Cam kết có làm cho nhân dân Nhật Bản bớt lo?
(VOV) - Hiện tại vẫn còn rất nhiều gia đình người dân Nhật Bản sống trong cảnh ly tán.
Chiều 11/3, tại Tokyo. Lễ tưởng niệm những nạn nhân đã chết trong thảm họa kép tại vùng Đông Bắc, Nhật Bản ngày 11/3/2011 đã được diễn ra, Nhật Hoàng Akihito cùng Hoàng Hậu, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tham dự buổi lễ này.
Thiên hoàng Akihito và Hoàng Hậu trong Lễ tưởng niệm các nạn nhân sóng thần (Ảnh AFP) |
Cùng ngày này cách đây tròn hai năm, vào lúc 14h 46 phút (giờ Nhật Bản) tại khu vực Đông Bắc, một trận động đất lớn trong lịch sử nước Nhật đã xảy ra làm hơn 15.000 thiệt mạng, hơn 31.000 người tại thời điểm hiện tại vẫn phải sống tạm trong các khu cư trú do chính phủ xây dựng.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Abe cam kết sẽ kiên trì việc tái xây dựng đất nước, khắc phục nhanh chóng những khó khăn mà những nạn nhân đang gặp phải.
Tuy cam kết của Ông Abe tỏ ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm lớn, nhưng hiện tại, vẫn có rất nhiều gia đình đang sống trong cảnh chồng xa vợ, con xa cha.
Nỗi khổ vẫn còn đây…
Đã hai năm trôi qua, nhưng gia đình anh Nihei Mikio, vẫn phải sống trong cảnh xa nhau. Anh đang làm việc tại nhà máy sản xuất thiết bị ô tô tại Thành phố Fukushima, tỉnh Fukushima, nơi trực tiếp xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ nhà máy điện nguyên tử Fukushima, còn vợ anh cùng hai con gái anh sống ở Tokyo. Họ phải chọn cách sống xa nhau để tránh những nỗi lo nhiễm phóng xạ mà bằng mắt thường không thể nhìn thấy được.
Ngày 11/3/2011, sự cố nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima xảy ra, theo đó, một số lượng lớn chất phóng xạ phát tán ra ngoài vượt tầm kiểm soát của con người. Chỉ sau đó một tuần, cả gia đình Nihei phải sơ tán.
Hiện tại, cuộc sống xa gia đình vẫn tiếp diễn với Nihei. Mỗi tháng duy nhất chỉ có một lần, Nihei được cười đùa với hai đứa con gái thân yêu, ăn bữa cơm gia đình do chính tay vợ anh nấu.
Nihei trong cuộc trả lời phỏng vấn AFP tại căn hộ nhỏ của anh gần nhà máy, nơi anh làm việc, đã khoe những bức thư đầy tình cảm của hai cô con gái với phóng viên. Anh tâm sự rằng, tình hình khó khăn này tiếp diễn đến bao giờ, chính anh cũng không biết trước được. Hiện tại, phí giao thông ở Tokyo ngày càng tăng cao, một tháng anh chỉ có một lần được gặp gia đình. Cuộc sống một gia đình hai nơi này đã làm tổn hại về mặt vật chất cũng như tinh thần của anh.
Gia đình anh Nihei chỉ là một trong số hàng ngàn gia đình khác đang phải sống xa nhau bởi nỗi lo nhiễm phóng xạ. Nhưng Nhật Bản cũng cần phải có thời gian để hồi phục.
Ảnh hưởng của rò rỉ phóng xạ có thể nhìn thấy bằng mắt thường?
Có thể nói trong vòng 10 năm trờ lại đây, sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản trở thành những sự cố hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Đến nay, tuy chưa có một người nào chết do chất phóng xạ này, nhưng những “tổn thất ngầm” về con người vẫn đang âm ỉ, đe dọa tới tính mạng hàng ngàn người dân Nhật Bản.
Vụ rò rỉ phóng xạ đã khiến hơn 10.000 người phải sơ tán trong phạm vi 20 km từ khu vực cấm xâm nhập. Ngoài phạm vi chết chóc đó, hàng vạn người như Nihei tuy không có thể “ngửi” mùi chất phóng xạ, nhưng hàng ngày đang trực diện với dự đe dọa về sức khỏe, hàng ngày lo lắng với những nguy cơ tiềm ẩn không thể nhìn thấy bằng mắt.
Tuy chính phủ Nhật Bản, các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế đã đưa ra nhận định rằng, nồng độ ô nhiễm do chất phóng xạ gây ra sẽ không tổn hại tới cơ thể con người. Nhưng, đó chỉ là sự nhận định bằng lời nói, còn trên thực tế sẽ không phải như vậy.
Vợ của anh Nihei, chị Kazuko nói: “Tuy nồng độ chất phóng xạ một năm chỉ ở dưới mức 100 milicibel, nhưng khả năng rủi ro của nồng độ phóng xạ không thể tránh khỏi hoàn toàn.”
Chỉ sau khi cuộc phỏng vấn anh Nihei một ngày, AFP cũng đã nhận được thông báo từ một trường trung học gần nơi anh Nihei đang làm việc. Trong thông báo nói rõ rằng, máy đo chất phóng xạ ở trường học cho chỉ số, mỗi giờ nồng độ chất phóng xạ trong không khí là 0,1 microcibel. Nếu chỉ số như vậy trong một năm, lượng phóng xạ có thể tăng thêm 1 milicibel.
Chặng đường hồi phục còn xa, để lại nỗi lo âu cho nhiều người dân Nhật Bản. Cam kết mới chỉ là cam kết, thực hiện cũng còn xa./.