Cạn kiệt pháo, Nga và Ukraine tìm cách hạ nhiệt “cơn khát” vũ khí
VOV.VN - Trong cuộc xung đột Nga-Ukaine, ngoài các vũ khí công nghệ cao như UAV hay hệ thống hỏa lực phóng loạt, pháo binh cũng đóng vai trò quyết định. Bên nào có nhiều pháo và đạn dược hơn, bên đó sẽ có lợi thế lớn hơn trên chiến trường.
Sau hơn một năm giao tranh ác liệt, cả Nga và Ukraine đều hao tổn khá nhiều hệ thống pháo hiện đại và quân đội hai nước được cho là đang phải tận dụng những khẩu pháo cũ trong kho dự trữ để đưa ra chiến trường.
Ukraine triển khai pháo KS-19
Theo các chuyên gia quân sự, Ukraine đã phải sử dụng những khẩu pháo được sản xuất từ cuối những năm 1940, trong khi quân đội Nga triển khai loại pháo được sản xuất sau thời điểm đó một vài năm. Một video được chia sẻ trên mạng xã hội cuối tuần qua cho thấy, các pháo thủ của Ukraine đang sử dụng pháo cao xạ KS-19 cỡ nòng 100mm trong quá trình huấn luyện.
KS-19 là pháo phòng không do Liên Xô phát triển từ năm 1947. Pháo KS-19 dài 9,45m, cao 2,2m, trọng lượng 9,5 tấn. Hệ thống pháo được đặt trên xe kéo 4 bánh, khi di chuyển xa phải dùng xe vận tải bánh lốp hoặc xe bánh xích. Kíp điều khiển gồm 7 người.
Pháo KS-19 tiêu diệt mục tiêu trên không ở độ cao 8.000m và khoảng cách tối đa là 15.000m. Ngoài vai trò phòng không, hệ thống pháo này cũng có thể đảm nhận vai trò tấn công các mục tiêu mặt đất. KS-19 có thể công phá lớp giáp dày tới 185mm của xe tăng, xe bọc thép ở khoảng cách 1.000m.
Trong video, hệ thống pháo KS-19 của Ukraine được hạ nòng. Điều này cho thấy ý định của Ukraine muốn sử dụng khẩu pháo này trên tiền tuyến giống như các loại pháo binh truyền thống để thực hiện vai trò tấn công mặt đất. Hoặc họ có thể chỉ đang sử dụng KS-19 để giúp các pháo thủ mới làm quen với những chức năng cơ bản của nó.
Dù được sử dụng với bất cứ mục đích nào, việc Ukraine phải triển những hệ thống pháo như KS-19 có tuổi đời khá lớn cho thấy kho vũ khí của họ đang cạn kiệt ở mức độ nghiêm trọng. Trong một đánh giá vào năm 1969, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ cho biết, KS-19 hoạt động khá tốt các cuộc chiến tranh trên bộ. Quả đạn nặng gần 16kg của hệ thống này di chuyển với tốc độ hơn 1.000m/giây. “Nó đặc biệt hiệu quả khi chống lại những phương tiện bọc thép hạng nhẹ và các mục tiêu khác trên mặt đất”, đánh giá của CIA lưu ý.
Trong chiến đấu, KS-19 thường được trang bị phương tiện quan sát quang học, radar bắt bám mục tiêu SON-9, máy ngắm bắn PUAZO-6/19 cho độ chính xác cao khi tấn công.
Nga khôi phục các hệ thống pháo T-12
Khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, quân đội Ukraine chỉ có chưa đến 2.300 khẩu pháo chống tăng các cỡ, từ 100mm, 122mm đến 152mm. Họ đã mất khoảng 200 khẩu trong các cuộc giao tranh với Nga. Các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine khoảng 750 khẩu pháo mới cỡ nòng 105mm và 155 mm nhưng con số này vẫn ít hơn đáng kể so với Nga. Chưa kể, Ukraine cũng đang thiếu đạn dược nghiêm trọng.
Trong bối cảnh giao tranh ở miền Đông leo thang, nhu cầu đạn pháo của Nga và Ukraine thậm chí vượt quá năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp vũ khí ở mỗi quốc gia. Các chuyên gia quân sự phương Tây ước tính, Nga đã mất khoảng 500 trong số 5.500 khẩu pháo mà nước này có, vì thế, Moscow cũng đang đào sâu kho dự trữ vũ khí để bổ sung cho chiến trường.
Nếu như Ukraine dụng những khẩu KS-19 có tuổi đời 76 năm, thì Nga được cho là đang khôi phục lại những khẩu pháo chống tăng T-12 cỡ nòng 100mm được chế tạo từ năm 1953. Nga có khoảng 2.000 hệ thống pháo T-12 trong kho dự trữ. Nhưng những hệ thống pháo cũ sẽ trở nên vô dụng nếu không có loại đạn phù hợp với chúng. Đó là lý do Nga đang tìm kiếm thêm đạn dược từ Iran và Triều Tiên, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder lưu ý.
Pháo chống tăng T-12 được thiết kế để bắn trực tiếp vào xe tăng của đối phương trong tầm nhìn, sử dụng nhiều loại đạn xuyên giáp, thậm chí đạn tên lửa dẫn đường laser 9K117 Kastet. Pháo có trọng lượng 2,75 tấn, góc nâng hạ nòng 100 mm từ -6 độ đến +20 độ. Khi được nâng độ cao, nó có thể tấn công những mục tiêu cách xa tới 8.000m. Pháo T-12 có thể đặt trên khung gầm xe bọc thép MT-LB hoặc các phương tiện vận tải bánh lốp như Ural-375D.
Sức mạnh và hỏa lực của T-12 và KS-19 được cho là tương đương nhau nhưng vẫn không thể sánh được với những loại pháo hiện đại có tốc độ bắn nhanh hơn, xa hơn và chính xác hơn. Theo giới phân tích, dù có hỏa lực mạnh, nhưng KS-19 và T-12 và chỉ phù hợp với những cuộc xung đột trước đây khi công nghệ vũ khí chưa có nhiều tiến bộ vượt bậc như hiện nay. Và không quân đội nào muốn triển khai hai loại vũ khí này nếu họ có đủ các hệ thống pháo hiện đại./.