ihnat nói với CNN.
Các blogger quân sự Nga bắt đầu đề cập đến loại vũ khí này vào tháng 9/2023 khi Moscow đang thử nghiệm độ chính xác của nó. Kênh Telegram Fighterbomber lưu ý rằng “sau nhiều tháng thử nghiệm và sai sót”, lần đầu tiên một quả bom FAB-1500 đã bắn trúng chính xác mục tiêu chiến đấu của nó.
Fighterbomber cho rằng bộ thiết bị lượn mới đã làm tăng tầm bắn của bom FAB-1500. Cũng theo kênh này, bom FAB-1500 có độ chính xác trong phạm vi 5 mét.
Hồi tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã thị sát nhà máy của Công ty Tên lửa Chiến thuật ở khu vực Moscow và được giới thiệu về các bộ cánh cho bom thông thường. Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cũng cho hay, Công ty Tên lửa Chiến thuật đã phát triển một loại đạn “có độ chính xác cao” biến những quả bom rơi tự do kiểu cũ thành vũ khí có thể lướt tới mục tiêu.
Giám đốc nhà máy báo cáo với Bộ trưởng Shoigu rằng năng suất đã tăng 40% do nhà máy chuyển sang chế độ sản xuất 24/7.
Phòng không Ukraine bất lực?
Ông Bronk lưu ý rằng bom FAB được cải tiến chỉ có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu cố định, nhưng trong cuộc chiến tiêu hao khốc liệt ở mặt trận phía Đông, Nga biết rõ các vị trí phòng thủ chính của Ukraine.
Các máy bay Nga phóng những quả bom này không phải là bất khả xâm phạm. Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một số máy bay chiến đấu Su-34 trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, Bom dẫn đường gắn thiết bị UMPK với tầm bay 50-70 km vẫn là vấn đề nan giải với phòng không Ukraine kể từ khi xuất hiện trên chiến trường đầu năm 2023. Ukraine không thể bắn hạ máy bay phóng bom lượn từ khoảng cách 70 km.
“Phòng không của chúng tôi ngày càng mạnh hơn, nhưng vẫn chưa đủ. Mục tiêu của Nga không chỉ là đánh vào các vị trí tiền tuyến của chúng tôi, bom lượn dẫn đường của họ có thể bay xa hơn vào phía sau lực lượng phòng thủ của chúng tôi để đánh vào các sở chỉ huy, các cơ sở đạn dược ở hậu phương”, ông Ihnat nói với CNN.
“Các máy bay tiêm kích/cường kích-ném bom Su-35 và Su-34 sẽ không phải tiếp cận quá gần mục tiêu. Tuy nhiên, nếu chúng tôi có thêm lực lượng phòng không tầm xa, chúng tôi sẽ có thể bắn hạ chúng từ khoảng cách xa hơn”, ông Ihnat nói thêm.
Ông Bronk cho hay, việc phát triển bom lượn đã giúp Nga sử dụng lực lượng không quân chiến thuật của họ hiệu quả hơn. Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, lực lượng này chỉ đóng vai trò hạn chế.
Theo ông, tổ hợp Patriot của Mỹ gần như là lực lượng phòng thủ duy nhất có đủ tầm bắn để chống lại mối đe dọa như vậy, nhưng Ukraine chỉ có số lượng Patriot hạn chế. Các tên lửa mà hệ thống Patriot sử dụng cũng đang bị thiếu hụt do Quốc hội Mỹ chưa thể thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao nước này liên tục yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí phòng không tầm xa hơn để chống lại mối đe dọa từ trên không của Nga. Máy bay chiến đấu F-16 cũng có thể buộc máy bay chiến đấu của Nga phải ở xa hơn.
Trong khi đó, theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, các lực lượng của Kiev ở tiền tuyến, đặc biệt là ở Donetsk, phải đối mặt với các cuộc không kích chớp nhoáng của Nga - đôi khi lên tới hơn 100 cuộc mỗi ngày.
Nếu như ở giai đoạn trước, Nga tấn công các vị trí của Ukraine bằng pháo binh dày đặc, giờ đây lực lượng của Moscow đang sử dụng những quả bom hạng nặng với số lượng lớn trong kho để san phẳng các tuyến phòng thủ của lực lượng Ukraine.