Bóng ma khủng bố đẫm máu vẫn chưa buông tha nước Pháp
VOV.VN - Sau nhiều sự kiện liên quan đến khủng bố quốc tế trong vài ngày qua, thủ đô của nước Pháp lại rung chuyển vì các cuộc tấn công đẫm máu.
Bất cứ kết luận vội vã nào về thảm kịch đang diễn ra ở Paris đều là quá sớm vào thời điểm này, khi mà các lực lượng an ninh mới giải cứu xong con tin ở một nhà hát giữa trung tâm Paris và đang thu thập các chứng cứ đầu tiên từ hiện trường các vụ tấn công bằng súng và bom.
Nhân viên y tế tại hiện trường một vụ xả súng khủng bố ở Paris đêm 13/11. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên có một điều chắc chắn là, cuộc tấn công này được điều phối kỹ càng, liên quan tới 7 địa điểm ở Paris và bên ngoài sân vân động quốc gia cho tới phía bắc thủ đô Pháp. Một loạt vụ tấn công phối hợp như vậy chỉ có thể được thực hiện bởi một tổ chức có thời gian chuẩn bị, tích trữ súng và thuốc nổ, cũng như lên kế hoạch.
Chúng ta dễ dàng liên hệ sự kiện vừa diễn ra với các diễn biến trong vài ngày qua, đặc biệt là việc phi cơ không người lái của Mỹ đã tiêu diệt tên John thánh chiến người Anh – đao phủ xuất hiện trong các video hành quyết của IS.
Việc máy bay Mỹ trừ khử được đao phủ Mohammed Emwazi xảy ra trước loạt vụ khủng bố đẫm máu ở Paris chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Thế nhưng không một nhóm khủng bố nào có thể tiến hành một chiến dịch đáp trả nhanh đến như vậy.
Có thể ở đây tin tức về cái chết của Emwazi chỉ đóng vai trò hối thúc những kẻ khủng bố hành động sớm hơn, tàn bạo hơn. Còn về vũ khí và “nhân sự” thực hiện vụ tấn công thì đã được tập kết sẵn, chỉ chờ giờ khai hỏa.
Các vụ tấn công đẫm máu vừa xảy ra giữa lòng Paris rõ ràng đã đặt ra vô số câu hỏi cho nước Pháp và các lực lượng an ninh toàn châu Âu. Sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và siêu thị Hyper Cacher ở Paris hồi tháng 1/2015, châu Âu đã đẩy mạnh hoạt động theo dõi những kẻ bị tình nghi là thánh chiến, đặc biệt là những kẻ tình nguyện sang Syria chiến đấu cho các nhóm Hồi giáo cực đoan. Thế nhưng cho đến nay, đã có ít nhất một nhóm khủng bố duy trì thành công và đáng kể sự hiện diện cùng cơ cấu tổ chức của mình bên trong nước Pháp trong suốt thời kỳ đó.
Người ta sẽ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho tất cả các chính phủ Tây Âu, như là họ đã làm gì cho đến nay để đối phó với bóng ma khủng bố và họ còn phải làm gì tiếp nữa. Một vấn đề “tiến thoái lưỡng nan” khác là phải làm thế nào để có thể thắt chặt an ninh mà lại không cản trở các quyền tự do dân chủ thiết yếu (điều mà Tây Âu vẫn rất coi trọng).
Trong lúc chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này thì các nghi ngờ đổ dồn về hai nhóm khủng bố lớn là nhóm al-Qaeda và nhóm IS. Đây là 2 nhóm dính líu vào các cuộc tấn công hồi tháng 1 ở Pháp và các hoạt động khủng bố khác ở châu Âu trong thập kỷ qua.
Nếu dựa trên mức độ phối hợp thì người ta sẽ nghĩ đến lực lượng al-Qaeda. Tổ chức này cũng được cho là đã thay đổi chiến thuật trong thời gian gần đây.
Một số người sẽ nghĩ xác suất Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là thủ phạm lớn hơn. Tuy nhiên tổ chức này chưa thể hiện được năng lực thực hiện một chiến dịch quy mô như vậy bên ngoài các chiến trường Trung Đông. Cho tới nay, các cuộc tấn công ở châu Âu được quy về các chiến binh jihad có cảm tình với IS đều do các “con sói đơn độc” vừa trở về từ Syria hoặc không tới được Syria thực hiện.
Loạt vụ tấn công ở Paris diễn ra gần 2 tuần sau vụ máy bay chở khách Nga rơi ở bán đảo Sinai (Ai Cập) khiến 224 người trên máy bay thiệt mạng. Cộng đồng tình báo phương Tây gần như đồng thuận rằng nguyên nhân làm máy bay rơi là một quả bom bị phiến quân thân IS cài sẵn trên máy bay.
Nếu loạt tấn công đêm 13/11 ở Paris được khẳng định có liên quan đến IS thì điều đó một lần nữa cho thấy có sự chuyển dịch trong chiến lược của IS, từ chỗ tập trung duy nhất vào việc xây dựng vương quốc Hồi giáo Caliphate ở Iraq và Syria sang chỗ mở rộng cuộc thánh chiến của mình sang các nước hiện đang tham gia tấn công chúng. Nga 2 tuần trước và nước Pháp đêm qua – cả hai quốc gia này đều đưa máy bay chiến đấu sang Trung Đông tấn công IS.
Liệu đây có phải là thời khắc mà cuộc nội chiến Syria đã được xuất khẩu sang nước Pháp? Đối với một số nước như Nga và vài nước ở phương Tây, vụ tấn công vừa qua ở Paris sẽ củng cố thêm lập luận của họ cho rằng cần phải mở một chiến dịch quốc tế mạnh mẽ hơn nữa chống lại IS. Sự kiện này cũng chắc chắn đem lại lực đẩy mới cho các cuộc hội đàm dự kiến diễn ra vào ngày 14/11 ở Vienna (Áo) về dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn và chuyển tiếp chính trị ở Syria.
Ngoài ra, các cuộc tấn công ở Paris còn có thể gây tác động lên cuộc tranh cãi đang diễn ra ở châu Âu về cách phản ứng trước làn sóng hàng trăm ngàn người tị nạn Syria đổ xô vào châu Âu./.