Bước chuyển chiến lược của Australia

VOV.VN - Năm 2020 chứng kiến Australia chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tự chủ trong chính sách và gắn kết chặt hơn về chiến lược với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Sự thay đổi của Australia được bắt nguồn từ những chuyển động trong khu vực và thế giới khiến nước này chọn cho mình đường đi mới theo hướng độc lập, chủ động nhằm xây dựng không gian chiến lược đảm bảo sự an toàn, ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển và thịnh vượng.

Australia nỗ lực trở thành đối tác tin cậy

Năm 2020, cả thế giới phải đối mặt với dịch Covid-19 và Australia cũng không ngoại lệ. Trong lúc đang phải căng mình ứng phó với đại dịch, hình ảnh về một đất nước Australia mới đang dần hiện lên một cách rõ nét. Đó không chỉ còn là một đồng minh của Mỹ mà giờ đây Australia đang thể hiện là một cường quốc tầm trung, muốn gắn kết và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Mặc dù dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế Australia rơi vào suy thoái, ngân sách dành cho các chương trình viện trợ phát triển bị cắt giảm mạnh song nước này vẫn tăng nguồn vốn viện trợ cho các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương với lần lượt số tiền là 238,3 triệu AUD và 1.440,6 triệu AUD.

Khi đại dịch Covid-19 không chỉ đẩy các nước trong khu vực vào cuộc khủng hoảng y tế mà còn làm cho nền kinh tế các nước gặp nhiều khó khăn, Australia ngay lập tức đưa ra cam kết hỗ trợ các nước Ấn Độ-Thái Bình tổng cộng 800 triệu AUD để ứng phó với dịch bệnh. Không chỉ hỗ trợ về tài chính, dựa trên kinh nghiệm thành công trong ứng phó với Covid-19 Australia cũng xây dựng 27 kế hoạch ứng phó với Covid-19 cho từng quốc gia trong khu vực. Vì nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19 nên Australia cũng đã cam kết sẽ cung cấp vaccine cho khu vực này.

Ngoài những hỗ trợ kịp thời và rất quan trọng nhằm giúp các nước trong khu vực ứng phó với đại dịch toàn cầu, Australia cùng với Nhật Bản đẩy mạnh kết nối và hợp tác với Ấn Độ và Mỹ trong khuôn khổ Bộ Tứ nhằm tạo ra thế cân bằng trong khu vực. Việc Ngoại trưởng bốn nước thành viên Bộ Tứ không ngại dịch bệnh vẫn đến Nhật Bản họp vào tháng trước đã thể hiện rõ quyết tâm này. Tiếp đó chuyến thăm Nhật Bản, Singapore, Brunei và Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Linda cũng là một biểu hiện cụ thể cho thấy đại dịch toàn cầu cũng không thể cản trở kế hoạch hợp tác của Australia với khu vực.

Năm nay, Australia cũng vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ và trước đó là quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Australia cũng đã lần đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN-Australia vào năm 2018 và ký Hiệp định thương mại tự do với Indonesia vào năm  2919. Những động thái này cho thấy Australia đang gắn kết hơn và thể hiện sự cam kết chặt chẽ hơn đối với khu vực. Việc trợ giúp các đối tác trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh cho thấy Australia muốn xây dựng mối quan hệ tin cậy và có thể nương tựa vào nhau giữa quốc gia trong khu vực và coi đó là nền tảng để tạo dựng một môi trường an toàn cho sự phát biển bền vững.

Tất cả những bước đi này thể hiện chính sách đẩy mạnh quan hệ với các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương được Australia nêu trong Sách Trắng Ngoại giao công bố từ năm 2017. Theo đó, Australia xác định, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi chứa đựng nhiều cơ hội thúc đẩy sự phát triển của Australia song cũng là nơi đang chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước thực tế này, Australia xác định sẽ chủ động can dự vào các vấn đề khu vực và toàn cầu, thể hiện tiếng nói riêng và tăng cường kết nối với các đối tác theo các tầng nấc khác nhau. Trong đó, trọng tâm là các quốc gia láng giềng, nhóm Bộ Tứ, ASEAN và các quốc gia có nhiều lợi ích song trùng.

Thay đổi là sống còn

Australia là đồng minh của Mỹ từ năm 1951 và kể từ đó Mỹ luôn là đối tác quan trọng nhất của nước này. Tuy vậy, kể từ khi Tổng thống Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 2016, với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, mức độ cam kết giữa hai nước giảm mạnh. Thực tế này đã thức tỉnh Australia và cho thấy, việc quá phụ thuộc vào đồng minh sẽ cũng mang lại những rủi ro không nhỏ.

Việc Mỹ chỉ tập trung vào các vấn đề đảm bảo lợi ích quốc gia trước mắt trong khi giảm mức độ cam kết với các đồng minh và giảm sự can dự tại khu vực đã tạo ra thời cơ để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, thách thức vai trò của Mỹ trong khu vực, đe dọa trật tự thế giới được thiết lập từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong lúc giương oai, làm gia tăng căng thẳng với một số quốc gia Đông Nam Á thông qua hành vi bắt nạt, chèn ép và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế thì Trung Quốc lại “vuốt ve” các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi nhiều năm gắn bó chặt chẽ với Australia, bằng các chương trình viện trợ phát triển và các khoản đầu tư kếch xù.

Theo nghiên cứu của Viện Lowy có trụ sở tại Australia, mặc dù Australia là nhà cung cấp vốn viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Thái Bình Dương với tổng số tiền lên đến 8,76 tỷ AUD trong giai đoạn từ 2011-2017, song mức cam kết lại có xu hướng giảm kể từ năm 2016.

Trong khi đó, Trung Quốc nổi lên là quốc gia cung cấp viện trợ lớn thứ hai, tương đương với mức cam kết của New Zealand là 1,6 tỷ AUD. Về đầu tư, số liệu thống kê từ Trung Quốc cho thấy, chỉ tính riêng đầu tư trong lĩnh vực xây dựng tại khu vực này đã lên tới 958 triệu AUD vào năm 2017, gấp 6 lần nguồn vốn viện trợ của nước này.

Về thương mại, nếu không tính Papua New Guinea thì kim ngạch hai chiều của khu vực này với Trung Quốc đã vượt Australia từ năm 2013. Riêng với quần đảo Solomon, kim ngạch thương mại hai chiều với Trung Quốc chiếm 46% tổng trao đổi thương mại của nước này.

Việc giảm cam kết từ phía Mỹ cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực láng giềng đã khiến Australia lo ngại và quyết định phải thay đổi theo hướng tự chủ hơn và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực nhằm dẫn dắt các nỗ lực xây dựng khu vực hòa bình, ổn định. Chiến lược này được đưa ra từ năm 2017 và ngay lập tức được triển khai những năm sau đó. Đến năm nay, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã khiến cho Australia phải đẩy nhanh và có những bước đi cụ thể hơn nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra.

Mục tiêu hướng tới

Trong lúc Australia xoay chuyển chính sách đối ngoại, quan hệ giữa nước này với Trung Quốc xuống dốc nhanh chóng. Từ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác thương mại lớn nhất, Australia cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, đứng đằng sau vụ tấn công vào mạng máy tính của Quốc hội Australia và 3 đảng phái chính trị của nước này vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vài tháng.

Australia cũng đã ban hành luật chống can thiệp nước ngoài được cho là tạo cơ sở pháp lý để ngăn cản các hành động can thiệp của các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc. Khi lòng tin bị suy giảm nghiêm trọng, Australia còn cấm không cho công ty Huawei của Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng viễn thông 5G tại nước này.

Australia cũng không ngần ngại bày tỏ qua điểm trong khi biết chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận như việc kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu điều tra về sự xuất hiện dịch Covid-19 tại Trung Quốc hay việc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc khẳng định Trung Quốc có nhiều hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Đáp trả các hành động của Australia, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với lúa mạch Australia và mới đây nhất là cấm các doanh nghiệp của nước này nhập khẩu thịt cừu từ 2 cơ sở sản xuất của Australia, mở rộng lệnh cấm nhập khẩu thịt bò sang cơ sở sản xuất thứ 6 của Australia, áp đặt mức thuế cao đối với rượu vang của Australia và trước đó là ngừng nhập khẩu gỗ tròn từ bang Tasmania và Nam Australia.

Trung Quốc cũng được cho là cấm nhập khẩu 7 mặt hàng của Australia bao gồm rượu vang, quặng đồng, lúa mạch, than đá, đường, gỗ và tôm hùm, khiến cho kim ngạch thương mại của hai nước có thể sụt giảm tới 6 tỷ AUD. Trung Quốc cũng cáo buộc 1 nhà văn Australia làm gián điệp và bắt giữ một nhà báo Australia làm việc cho một kênh truyền hình của Trung Quốc.

Mặc dù quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây song đây không phải là mục tiêu mà Australia muốn hướng đến trong chiến lược ngoại giao mới của mình. Thủ tướng Australia Scott Morrison hơn một lần khẳng định Australia “hoan nghênh sự phát triển kinh tế của Trung Quốc” và điều này có lợi cho Australia và khu vực tuy vậy ông cũng nhấn mạnh “không muốn thấy sự tăng trưởng này chuyển thành sự bất ổn trong khu vực”.

Thủ tướng Scott Morrison cho hay, Trung Quốc giờ đang bắt đầu trở thành một “nền kinh tế phát triển” vì vậy nước này cũng cần phải “ứng xử tương xứng với vị thế mới” thông qua việc “thể hiện trách nhiệm trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, là sự minh bạch, hợp tác và ủng hộ các quốc gia khác”. Tất nhiên, trong vị thế của một nước lớn, Trung Quốc cũng được mong chờ sẽ là quốc gia gương mẫu trong việc tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế chứ không phải cậy thế để đi bắt nạt, chèn ép các quốc gia khác và coi thường luật pháp cũng như thỏa thuận quốc tế.

Sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua đã tạo nền tảng để Trung Quốc mở rộng tham vọng của mình. Sáng kiến Vành đai-Con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á đều là những siêu dự án và thể chế được Trung Quốc tạo dựng nhằm giúp nước này đạt được tham vọng của mình.

Song song việc thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này, Trung Quốc cũng thể hiện ý định lập lại trật tự thế giới bằng cách tự mình phá vỡ, coi thường và không tuân thủ các quy tắc, luật pháp cũng như những thỏa thuận quốc tế, bao gồm cả những thỏa thuận mà nước này tham gia. Trung Quốc cũng triệt để sử dụng lợi thế của một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng như sức mạnh của mình để bắt nạt một số quốc gia nhỏ hơn. Cách hành xử này của Trung Quốc đe dọa tới an ninh và lợi ích của nhiều quốc gia trong đó có Australia.

Trong bối cảnh chưa làm cho Trung Quốc thay đổi được cách hành xử phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Australia xác định cần phải tự mình đứng lên bảo vệ lợi ích của quốc gia để không bị chèn ép và đe dọa. Australia cũng đồng thời gia tăng ảnh hưởng và tiếng nói trong khu vực cũng như trên thế giới để thể hiện rõ vai trò là cường quốc tầm trung, từ đó thu hút được nhiều quốc gia có cùng chung quan điểm tham gia vào nỗ lực xây dựng tầm nhìn khu vực mà ở đó, luật pháp quốc tế được đảm bảo trong khi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế tiếp tục được duy trì.

Bối cảnh khu vực và thế giới đều đang thay đổi nhanh chóng và thế giới cũng đang chứng kiến sự điều chỉnh chiến lược lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Thực tế này buộc Australia có bước chuyển chiến lược để bảo vệ lợi ích của mình cũng như xây dựng không gian chiến lược đảm bảo cho sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc mở rộng lệnh cấm nhập khẩu gỗ tròn của Australia
Trung Quốc mở rộng lệnh cấm nhập khẩu gỗ tròn của Australia

VOV.VN - Truyền thông Australia cho biết, Trung Quốc vừa mở rộng lệnh cấm nhập khẩu gỗ tròn đối với 2 bang của Australia sau khi lệnh cấm này được áp dụng với 4 bang khác của nước này.

Trung Quốc mở rộng lệnh cấm nhập khẩu gỗ tròn của Australia

Trung Quốc mở rộng lệnh cấm nhập khẩu gỗ tròn của Australia

VOV.VN - Truyền thông Australia cho biết, Trung Quốc vừa mở rộng lệnh cấm nhập khẩu gỗ tròn đối với 2 bang của Australia sau khi lệnh cấm này được áp dụng với 4 bang khác của nước này.

Australia sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân vào tháng 10/2021
Australia sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân vào tháng 10/2021

VOV.VN - Sau khi hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19 với các hãng dược phẩm được ký kết, Australia cũng đã ký hợp đồng với các hãng vận chuyển để có thể hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân vào tháng 10/2021.

Australia sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân vào tháng 10/2021

Australia sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân vào tháng 10/2021

VOV.VN - Sau khi hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19 với các hãng dược phẩm được ký kết, Australia cũng đã ký hợp đồng với các hãng vận chuyển để có thể hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân vào tháng 10/2021.

Thành phố Sydney (Australia) nới lỏng phong tỏa dịp Giáng sinh
Thành phố Sydney (Australia) nới lỏng phong tỏa dịp Giáng sinh

VOV.VN - Hôm nay (23/12), chính quyền bang New South Wales của Australia vừa quyết định nới lỏng phong tỏa khu vực biển phía Bắc của thành phố Sydney trong những ngày lễ Giáng sinh.

Thành phố Sydney (Australia) nới lỏng phong tỏa dịp Giáng sinh

Thành phố Sydney (Australia) nới lỏng phong tỏa dịp Giáng sinh

VOV.VN - Hôm nay (23/12), chính quyền bang New South Wales của Australia vừa quyết định nới lỏng phong tỏa khu vực biển phía Bắc của thành phố Sydney trong những ngày lễ Giáng sinh.