Cái chết của Khashoggi và cuộc mặc cả giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Saudi Arabia

VOV.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nhìn thấy một “cơ hội trời cho” để thay đổi tương quan vị thế với đối thủ trong khu vực – Saudi Arabia.

Đối với hầu hết chính phủ các nước, một vụ án mạng xảy ra trong lãnh sự quán nước ngoài trên lãnh thổ của mình sẽ là một “cơn ác mộng”. Đó là một vấn đề vô cùng lớn và phức tạp từ việc điều tra đến nguy cơ căng thẳng ngoại giao cũng như khả năng bị “mất mặt” với cộng đồng quốc tế. Nhưng có lẽ đó không phải là trường hợp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Quốc vương Saudi Arabia Salman (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Ảnh: SPA)

Khi nghe tin nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi nghi bị giết trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã biết ngay đây là một “cơ hội trời cho”, nhất là khi vụ việc dẫn dắt đến những mối quan hệ thân cận nhất của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS), người mà ông Erdogan vẫn luôn xem là đối thủ cạnh tranh chính cho vị trí nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo dòng Sunni.

Cuộc mặc cả

Suốt 3 tuần qua, kể từ khi ông Khashoggi mất tích ngày 2/10 cho đến sau khi Saudi Arabia thừa nhận ngày 19/10 rằng nhà báo này bị giết trong lãnh sự quán của nước này ở Istanbul, thông tin về vụ việc cứ rò rỉ dần dần từ truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi lần, Thổ Nhĩ Kỳ lại tung ra một chi tiết rùng rợn hơn, từ việc nhà báo này nghi bị tra tấn đến bị phân xác. Và tất cả các “bằng chứng” mà Thổ Nhĩ Kỳ tung ra đến thời điểm này đều chĩa mũi dùi về phía Thái tử Saudi Arabia.

Không nghi ngờ gì về việc Tổng thống Erdogan vô cùng giận dữ khi một tội ác khủng khiếp và man rợ như thế xảy ra trong biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, lại là ngay trên thành phố quê hương của ông – Istanbul.

Tổng thống Erdogan có thể có hoặc không có bằng chứng buộc tội Thái tử MbS nhưng dư luận có thể nhận ra ông đã lựa chọn từ ngữ cẩn trọng ra sao trong phát biểu ngày 23/10, khi yêu cầu các cơ quan chức năng nước này xác định mọi đối tượng liên quan đến vụ giết hại nhà báo Khashoggi, bao gồm “người đã ra chỉ thị cho đến người tiến hành”, và yêu cầu phía Saudi Arabia dẫn độ 18 nghi phạm sang Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với công lý.

“Theo lệnh của ai mà những cá nhân này lại đi đến đó?” – Tổng thống Erdogan để ngỏ khả năng Thái tử Saudi Arabia hay ai đó rất thân cận với ông này đã chỉ thị vụ ám sát ngay trong Lãnh sự quán ở Istanbul.

Đó như là một lời răn đe rằng Thổ Nhĩ Kỳ không ngại “động chạm” đến những bàn tay quyền lực có thể đứng đằng sau vụ sát hại này, kể cả nếu đó là Thái tử MbS.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” mà ở đó, ông Erdogan đang muốn “đẩy giá” lên cao trong cuộc thương thảo với Saudi Arabia trong lúc Riyadh đang lo lắng về những “bằng chứng” mà Ankara có thể đang nắm giữ.

Với Saudi Arabia, khi đã ở vào tình thế hiện nay, Riyadh chỉ muốn nhanh chóng dập tắt cuộc khủng hoảng uy tín này, có thể là bằng cái giá rất đắt, hoặc bằng mọi giá.

Cái giá Saudi Arabia phải trả

Uy tín. Đó là điều đầu tiên mà Saudi Arabia đánh mất trước cả khi Thổ Nhĩ Kỳ ra cái giá của mình bởi Riyadh ngay từ đầu lại khẳng định rằng ông Khashoggi còn sống và đã rời Lãnh sự quán. Và mỗi một lần Thổ Nhĩ Kỳ rò rỉ thông tin mới về vụ việc này, Saudi Arabia lại phải đưa ra một “phiên bản” mới của họ.

“Phiên bản” mới nhất về vụ giết hại Khashoggi mà phía Saudi Arabia đưa ra là nhóm 15 người được cử đến chỉ để thẩm vấn nhà báo này nhưng họ đã có những lời lẽ đe dọa đánh thuốc và bắt cóc khiến Khashoggi hoảng loạn chống cự, buộc họ phải không chế và đã “quá tay” siết cổ giết chết ông.

Với tuyên bố ngày 23/10, Tổng thống Erdogan đã “đặt cược” uy tín của cá nhân ông vào cáo buộc rằng, câu chuyện của Saudi Arabia là “một lời nói dối”.

Chưa nói đến việc câu chuyện của Saudi Arabia có thật hay không thì trước hết nó không có tính thuyết phục, thậm chí với cả Mỹ, đồng minh thân cận của Riyadh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/10 cũng bình luận rằng, câu chuyện của Riyadh “là sự che đậy tồi tệ nhất từ trước tới nay” dù trước đó ông đứng về phía Saudi Arabia khi bày tỏ tin tưởng rằng Thái tử MbS không hề hay biết gì về vụ giết người này. Ông Trump muốn tin vào lời giải thích của Saudi Arabia nhưng dường như quá khó.

“Ở Riyadh, Thái tử là người điều hành mọi thứ và nếu có ai liên quan đến vụ việc thì đó sẽ là ông ta” – ông Trump trả lời Wall Street Journal ngày 24/10, khi được hỏi về khả năng Thái tử MbS có thể liên quan tới vụ Khashoggi hay không.

Chắc chắn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn muốn “ép” Saudi Arabia hơn thế nữa.

New York Times dẫn ý kiến một số quan chức và chuyên gia Mỹ phỏng đoán rằng, ông Erdogan có thể xem đây là cơ hội “bòn rút” tiền của Saudi Arabia để vực dậy kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại, Ankara sẽ giữ thể diện cho Riyadh và không chĩa mũi giáo về Hoàng tộc Saud.

Và nếu Tổng thống Erdogan thực sự có đoạn băng ghi âm vụ giết hại hay các bằng chứng tình báo tương tự khác có thể buộc tội Thái tử MbS, ông hoàn toàn có khả năng tạo sức ép dư luận đến mức đánh bật người con trai 33 tuổi của Quốc vương Salman khỏi chiếc ghế kế vị, khiến Hoàng tộc Saud lao đao, khốn đốn và không đủ sức gia tăng thêm ảnh hưởng trong khu vực.

Đó rất có thể là mục đích tối thượng của ông Erdogan, người vẫn nuôi mộng thiết lập ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ như một Đế chế Ottoman tái sinh mà trên chặng được thực hiện hoài bão đó, đối thủ lớn nhất là Saudi Arabia.

Vụ sát hại nhà báo Khashoggi không chỉ cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội làm cho uy tín của Saudi Arabia bị suy yếu đáng kể mà còn khiến Hoàng tộc Saud phải kiêng nể ông Erdogan hơn.

“Phần thưởng” thêm cho Tổng thống Erdogan là trong cơn phẫn nộ của dư luận quốc tế về cái chết thảm khốc của Khashoggi, ông có cơ hội xây dựng lại hình tượng một nhà lãnh đạo tuyệt vời, đầy tính nhân văn sau quãng thời gian bị chỉ trích vì thẳng tay trừng trị những kẻ đảo chính không thành năm 2014.

Điểm cân bằng hoàn hảo

Có thể nói Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay là “kỳ phùng địch thủ” trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, ông Erdogan ủng hộ những nhóm như Anh em Hồi giáo, vốn theo đuổi nhánh đạo Hồi dân túy qua việc ủng hộ các cuộc bầu cử ở Ai Cập và Tunisia trong khi Saudi Arabia gọi phong trào này là tổ chức khủng bố. Ông Erdogan cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Iran, kẻ thù chủ chốt của Saudi Arabia, và với Qatar, nước đã bị Saudi Arabia và một số quốc gia Arab khác tẩy chay vì tranh cãi chính trị.

Nhưng ông Erdogan cũng hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tìm một “điểm cân bằng” trong quan hệ với Saudi Arabia. Riyadh vốn đã “nóng mắt” với ông Erdogan vì Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ủng hộ các phòng trào Hồi giáo nằm ngoài quyền kiểm soát của Saudi Arabia. Nhưng trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không mấy sáng sủa, ông Erdogan cũng không muốn ép Saudi Arabia đến mức Riyadh đáp trả bằng các biện pháp kinh tế.

Đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, “điểm cân bằng” tuyệt đối hiện giờ có lẽ là khiến Saudi Arabia nhượng bộ càng nhiều càng tốt nhưng cũng tránh một sự đổ vỡ ngoại giao toàn diện với Riyadh.

Đó là lý do vì sao ông Erdogan vẫn nói về Quốc vương Salman, cha của Thái tử MbS, bằng những từ ngữ hết sức tôn kính, như một cách để tạo “đất” cho Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể thương thảo.

Nhưng ông vẫn “đá” quả bóng về “sân” của Saudi Arabia và chờ xem Thái tử MbS muốn “chơi rắn” hay không, với niềm tin rằng, rút cuộc, cả 2 phía đều muốn “đi đêm” với nhau để giải quyết vụ việc này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ thu hồi thị thực 21 nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Mỹ thu hồi thị thực 21 nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi

VOV.VN - Mỹ sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhưng khẳng định Saudi Arabia vẫn là đồng minh quan trọng.

Mỹ thu hồi thị thực 21 nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Mỹ thu hồi thị thực 21 nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi

VOV.VN - Mỹ sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhưng khẳng định Saudi Arabia vẫn là đồng minh quan trọng.

Mỹ từng bước trừng phạt Saudi Arabia vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Mỹ từng bước trừng phạt Saudi Arabia vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi

VOV.VN - Mỹ đang có các động thái ban đầu trừng phạt Saudi Arabia dù Washington khẳng định vẫn duy trì quan hệ với Riyadh vì các lợi ích chiến lược của 2 bên.

Mỹ từng bước trừng phạt Saudi Arabia vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Mỹ từng bước trừng phạt Saudi Arabia vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi

VOV.VN - Mỹ đang có các động thái ban đầu trừng phạt Saudi Arabia dù Washington khẳng định vẫn duy trì quan hệ với Riyadh vì các lợi ích chiến lược của 2 bên.

Những nghi phạm Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi là ai?
Những nghi phạm Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi là ai?

VOV.VN - Theo nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, khi nhà báo Khashoggi tới lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, ông đã bị 15 người “bắt giữ”. 

Những nghi phạm Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi là ai?

Những nghi phạm Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi là ai?

VOV.VN - Theo nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, khi nhà báo Khashoggi tới lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, ông đã bị 15 người “bắt giữ”. 

Saudi Arabia cam kết xử nghiêm những kẻ đứng sau vụ nhà báo bị giết hại
Saudi Arabia cam kết xử nghiêm những kẻ đứng sau vụ nhà báo bị giết hại

VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không miễn trừ ngoại giao cho kẻ giết nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi ở lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.

Saudi Arabia cam kết xử nghiêm những kẻ đứng sau vụ nhà báo bị giết hại

Saudi Arabia cam kết xử nghiêm những kẻ đứng sau vụ nhà báo bị giết hại

VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không miễn trừ ngoại giao cho kẻ giết nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi ở lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.

Saudi Arabia hứng bão “chỉ trích” vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Saudi Arabia hứng bão “chỉ trích” vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi

VOV.VN - Saudi Arabia tiếp tục hứng chịu “cơn bão chỉ trích” từ dư luận quốc tế khi vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi dần được làm sáng tỏ.

Saudi Arabia hứng bão “chỉ trích” vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Saudi Arabia hứng bão “chỉ trích” vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi

VOV.VN - Saudi Arabia tiếp tục hứng chịu “cơn bão chỉ trích” từ dư luận quốc tế khi vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi dần được làm sáng tỏ.