Cách Nga dùng lồng sắt để vô hiệu hóa UAV Ukraine đánh vào xe tăng
VOV.VN - Lồng sắt tỏ ra hiệu quả trong bảo vệ xe tăng Nga trước các đòn đánh bằng UAV của Ukraine. Nga có thể sẽ áp dụng rộng rãi chiến thuật này trong bối cảnh chiến dịch phản công của Ukraine còn kéo dài.
Một video đáng chú ý xuất hiện mới đây trên mạng xã hội cho thấy cách sử dụng lồng sắt để vô hiệu hóa UAV sát thủ đánh vào xe tăng. Tác giả video không nói rõ thời điểm và địa điểm quay video này nhưng việc quay được cho là diễn ra trong thời gian hè-thu ở Ukraine.
Video được ghi bằng camera gắn trên tháp pháo hoặc lưới tháp pháo của một chiếc xe tăng của quân đội Nga. Tác giả cho biết chiếc xe tăng này thuộc đơn vị “O” (Nga sử dụng và đánh dấu các xe thiết giáp của mình bằng các chữ cái khác nhau, trong đó phổ biến nhất là ký tự “Z”).
Trong clip, chiếc máy bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất (FPV) lao đến từ phía trái xe tăng và đâm trực tiếp vào tháp pháo. Đòn tấn công của UAV này thực sự chính xác, nhưng lại… hoàn toàn thất bại. Thuốc nổ trong UAV không phát nổ và bản thân UAV vỡ thành nhiều mảnh. Ở cuối video, khi xe tăng lùi lại, thì có dấu hiệu một UAV thứ hai lao vào xe tăng, nhưng không thấy UAV. Lý do cho nhận định này là UAV thứ 2 đã đánh trúng vị trí của camera. Một lần nữa chiếc xe tăng không hề hấn gì. Trong cả 2 trường hợp, thuốc nổ trên UAV đều không phát nổ.
Clip mới đây của tài khoản Twitter Zlatti71 về vụ 2 UAV tấn công xe tăng Nga nhưng không gây hề hấn gì cho xe tăng:
Lồng sắt phát huy tác dụng
Ít nhất một UAV lao vào lưới tháp pháo. UAV này không nổ và vỡ thành nhiều mảnh.
Ở đây có một số khả năng. Thứ nhất, thuốc nổ không nạp đúng cách vào UAV. Thứ hai, thuốc nổ đã bị thối khi tiếp xúc với lồng sắt bảo vệ của xe tăng.
Không phải lớp giáp của xe tăng nào cũng có thể chịu được đòn tấn công của UAV. Tuy nhiên, có những trường hợp khi UAV phát nổ, chiếc xe tăng vẫn không bị phá hủy và tiếp tục chiến đấu được.
Hồi tháng 4 từng có một trường hợp như vậy. Một xe tăng Nga tiếp tục chiến đấu và nã pháo sau khi bị đối phương tấn công bằng hỏa lực tới 2 lần. Đòn thứ nhất được thực hiện bằng UAV cảm tử của Ukraine. Với độ chính xác cao, UAV này lao thẳng vào tháp pháo xe tăng, tạo ra tiếng nổ lớn. UAV đánh vào đúng chỗ tiếp giáp giữa tháp pháo và thân xe tăng. Vụ nổ làm văng ra một số miếng thép trên xe tăng nhưng vẫn không cản bước được chiếc xe tăng.
Clip hồi tháng 4 của Bulgarianmilitary về vụ xe tăng bị tấn công 2 lần bằng đạn nổ:
Sau đó, chiếc xe tăng tiếp tục xạ kích liên tiếp vào các mục tiêu. Xe tăng phóng một loạt đạn pháo. Đột nhiên, xe tăng bị tấn công một lần nữa. Quả đạn đối phương làm đất bùn bắn tung tóe ở sườn phải của khung xe tăng. Xe tăng tạm ngừng “khạc lửa” trong chốc lát rồi rút lui chiến thuật, theo đúng đường đã đi.
Như vậy, những đòn tấn công chính xác không phải lúc nào cũng bảo đảm phá hủy được mục tiêu.
Phản công của Ukraine có thể tiếp diễn trong nhiều tháng nữa, trên nhiều trục
Đà tiến của quân đội Ukraine hiện nay là khá chậm chạp ở miền Nam cũng như ở Donbass. Tuy nhiên, có dấu hiệu cuộc phản công này sẽ kéo dài trong nhiều tháng nữa.
Chiến dịch phản công của Ukraine tiếp tục mở ra theo vài trục khác nhau, dù rủi ro mà Ukraine đối mặt là khá cao.
Tình báo quân sự Anh gần đây đánh giá: “Các bộ phận của quân đội Ukraine đã tiến vào tuyến phòng thủ chính nhiều lớp của Nga nằm về phía Đông thị trấn Robotyne”.
Rút kinh nghiệm từ giai đoạn đầu của phản công (khi nhiều xe tăng, xe thiết giáp của Ukraine bị mắc kẹt trong phòng tuyến kiên cố và bãi mìn rộng của Nga), hiện nay Kiev tiếp tục sử dụng bộ binh hạng nhẹ để tìm cách vượt qua tuyến phòng ngự của đối phương.
Đây không phải là trục tiến quân duy nhất của Ukraine. Dịch về phía Đông Bắc, quân đội Ukraine tiếp tục gây áp lực lên các vị trí của Nga quanh Bakhmut (Artemovsk). Quân Ukraine đã có những thành quả nhất về phía Nam thành phố này, đe dọa làm xói mòn bước tiến của Nga trong năm qua tại khu vực này.
Tình báo quốc phòng Anh bổ sung: “Có khả năng cao Nga đã tái triển khai lực lượng từ các khu vực khác của tiền tuyến để thay thế các đơn vị đã hao mòn quanh Robotyne. Hoạt động tái bố trí này có thể giới hạn năng lực của Nga tiến hành hoạt động tấn công dọc theo các khu vực khác của mặt trận”.
Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Giao tranh ác liệt trên thực địa (với việc huy động nhiều vũ khí hiện đại) đã khiến cả quân đội Nga lẫn Ukraine hứng chịu thương vong lớn. Xung đột vũ trang này thực sự mang tính tiêu hao, bên nào có quân đông và khí tài nhiều hơn sẽ lợi thế hơn.