Đối với những nước ủng hộ Ukraine, việc Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ quân sự bị trì hoãn từ lâu là một khoảnh khắc khiến họ thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, với việc Nga tăng cường tấn công vào Kharkov, nhiều bình luận đã dịch chuyển sang thái độ thận trọng. Liệu tình hình ở đây ảm đạm ra sao và các bên ủng hộ Ukraine nên lo lắng ở mức nào?

Các nhà quan sát Michael Kofman thuộc Quỹ Carnegie Hòa bình Quốc tế và Rob Lee thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại đều miêu tả tình hình hiện tại của Ukraine là "nghiêm trọng" và cảnh báo "mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn".

Phải chăng những đánh giá trước đó, ít nhất là bắt đầu từ cuộc phản công của Ukraine vào mùa thu năm 2022, đã bị nhuốm màu bởi những suy đoán hứa hẹn và lạc quan quá mức? Phương Tây nên làm gì? Mặc dù khó có được một bức tranh chính xác trong bối cảnh các sự kiện đang diễn ra nhanh chóng trên tiền tuyến và các báo cáo đang gây hiểu lầm một cách cố ý hoặc vô ý.

Cuộc tấn công vào Kharkov, trong khu vực quân đội Nga từng rút lui trước khi Ukraine tiến vào hồi tháng 9/2022, là một cú sốc với nhiều nhà quan sát bởi nó dường như diễn ra vào đúng lúc quân đội Ukraine không có sự chuẩn bị, bất chấp những cảnh báo trước đó. Ngày 10/5, quân đội Nga đã tiến nhanh qua các vùng lãnh thổ được phòng thủ sơ sài và không có các công sự kiên cố, chiếm giữ một số ngôi làng và tiến vào thị trấn Vovchansk trong khi các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Kharkov cách đó khoảng hơn 48km, ngày càng dữ dội hơn.

Những thành tựu của Nga không chỉ khiến các nhà quan sát phương Tây mà còn nhiều người ở Ukraine sửng sốt, đặc biệt khi vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã khen ngợi Kharkov là một minh chứng xây dựng thành công các công sự phòng thủ. Trang web tình báo nguồn mở của Ukraine -  Deep State Map đã đăng tải những bức ảnh gây sốc về "răng rồng" - những khối kim tự tháp nhỏ bằng bê tông cốt thép sắc nhọn có thể cản trở sự di chuyển của xe tăng, nằm chất đống một cách vô dụng bên lề đường thay vì được sử dụng làm công sự.

Thống đốc khu vực Kharkov Oleh Sinehubov nói với BBC rằng các tuyến công sự được xây dựng không gần biên giới Nga mà sâu trong lãnh thổ Ukraine bởi các cuộc pháo kích và ném bom từ phía Nga khiến việc xây dựng gần biên giới không thể thực hiện được. Ông Sinehubov cho biết, ngay cả một công trình xây dựng cách biên giới gần 30km cũng đối mặt với thương vong và tổn thất khoảng 30 máy móc. Nếu vậy, có thể một lần nữa khả năng phòng thủ của Ukraine đã bị suy giảm do thiếu nguồn cung vũ khí và đạn dược từ phương Tây cũng như do những hạn chế đối với việc Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào trong nước Nga.

Mặc dù Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ quân sự lớn trị giá hơn 60 tỷ USD cho Ukraine nhưng chỉ riêng gói hỗ trợ này sẽ không thể trả lời cho câu hỏi lớn mà Kiev đang đối mặt: Đó là làm thế nào để giành chiến thắng trong cuộc xung đột này? Thứ Ukraine cần không chỉ là sự hỗ trợ mà còn là kịch bản chiến thắng - điều mà một số đối tác phương Tây tránh thảo luận. Washington tập trung vào các kế hoạch ngắn hạn, chẳng hạn như hỗ trợ Kiev trong cuộc phản công năm 2023 thay vì phác thảo các chiến lược hoặc mục đích dài hạn - trong đó bao gồm một chiến thắng trước quân đội Nga. Cho tới cuối năm ngoái, các quan chức Mỹ thậm chí vẫn tránh công khai sử dụng từ "chiến thắng". Washington cũng tránh miêu tả mục tiêu của nước này tại Ukraine là đánh bại Nga. Tuyên bố dài hạn duy nhất của Washington là sẽ ủng hộ Ukraine "lâu nhất có thể".

Vào thời điểm này, Ukraine đã tuyên bố rõ về các mục tiêu của mình, bao gồm giải phóng các vùng lãnh thổ, trao đổi tù nhân, xét xử các tội ác chiến tranh và yêu cầu bồi thường; đồng thời thiết lập các thỏa thuận an ninh dài hạn. Tuy nhiên, Kiev và các đối tác vẫn chưa có cùng quan điểm về việc những mục tiêu trên sẽ được thực hiện như thế nào.

Foreign Affair cho rằng, việc Ukraine và các đối tác của nước này đang thiếu một chiến lược giành chiến thắng khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba, là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu không suy nghĩ về một hồi kết cho xung đột, giới lãnh đạo ở Ukraine, Mỹ và châu Âu sẽ đưa ra những quyết định quan trọng mà không có sự gắn kết với nhau. Ukraine có lẽ đạt được một số thành quả nhỏ nhưng không thể đánh bại hoàn toàn đối thủ, trong khi phương Tây sẽ phải tiếp tục suy nghĩ về gói hỗ trợ tiếp theo cho Kiev. Nếu không có một bức tranh chiến lược, sẽ khó có thể duy trì tinh thần và ý chí chiến đấu ở trong cũng như ngoài Ukraine.

Việc tìm ra một kịch bản chiến thắng hiện nay sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời điểm năm 2022 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Bởi kể từ đó, Nga đã đặt nền kinh tế vào chế độ thời chiến, chuẩn bị cho xung đột lâu dài, tuyển mộ thêm binh lính và sản xuất một lượng lớn trang thiết bị.

Tuy nhiên, các nhà quan sát phương Tây cho rằng, bất chấp sự đầu tư lớn, khả năng của Moscow không phải là vô hạn. Nga cũng chịu tổn thất về lực lượng và phương tiện cũng như các tác động từ lệnh trừng phạt phương Tây. Ngoài ra, những thành quả nhỏ của Nga đạt được nhờ lợi thế áp đảo về hỏa lực chỉ xảy ra khi phương Tây gián đoạn hỗ trợ Ukraine.

Hiện nay, cuộc giao tranh giành quyền kiểm soát Vovchansk ở khu vực Kharkov rất căng thẳng và Moscow đã chiếm được một số ngôi làng thưa dân trong khu vực. Tuy nhiên, sau đột phá ban đầu, bước tiến của Nga ở đây được cho là đã chậm lại. Một số nhà phân tích cho rằng, các lực lượng của Moscow trong khu vực đang chịu tổn thất nhất định và thiếu nhân lực để đẩy mạnh tấn công hơn nữa.

Nhà phân tích Ruslan Leviev, người sáng lập Nhóm Tình báo Xung đột nguồn mở nhận định, kế hoạch tấn công của Nga ở Kharkov dựa trên một nghịch lý: Mục tiêu của kế hoạch này là kéo quân Ukraine khỏi Donetsk để tạo điều kiện cho Nga tiến công ở Kharkov nhưng việc duy trì đà tiến công ở đây sẽ khiến Nga phải di chuyển quân đội từ Donetsk tới Kharkov. Kết quả cuối cùng là sẽ có một vài sự dịch chuyển từ giao tranh ở phía Đông và phía Nam sang phía Bắc nhưng không nhiều hơn thế. Hiện chưa rõ liệu Nga có thể sử dụng lợi thế và thành quả của mình ở Kharkov để bao vây một phần thành phố Chasiv Yar ở Donetsk hay không - nơi dường như cũng là một trong các mục tiêu của nước này.

Thiếu nhân lực là một vấn đề thực sự nghiêm trọng đối với Ukraine. Các chuyên gia Kofman và Lee chỉ ra rằng, sự thiếu hụt này là “hậu quả của những lựa chọn chính sách, hệ thống huy động yếu kém và nhiều tháng không khoan nhượng về mặt chính trị trước khi một loạt luật huy động được thông qua gần đây”, bao gồm luật giảm độ tuổi đủ điều kiện tham gia quân dịch từ 27 xuống 25 và khuyến khích sự tham gia của các tình nguyện viên.

Các vấn đề khác không phải ở phía Ukraine. Viện trợ phương Tây cũng là một vấn đề. Khi việc chuyển giao được bật đèn xanh, những trì hoãn thường diễn ra sau đó: Các chiến đấu cơ F-16 lần đầu tiên được cam kết cung cấp cho Ukraine vào năm ngoái vẫn đang được vận chuyển nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Ngoài ra cũng chưa rõ liệu có bao nhiêu trang thiết bị trong gói hỗ trợ của Mỹ được thông qua vào tháng trước đã đến được tiền tuyến.

Về phần mình, Nga cũng đối mặt với một số khó khăn. Mặc dù việc Moscow vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây được coi là một câu chuyện thành công nhưng nền kinh tế thời chiến của Nga không mạnh mẽ như người ta tưởng. Tập đoàn khí đốt tự nhiên Gazprom đã báo lỗ ròng lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ do xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sụt giảm. Ngành công nghiệp dầu mỏ đang phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga và tình trạng thiếu lực lượng lao động. Đầu tư tư nhân, chìa khóa cho tăng trưởng thực dài hạn, đã giảm mạnh trong khi lạm phát ở mức gần 8% và tiếp tục tăng lên.

Nhà quan sát Leviev tin rằng, Nga có thể thu được lợi ích cận biên trong thời gian còn lại của năm nay, nhưng vào năm 2025, khi hoạt động sản xuất vũ khí ở các nước NATO cuối cùng cũng tăng lên, Ukraine có thể sẽ xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, bất kỳ dự đoán nào sau năm 2024 đều có vẻ liều lĩnh.

Vào cuối năm 2022, những thành công trên chiến trường của Ukraine đã tạo ra một câu chuyện lạc quan dẫn đến kỳ vọng tăng cao về việc giành lại tất cả các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát. Tuy nhiên, những câu chuyện bi quan sau cuộc phản công thất bại của Ukraine năm 2023, và đặc biệt là cuộc tấn công mới của Nga năm 2024 đã hàm chứa những ý nghĩa nhất định, đặc biệt khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần.  Tất cả những điều này khiến việc tăng cường hỗ trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine vào mùa hè này trở nên cấp bách hơn, bao gồm cả việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga.

Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Thứ Tư, 06:09, 29/05/2024