Bóng ma khủng bố 11/9 đang trở lại nước Mỹ?
(VOV) - Không khí lo âu về nguy cơ khủng bố lại bao trùm nước Mỹ sau hàng loạt vụ đánh bom tại Boston ngày 15/4.
Nước Mỹ một lần nữa lại sống trong nỗi lo sợ bị khủng bố sau loạt vụ đánh bom tại giải chạy Marathon ở thành phố Boston bang Massachusetts ngày 15/4. 3 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương trong vụ tấn công này chắc chắn chưa phải là thiệt hại cuối cùng, và những dư chấn tâm lý và an ninh chắc chắn sẽ còn khiến nước Mỹ sống trong lo âu một thời gian dài nữa.
Gần 12 năm sau vụ tấn công ngày 11/9 nhằm vào nước Mỹ và sau rất nhiều chiến dịch hao người tốn của nhằm tiễu trừ khủng bố, nước Mỹ vẫn phải sống trong nỗi lo sợ bị tấn công.
Nước Mỹ lại rúng động sau vụ đánh bom liên hoàn ở Boston |
Phát biểu tại một buổi họp báo khẩn cấp tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ "huy động mọi nguồn lực" để "điều tra đến cùng" và đưa thủ phạm ra trước công lý. Ông đã chỉ thị cho các cơ quan liên bang hỗ trợ giới chức và cảnh sát địa phương ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tương tự cũng như bắt giữ mọi đối tượng tình nghi đang âm mưu tiến hành khủng bố.
Có thể nói rằng, cho dù loạt vụ tấn công này bắt nguồn từ bên trong hay bên ngoài đất nước, cường quốc số Một thế giới một lần nữa lại đối mặt với những nguy cơ bị tổn thương. Hơn 11 năm qua, bất chấp những chiến dịch quân sự khổng lồ, những khoản đầu tư nhằm tiêu diệt những mầm mống khủng bố với nước Mỹ trên khắp thế giới, thế nhưng người ta vẫn đặt dấu hỏi nước Mỹ đã thực sự an toàn hơn?
Trên thực tế, với chiêu bài cuộc chiến chống khủng bố và đáp trả những kẻ đã gây ra sự kiện 11/9, chính quyền Mỹ dường như đã thực hiện quyền lực gần như không giới hạn trong các tình huống chiến tranh, từ Iraq tới Afghanistan sang Libya. Sự can thiệp quân sự ra bên ngoài có thể mang lại nhiều hiệu quả với việc tiêu diệt khá nhiều khả năng tấn công của lực lượng khủng bố Taliban và al Qaeda. Nhưng nó vẫn không giải quyết được mầm mống của khủng bố nhằm vào nước Mỹ: xung đột về cả về lợi ích và ý thức hệ với những lực lượng cực đoan trên thế giới.
Nước Mỹ đã cố gắng thay đổi dưới nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Barack Obama khi thay đổi giọng điệu về cuộc chiến chống khủng bố, với các tiếp cận linh hoạt và mềm dẻo hơn khi nhanh chóng triệt thoái thoát khỏi khu vực Trung Đông, Nam Á, cũng như thoát khỏi “cuộc chiến chống khủng bố” để đối phó với những thách thức có ý nghĩa chiến lược lâu dài hơn. Chính quyền Obama giờ đây còn kết hợp việc “kết thúc cuộc chiến chống khủng bố” để bố trí lại chiến lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ hậu chống khủng bố. Nhưng những tổn thương do khủng bố vẫn là một nỗi lo của nước Mỹ.
Loạt vụ đánh bom tại thành phố Boston ngày 15/4 sẽ mở ra một thách thức nữa với chính quyền Obama trong nhiệm kỳ thứ 2 này. Nước Mỹ và thế giới giờ đây đã khác so với cách đây hơn 11 năm khi xảy ra vụ tấn công ngày 11/9. “Chủ nghĩa khủng bố quốc tế” giờ đây đã chuyển từ mối đe dọa hàng đầu thành một trong nhiều mối đe dọa hoặc thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Thách thức từ những vấn đề mang tính toàn cầu như sự thay đổi bức tranh địa-chính trị thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu những mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác hay nền kinh tế suy thoái kéo dài đang là những vấn đề Mỹ cần phải quan tâm nhiều hơn. Vì thế, phản ứng như thế nào trước thách thức của khủng bố sẽ tiếp tục là một vấn đề của nước Mỹ trong tương lai./.