Cách thức Nga xây dựng mạng lưới phòng thủ ứng phó Ukraine phản công
VOV.VN - Khi quân đội Ukraine tạm dừng các đợt tiến công để tái tập hợp lực lượng vào cuối năm 2022, Nga đã tăng cường xây dựng các công sự kiên cố ở dọc theo chiến tuyến, để làm chậm bước tiến của quân đội Ukraine.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Nga đã thiết lập hàng nghìn vị trí phòng thủ mới, đôi khi đào sâu vào các khu vực chiến lược quan trọng để sẵn sàng ứng phó với cuộc phản công sắp diễn ra của quân đội Ukraine. Ông Brady Africk – nhà nghiên cứu tình bão mã nguồn mở, đồng thời là thành viên của Viện American Enterprise cho biết, các chiến hào mới, hàng rào chống tăng và các công sự đang mọc lên như nấm, trải dài từ thành phố Voronok của Nga, chạy qua phía Đông Ukraine và phía Tây Nam đến bán đảo Crimea.
Nga đã đạt được rất ít bước tiến trong các cuộc tấn công vào mùa Đông. Khi xung đột bước sang mùa xuân và Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc phản công lớn, với các binh sỹ từng được huấn luyện tại NATO và kho vũ khí mới do phương Tây cung cấp, Moscow có thể coi việc củng cố hệ thống phòng thủ là giải pháp tốt nhất để tránh nguy cơ rủi ro, Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của Mỹ nhận định.
“Sau khi rút lui khỏi Kharkov, Nga dường như nhận thức rằng Ukraine có thể thực hiện một loạt cuộc tấn công tiếp theo. Việc xây dựng các công sự nhằm mục đích ngăn ngừa nguy cơ Kiev có thể tạo ra bước đột phá khác”, chuyên gia Rob Lee lưu ý.
Chiến hào
Theo các chuyên gia, loại công trình phòng thủ phổ biến nhất và dễ xây dựng nhất - là chiến hào. Tài liệu hướng dẫn thực địa của quân đội Mỹ cho biết, các chiến hào cần phải được đào sâu đến vai người lính, ở những vị trí không dễ quan sát và lý tưởng nhất là sử dụng các vật liệu tự nhiên làm thành một bức bình phong để che chắn như đất đá, bao cát, cây cối ngụy trang hoặc những vật liệu khác.
Chiến hào cung cấp khả năng bảo vệ binh sỹ trước loạt đạn của đối phương hoặc có thể giúp bộ binh sống sót trong các trận địa pháo – vốn là đặc điểm nổi bật của cuộc xung đột Ukraine. Trên chiến hào, những lớp đất phủ phía trên dày khoảng 30cm có thể ngăn cản các mảnh vỡ của đạn cối 80mm rơi xuống phía dưới.
Nhà nghiên cứu Brady Africk cho rằng, các lực lượng Nga đã đào những chiến hào như vậy dọc theo những nơi mà họ cho là nút giao thông quan trọng, hoặc bên ngoài các thành phố chiến lược. Công trình phòng thủ này đã được quan sát thấy ở hai khu vực Tokmak và Bilmak thuộc tỉnh Zaphorizhzhia.
Hầu hết các chiến hào được xây dựng theo hình zig-zag, giúp hạn chế tầm nhìn của đối phương và cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung trước những mảnh đạn pháo. Nhưng trong một số trường hợp, chiến hào vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng trên các bức ảnh vệ tinh nếu chúng được xây dựng trên địa hình bằng phẳng và không được ngụy trang kỹ lưỡng.
Ông Mick Ryan, cựu tướng của quân đội Australia cho rằng: “Việc xây dựng thật nhiều chiến hào không có nghĩa là bên phòng thủ sẽ có lợi thế, bởi các vị trí phòng thủ được bao bọc kém thậm chí sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Mọi thứ đều phụ thuộc vào vị trí của chúng”.
Chướng ngại vật và cạm bẫy
Bên phòng thủ có thể đào hố sâu hoặc xây dựng các rào chắn bằng dây thép gai hay đặt các chướng ngại vật bằng bê tông cứng gần chiến hào, để hạn chế khả năng cơ động của đối phương và dồn họ vào các khu vực dễ tấn công hơn. Đối với xe tải hoặc các phương tiện có bánh khác chủ yếu di chuyển bám sát địa hình, việc ngăn chặn sẽ dễ dàng hơn. Dây thép gai, thân cây hoặc những hố sâu có thể khiến chúng di chuyển chậm lại hoặc đứng im bất động.
Theo ông Africk, các hào chống tăng và tuyến phòng thủ “răng rồng” được dựng nên từ những khối bê tông hình kim tự tháp, đặt thành hàng so le rất phổ biến tại Ukraine. Bên cạnh đó, những quả cầu gai bằng thép có thể phá hỏng bánh xích của xe tăng.
Mặc dù hàng rào và khối bê tông chống tăng đặt ra nhiều thách thức đối với các phương tiện chiến đấu, nhưng đôi khi xe tăng hoặc xe bọc thép vẫn có thể vượt qua các chướng ngại này. Trong trường hợp đó, mìn có thể là vũ khí hiệu quả để ngăn đà tiến của đối phương. Nga được cho là đã thiết lập nhiều bãi mìn xung quanh khu vực chiến tuyến. Mìn là vũ khí rẻ tiền, dễ dàng cất giấu và đôi khi có thể được rải bằng những phương tiện chuyên dụng, vì thế trong một số trường hợp các binh sỹ không cần tiếp cận trực tiếp khu vực để cài đặt mìn.
Nhiều loại mìn, chẳng hạn như “mìn nhảy” tấn công đột nóc PTKM-1R của Nga được thiết kế để tiêu diệt có chọn lọc các phương tiện bọc thép và xe tăng. Nó sẽ không phản ứng khi phương tiện cơ giới thông thường như ô tô chạy ngang qua, mà đợi các phương tiện bọc thép hạng nặng như xe tăng hoặc IFV. Theo chuyên gia Africk, nếu Nga sử dụng mìn một cách hiệu quả thì Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cựu tướng Mick Ryan cho rằng, cần phải có các thiết bị đặc biệt để rà phá bom mìn, nhằm dọn đường cho các phương tiện cơ giới. Lưỡi ủi và con lăn có thể được gắn vào xe tăng hoặc các phương tiện hạng nặng khác. Ngoài ra, bên tấn công có thể những sử dụng những xe chuyên dụng được trang bị ống phóng và dây thuốc nổ để kích nổ bãi mìn. Những thiết bị này đã được Mỹ và châu Âu đưa vào gói hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong thời gian gần đây.
Thời tiết cũng là một trong những yếu tố cản trở các cuộc tấn công. Hiện tượng bùn lầy xuất hiện vào mùa xuân khi tuyết tan sẽ khiến các phương tiện khó di chuyển, thậm chí bị sa lầy và không thể kéo ra khỏi vùng chiến sự.
Theo ông Ryan, ở một mức độ nào đó, việc xem xét những nơi quân đội Nga xây dựng các công trình phòng thủ có thể giúp phán đoán những yếu tố hoặc khu vực mà các chỉ huy của Nga coi là quan trọng. Nga dường như cho rằng, khu vực Ukraine dễ tấn công nhất là ở phía Nam, đặc biệt là Zaporizhzhia.
Theo Chuyên gia nghiên cứu Rob Lee - cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ, việc cán cân cuộc xung đột trong năm 2023 thay đổi ra sao sẽ phụ thuộc vào những nơi mà Ukraine tập trung binh lực, quy mô lực lượng họ điều động và mức độ chuẩn bị ứng phó của Nga ở những khu vực đó. Những công sự mà Nga đã và đang xây dựng có thể gây ra nhiều thách thức lớn cho Ukraine, nhưng Kiev khó có thể bỏ lỡ cơ hội phản công khi họ đang nhận được sự hỗ trợ về phương tiện và vũ khí của phương Tây ở mức cao nhất./.