Vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ rút toàn bộ quân ra khỏi Aghanistan trước ngày 11/9 sau khi hoàn thành nhiệm vụ loại bỏ những kẻ khủng bố đang ẩn náu tại quốc gia này. Và như vậy, sứ mệnh chiến đấu trải dài dài qua 3 đời tổng thống Mỹ, đặt cược bằng tính mạng của rất nhiều binh sỹ Mỹ, cuối cùng cũng đã kết thúc.

Tổng thống Biden thừa nhận rằng, sau gần 20 năm tham chiến, quân đội Mỹ không thể giúp Afghanistan trở thành một nền dân chủ hiện đại và ổn định. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ để lại 650 binh sỹ để đảm bảo an toàn cho Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul. Một số binh sỹ sẽ đồn trú tại sân bay quốc tế ở Kabul để cùng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ sân bay này.

Chỉ vài tuần sau khi Al Qaeda tấn công Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại Washington vào ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nhóm khủng bố này và các mục tiêu của Taliban tại Afghanistan.

“Những hành động với mục tiêu rõ ràng, được lên kế hoạch cẩn thận này nhằm ngăn chặn việc các phần tử khủng bố sử dụng Afghanistan làm căn cứ và tấn công năng lực quân sự của Taliban”, ông George W. Bush.

Theo ông Bush, Taliban – khi đó chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Afghanistan, đã từ chối yêu cầu của Mỹ về giao nộp các thủ lĩnh của Al Qaeda - những kẻ đã lên kế hoạch tấn công khủng bố tại Mỹ từ các căn cứ bên trong Afghanistan. “Và bây giờ Taliban sẽ phải trả giá”, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.

Nhìn lại cuộc chiến Afghanistan (Nguồn WSJ)

Tổng thống George W. Bush cũng cảnh báo rằng, “Chiến dịch Tự do Bền vững” tại Afghanistan sẽ là một chiến dịch kéo dài và không giống bất cứ chiến dịch nào mà chúng ta từng chứng kiến.

Đầu tháng 12/2001, thủ lĩnh Al Qaeda là Osama bin Laden và các chỉ huy hàng đầu khác của Taliban đã trốn đến Pakistan. Mỹ không tiếp tục truy đuổi, do vậy, Pakistan đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các chỉ huy và chiến binh Taliban. Lực lượng này sau đó nhiều lần vượt biên giới để tấn công các lực lượng Mỹ và Afghanistan.

Bên trong Afghanistan, quân đội Mỹ nhanh chóng lật đổ “đế chế” Taliban và tiêu diệt các đơn vị chiến đấu của lực lượng này. Sau đó, Taliban đã xin đầu hàng vô điều kiện nhưng Mỹ không đồng ý. Đến tháng 5/2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tuyên bố chấm dứt các hoạt động tác chiến lớn ở quốc gia Nam Á này.

Sau khi đánh bại Taliban, Mỹ và NATO xoay trục sang tái thiết đất nước Afghanistan và xây dựng một chính phủ thân phương Tây, chi hàng tỷ USD để khôi phục lại một đất nước nghèo đói, bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh kéo dài 2 thập kỷ.

Mỹ và đồng minh đã đạt được những thành công ban đầu, chẳng hạn như hỗ trợ Afghanistan thành lập chính phủ mới, xây dựng các trường học, bệnh viện và công trình công cộng. Hàng nghìn trẻ em gái từng bị cấm đi học dưới sự cai quản của Taliban, đã được đến trường. Phụ nữ cũng được tham gia lực lượng lao động, phục vụ trong Quốc hội và chính phủ.

Lính Afghanistan và lính Mỹ tấn công một vị trí nổ súng của Taliban ở làng Layadira, tỉnh Kandahar, vào tháng 2/2013.
Ảnh: The New York Times

Tuy vậy, tình trạng tham nhũng đã tạo ra nhiều thách thức cho đất nước này. Hàng triệu USD tiền tái thiết và tiền đầu cư bị đánh cắp hoặc chiếm đoạt. Chính phủ  Afghanistan thậm chí không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhất của người dân. Năm 2003, Mỹ bắt đầu chuyển dần các nguồn lực chiến đấu tại Afghanistan sang cuộc chiến ở Iraq, sau khi đã triển khai 8.000 binh sỹ tại quốc gia Nam Á này.

Taliban đã khôi phục được khả năng chiến đấu, bất chấp các cuộc tấn công đều đặn của quân đội Mỹ và NATO. Trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Taliban, Tổng thống Barack Obama đã triển khai thêm hàng nghìn binh sỹ tới Afghanistan, nâng quân số lên gần 100.000 vào giữa những năm 2010.

Nhưng Taliban vẫn không ngừng lớn mạnh và ngày càng gây thương vong nặng nề cho lực lượng an ninh Afghanistan bất chấp sự hỗ trợ và các cuộc không kích của quân đội Mỹ.

Phải mất 10 năm, quân đội Mỹ mới tiêu diệt được Osama bin Laden và thêm 10 năm nữa để kết thúc sự hiện diện quân sự Mỹ tại Afghanistan (Ảnh Getty Images)

Vào tháng 5/2011, một đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden tại sào huyệt của hắn ở Abbottabad, gần một học viện huấn luyện quân sự của Pakistan. Đến tháng 6/2011, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ đưa các lực lượng Mỹ về nước và bàn giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho quân đội Afghanistan cho đến năm 2014.

Lúc đó, Lầu Năm Góc kết luận rằng, cuộc chiến tại Afghanistan rất khó giành thắng lợi về mặt quân sự và chỉ có giải pháp đàm phán mới có thể chấm dứt xung đột. Khi cuộc chiến rơi vào bế tắc, ông Obama đã kết thúc các hoạt động tác chiến lớn vào ngày 31/12/2014, chuyển sang huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump cho biết, mặc dù mục tiêu hàng đầu của ông vẫn là rút toàn bộ quân ra khỏi Afghanistan nhưng bất cứ cuộc rút quân nào cũng cần phải dựa trên điều kiện chiến đấu chứ không phải mốc thời gian định trước. Chính quyền ông Trump cũng đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Taliban kể từ năm 2018.

Tháng 2/2020, chính quyền Donald Trump đã ký thỏa thuận với Taliban, theo đó Mỹ sẽ rút hết lực lượng ra khỏi Afghanistan trước ngày 1/5/2021. Đổi lại, Taliban cam kết cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giảm các cuộc tấn công và đàm phán với chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

Nhưng thỏa thuận này thiếu các điều khoản nghiêm ngặt để buộc Taliban thực hiện cam kết của mình. Hơn nữa, việc chính phủ Afghanistan bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán và việc Mỹ gây sức ép buộc Tổng thống Asraf Ghani phải thả 5.500 tù nhân Taliban trong khi nhận về rất ít quyền lợi, đã khiến quan hệ giữa chính phủ Afghanistan với Mỹ căng thẳng.

Sau khi thỏa thuận được ký kết, Taliban đã ngừng tấn công quân đội Mỹ và hạn chế các vụ đánh bom tại những thành phố  lớn của Afghanistan. Mỹ cũng giảm sự hỗ trợ trên không cho các lực lượng chính phủ và chỉ can thiệp khi quân đội Afhganistan có nguy cơ bị đánh bại.

Mỹ và Taliban đã có nhiều cuộc hội đàm nhằm tìm lối thoát cho Afghanistan nhưng không hiệu quả (Ảnh Getty Images)

Mục tiêu chính của thỏa thuận năm 2020 là để các nhà lãnh đạo Afghanistan và Taliban đàm phán về lộ trình thành lập chính phủ mới và hiến pháp mới, giảm tình trạng bạo lực, cuối cùng dẫn đến một lệnh ngừng bắn lây dài. Tuy vậy, giới chức tại Afghanistan đã cáo buộc Taliban ám sát các quan chức chính phủ và thành viên của lực lượng an ninh.

Do củng cố được sức mạnh trên chiến trường nhân lúc Mỹ rút quân, Taliban đã duy trì được ưu thế trong các cuộc đàm phán với chính phủ Afghanistan bắt đầu vào tháng 9/2020 tại Doha, Qatar.

Nhưng các cuộc đàm phán này sau đó bị đình trệ. Lầu Năm Góc cho biết, Taliban không thực thi nghiêm túc cam kết giảm bạo lực hoặc cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố. Về phần mình, Taliban vẫn chưa đưa ra quyết định có tham gia một chính phủ chia sẻ quyền lực hay không, thay vì đó, lực lượng này thể hiện tham vọng muốn nắm giữ toàn bộ quyền lực.

Trong 20 năm chiến tranh, liên quân do Mỹ đứng đầu chưa từng đánh bại được Taliban. Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan cũng chưa được đào tạo và trang bị đầy đủ để tự mình chống lại mối đe dọa.

Taliban bây giờ hiện diện gần như hầu khắp các khu vực của Afghanistan còn quân đội Afghanistan đang tiếp tục thoái lui sau các cuộc đụng độ gần đây.

Lính Mỹ có thể trở về nhà, nhưng Afghanistan thì chưa tìm được hòa bình (Ảnh Getty Images)

Các quan chức Afghanistan cho biết, lực lượng Taliban đã chiếm giữ 3 thành phố quan trọng của Afghanistan, trong đó có cả thành phố thương mại Kuduz vào ngày 8/8, sau khi tiến hành một cuộc tấn công sâu rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5 thủ phủ của các tỉnh lỵ rơi vào tay lực lượng này. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua, Taliban cùng lúc tấn công trực diện vào nhiều khu vực quan trọng ở Afghanistan.

Sự thất thủ của các khu vực nói trên được cho là một thất bại nghiêm trọng đối với chính phủ Afghanistan, diễn ra chỉ vài tuần trước khi các lực lượng Mỹ chuẩn bị rút hết khỏi Afghanistan. Bước tiến nhanh chóng của Taliban cũng làm gia tăng lo ngại về việc lực lượng an ninh Afghanistan không đủ khả năng bảo vệ những vùng lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Kể từ tháng 5/2021, Taliban đã tràn qua các vùng nông thôn và vào cuối tháng 6 ồ ạt tấn công các thành phố lớn tại Afghanistan lần đầu tiên sau nhiều năm.

Một đánh giá tình báo tuyệt mật được trình lên Tổng thống Biden vào mùa Xuân năm nay cho biết, Afghanistan có thể nằm dưới sự kiểm soát của Taliban trong vòng 2 hoặc 3 năm tới sau khi các lực lượng quốc tế rời khỏi quốc gia này.

Đánh giá về mối đe dọa từ Taliban, báo cáo nêu rõ: “Taliban có khả năng giành được lợi thế trên chiến trường và chính phủ Afghanistan sẽ phải nỗ lực rất nhiều để kiềm chế Taliban một khi không còn sự hỗ trợ của Mỹ và liên minh”.

Có thể nói, những bước tiến của Taliban, đặc biệt tại miền Bắc Afghanistan, đã tạo ra một cái kết đầy bạo lực cho việc chấm dứt sứ mệnh quân sự của Mỹ trong cuộc chiến dài nhất lịch sử nước này và đặt ra thách thức lớn đối với chính quyền Biden./.

Thứ Tư, 06:45, 11/08/2021