Bước ngoặt giao tranh khiến phương Tây mở rộng phạm vi hỗ trợ Ukraine
VOV.VN - Các cuộc tấn công mới của Nga vào Ukraine đã khiến các nước phương Tây bắt tay vào hành động và tăng cường hỗ trợ mọi mặt cho Kiev.
Với sự dẫn đầu của Anh, một số nước phương Tây ủng hộ Ukraine hiện cho phép nước này sử dụng các vũ khí họ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga, giúp Kiev tăng cường khả năng trên chiến trường với hy vọng có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào Kharkov.
Có một thực tế là Ukraine đang tập hợp động lực theo những cách khác có thể cho phép nước này bảo vệ độc lập, đạt được những kết quả có lợi trong xung đột và bước vào một chương trình tái thiết có liên hệ chặt chẽ với cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương.
Nhìn chung, phương Tây cuối cùng đã hành động để thực hiện tuyên bố hỗ trợ Ukraine "lâu nhất có thể", cung cấp cho Kiev sự hỗ trợ kinh tế đáng kể cũng như các vũ khí, thỏa thuận an ninh và quyền tự do chỉ huy trên chiến trường. Politico cho rằng triển vọng của Ukraine tốt hơn so với thời điểm đầu năm 2023.
Cho tới nay, Ukraine vẫn duy trì được nền kinh tế vĩ mô và sự ổn định tài chính, bất chấp tác động của cuộc xung đột. Sau khi tăng trưởng kinh tế giảm 29,1% vào năm 2022, nền kinh tế Ukraine đã tăng 5% vào năm 2023, nhanh hơn các nền kinh tế lớn khác của châu Âu và mức tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục trong 3 đến nhiều năm nữa. Hơn nữa, hiện Ukraine đã được chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn tái thiết thời hậu chiến.
Đợt ủng hộ mới từ các nước phương Tây đã bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái khi Hội đồng châu Âu nhất trí mở các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU song con đường trở thành thành viên EU của Ukraine có lẽ vẫn còn nhiều thách thức: Chẳng hạn, Ukraine sẽ cần đạt tiến triển trong việc minh bạch, chống tham nhũng và những cải cách luật pháp.
Trong cùng tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp, cho phép Bộ Tài chính quyền trừng phạt các ngân hàng đã tạo điều kiện cho các giao dịch hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga. Biện pháp này kể từ đó đã cản trở các giao dịch và thanh toán quốc tế của Moscow cũng như khiến một số ngân hàng cắt đứt quan hệ với nước này.
Sau đó, vào tháng 2/2024, EU đã thông qua gói gói trợ cấp và cho vay trị giá 54 tỷ USD trong 4 năm, huy động 10 tỷ USD từ gói này cho một khung đầu tư nhằm thu hút 43 tỷ USD hỗ trợ tài chính bổ sung, nâng tổng giá trị của gói ngân sách lên gần 100 tỷ USD. Để so sánh thì toàn bộ GDP của Ukraine trong năm 2022 là 160,5 tỷ USD.
Cuối cùng, vào tháng 4/2024, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn với khoảng 50 tỷ USD liên quan đến quân sự và hơn 11 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế.
Đáng chú ý nhất, về mặt quân sự, Mục 505 của đạo luật mới này yêu cầu chuyển giao tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine. Mỹ đã âm thầm chuyển một số tên lửa cho Ukraine trước đó, giúp Kiev tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ vào các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea cũng như tấn công sâu vào các vùng lãnh thổ Nga sáp nhập ở phía Đông Ukraine. Hiện nay, việc cung cấp đã diễn ra công khai.
Ngoài ra, Mỹ cũng thông qua Đạo luật REPO, tạo điều kiện tịch thu các tài sản của Nga để thay đổi lại mục đích của chúng và chuyển cho Ukraine. Mặc dù lượng tài sản được giữ ở Mỹ chỉ có giá trị 5 - 8 tỷ USD nhưng luật này đã thúc đấy Anh và các nước châu Âu khác hành động tương tự.
Việc tịch thu những tài sản này sẽ không diễn ra nhanh chóng. Trong khi Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu đã nhất trí việc tịch thu các tài sản trên thì các bên khác vẫn còn do dự. Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số nước đã phản đối việc tịch thu này do lo ngại tác động mạnh mẽ đối với nhu cầu đồng euro ở nước ngoài cũng như đánh giá về tính an toàn của tiền gửi tại hệ thống ngân hàng châu Âu.
Tuy nhiên, nhu cầu tịch thu các tài sản của Nga ở nước ngoài có lẽ sẽ tăng lên khi cái giá của xung đột ngày càng lớn. G7 tuyên bố Nga "phải trả" cho những tổn thất mà xung đột gây ra. Tổn thất này ước tính là 152 tỷ USD hiện nay trong khi khoản tiền tái thiết và khôi phục ở Ukraine trong 10 năm có thể lên tới 486 tỷ USD.
Sự ủng hộ với Ukraine cũng tăng lên theo những cách khác. Hơn 30 nước hiện nhất trí đàm phán các thỏa thuận an ninh song phương với Kiev, trong đó ít nhất 9 thỏa thuận đã được ký kết và việc đàm phán với Mỹ đang diễn ra.
Tuy nhiên, thậm chí với sự hỗ trợ này, Ukraine vẫn gặp rủi ro lớn. Nước này đang cần được hỗ trợ hệ thống phòng không và có nhiều việc cần làm liên quan đến huy động, huấn luyện cũng như trang bị cho hàng chục nghìn binh lính.