“Bom nổ chậm” sụt giảm dân số của Trung Quốc đang điểm dần
VOV.VN - Điều tra nhân khẩu sơ bộ cho thấy tình hình dân số Trung Quốc có nhiều điểm xám khi mà tỷ lệ sinh mới vẫn rất hạn chế, đe dọa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Tình hình xấu đi không ngừng
Dân số suy giảm của Trung Quốc ở mức ảm đạm hơn những gì được dự đoán trước đó – đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cho tới nay.
Các phát hiện sơ bộ cấp tỉnh trong cuộc điều tra dân số toàn quốc vẫn đang diễn ra cho thấy mức tăng dân số ở Trung Quốc trong năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất trong 60 năm bất chấp việc Bắc Kinh vào năm 2016 đã bãi bỏ chính sách “một con” nổi tiếng.
Số lượng trẻ mới sinh ở mức 14,65 triệu trong năm 2020 trên toàn Trung Quốc thấp hơn 1/3 so với mức trung bình hàng năm trong suốt thập niên 1990 và thập niên 2000, khi quốc gia này vẫn còn áp dụng nghiêm ngặt chính sách kiểm soát dân số.
Trong thập niên 1960, gần 240 triệu người Trung Quốc được sinh ra, với tỷ lệ sinh là 43,6%.
Số ca sinh mới hàng năm bắt đầu giảm xuống dưới 20 triệu từ năm 1998, trong khi tổng số ca sinh vào thập niên 2000 giảm xuống mức 162 triệu, tức là thấp hơn thập niên 1990 là 45,9 triệu ca. Nếu đà này tiếp tục, dân số Trung Quốc sẽ lên đỉnh 1,44 tỷ vào năm 2029 trước khi bước vào giai đoạn giảm “không thể ngăn chặn”, theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc vào tháng 1/2020.
Việc chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát dân số vào năm 2016 đã giúp tăng số trẻ mới sinh vào năm đó. Quy định mới này cho phép các cặp đôi sinh không quá 2 con. Tuy nhiên sự gia tăng đó rất khiêm tốn và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Mặc dầu tổng số ca sinh tăng đến 17,86 triệu vào năm 2016, con số này lại một lần nữa tụt xuống 15 triệu vào năm 2018.
Theo các số liệu hiện tại và trước đây, Trung Quốc có thêm 163 triệu trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2019, tức là tăng thêm so với thập kỷ trước 477.000 trẻ. Nhưng số tăng thêm này không đủ để bù cho điều mà một số người dự đoán là khởi đầu cho “hố sụt dân số” vào giữa thập niên 2020.
Ít dân Trung Quốc hơn nghĩa là tiêu thụ nội địa sẽ giảm trong bối cảnh Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng dựa trên tiêu thụ nội địa như một phần trong chính sách “tuần hoàn kép” mới được công bố. Hơn nữa, tỷ lệ người trẻ với người già sẽ mất cân bằng đáng kể do sự tăng nhanh chóng người già, từ đó tạo thêm căng thẳng chưa từng có tiền lệ cho các mối quan hệ giúp gắn kết xã hội.
Trước nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, Thượng Hải tìm cách lôi cuốn người trẻ từ nơi khác
Dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Thượng Hải cho thấy tại thành phố đông dân và năng động nhất Trung Quốc này, hiện số người già từ 65 tuổi trở lên đang nhiều hơn số người trẻ dưới 35 tuổi là nửa triệu người. Chỉ có 92.000 đứa trẻ mới được sinh ra trong năm 2019 tại một thành phố có tới 24 triệu cư dân.
Cục thống kê này cảnh báo về một trận “sóng thần nghỉ hưu” sắp đến, đe dọa làm cạn kiệt nguồn quỹ hưu trí trong 2-5 năm tới.
Trung Quốc đã công bố ý tưởng đẩy lùi tuổi về hưu của lao động nữ từ 55 lên 60 trong 5 năm tới.
Trong lúc chính quyền trung ương tìm cách kích thích người dân đẻ thêm thì có các dấu hiệu cho thấy các thành phố đang nỗ lực thu hút thêm lao động trẻ để thúc đẩy tăng trưởng bất chấp việc Bắc Kinh cố gắng hạn chế dòng người nhập cư vào các trung tâm đô thị lớn.
Năm 2020, Thượng Hải đã nới lỏng quy định về hộ khẩu để thu hút các tân cử nhân từ các trường đại học danh tiếng như trường Phục Đán và trường Giao Thông về định cư tại thành phố này.
Quảng Châu - một thành phố hàng đầu khác ở miền nam Trung Quốc, cùng nỗ lực dẹp bớt các rào cản kiểm soát dân số bằng việc vứt bỏ chế độ hạn ngạch và chào đón các lao động nhập cư trẻ tuổi đến định cư ở khu vực ngoại ô.
Ding Changfa - một giáo sư kinh tế tại Đại học Hạ Môn, cho biết: Tương tự như Hà Lan, Nhật Bản, và Singapore (những nước mở rộng cửa với các lao động nhập cư chất lượng cao để bảo đảm lực lượng lao động dồi dào và có năng lực), các thành phố Trung Quốc hiện nay xem dòng thanh niên nhập cư từ nơi khác đến là giải pháp cho các vấn đề dân số của mình.
Giáo sư Ding nói: “Thanh niên là tương lai vì họ tạo ra nhiều GDP hơn, tiêu thụ nhiều hơn, và nhìn tổng thể, khi họ định cư ở một thành phố, họ nuôi gia đình của riêng mình và sinh con đẻ cái”. Nhưng ông này cũng băn khoăn liệu việc nhồi nhét thanh niên như thế này có bền vững không khi mà mức tăng dân số toàn quốc đang giảm dần.
Một quan chức thuộc Ủy ban Thương mại thành phố Thượng Hải cho hay, việc thành phố này trao hộ khẩu cho thanh niên ở bên ngoài là giải pháp chính thúc đẩy việc bán nhà và tăng nguồn thu của thành phố.
Phồng chỗ này, xẹp chỗ khác
Vị quan chức nói trên cũng thừa nhận với việc Thượng Hải gia nhập cuộc đua thu hút người trẻ, hiệu ứng dân số rỗng sẽ ngày càng giáng mạnh vào các tỉnh đông bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm, và Hắc Long Giang.
Tỷ lệ sinh trung bình của toàn vùng đông bắc Trung Quốc nằm ở mức thấp đáng báo động là 0,55 vào năm 2015. Tỷ lệ này thuộc diện thấp nhất thế giới. Nguyên nhân là do môi trường tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế tăng trưởng chậm lại, và tình trạng “chảy máu chất xám” tới Thượng Hải và các vùng duyên hải khác.
Một bài báo của Tân Hoa xã vào năm 2018 cho hay, 2 triệu người đã rời 3 tỉnh nói trên trong giai đoạn 2008-2018, đa phần trong số họ đã tái định cư ở các thành phố ven biển.
Quan chức Thượng Hải nói trên phân tích thêm: “Xây dựng chính sách cụ thể, dài hạn để khuyến khích dân địa phương sinh thêm con là sự lựa chọn đúng đắn, bền vững đối với Thượng Hải và các thành phố lớn khác. Nhưng giải pháp này mất hơn 20 năm, từ khi những đứa bé sinh ra đến khi chúng trưởng thành, thì mới đem lại kết quả. Do vậy, trước mắt, giải pháp dễ dàng hơn là thu hút thanh niên từ vùng đông bắc và nơi khác tới Thượng Hải”.
Trong các thành phố lớn khác thuộc đồng bằng châu thổ Dương Tử quanh Thượng Hải, có 600.000 người đã chuyển tới Ninh Ba – một thành phố cảng và trung tâm thương mại. Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô) là một điểm đến ưa thích khác của giới trẻ thoát ly khỏi các tỉnh miền trung chủ yếu nông nghiệp như An Huy, Giang Tây và Hà Nam.
Chính phủ Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu áp dụng thêm các quy định chặt chẽ về hộ khẩu để ngăn dòng di cư như vậy ra khỏi các vùng nghèo khi họ xem xét lại các chính sách dân số và sinh đẻ vào cuối năm 2021 này, lúc đã có kết quả đầy đủ từ cuộc tổng điều tra dân số.
Các đại biểu quốc hội Trung Quốc khi họp ở Bắc Kinh vào tháng 3 tới dự kiến sẽ thảo luận các chính sách dân số và kêu gọi nới lỏng hạn chế đối với số con mà một cặp đôi được phép sinh.
Liu Xiaobo – một nhà bình luận tài chính ở Thâm Quyến, cho hay, theo các nguồn tin của ông này, Trung Quốc sẽ sớm cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh không quá 3 con vào cuối năm 2021, và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của nước này sẽ thảo luận việc cung cấp giáo dục trung học miễn phí và các ưu đãi thế chấp đặc biệt cho các cặp vợ chồng có hơn 2 con…/.