Khủng hoảng ở Libya:

Can thiệp quân sự có phải là giải pháp?

Một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ngày càng tỏ ra cứng rắn đối với chính quyền Tổng thống Libya Gadhafi.

Cứng rắn trong lời nói, như lời phát biểu trước Quốc hội Mỹ của Ngoại trưởng Hillary Clinton: “Tất cả các lựa chọn đều được để ngỏ chừng nào chính phủ Libya còn tiếp tục hành động chống lại chính người dân quốc gia mình. Cả khu vực đang thay đổi và một câu trả lời mạnh mẽ và mang tính chiến lược là điều thiết yếu.”

Mỹ cũng tỏ ra cứng rắn cả trong hành động, khi lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng Libya bắt đầu, Mỹ đã phái 2 tàu chiến vượt kênh đào Suez để tiến về phía biển Địa Trung Hải, sẵn sàng hỗ trợ các chiến dịch quân sự hoặc nhân đạo nếu được tiến hành tại Libya.

Hội đồng bảo an LHQ cũng đang bắt đầu thảo luận về hai hình thức can thiệp quân sự vào Libya: một là, thiết lập một vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya nhằm ngăn chặn nguy cơ không quân Libya sử dụng không lực để tấn công dân thường; hai là, thiết lập một hành lang an ninh do quân đội đảm nhận để phục vụ cho công tác cứu trợ nhân đạo.

Hiện nay, hình thức can thiệp quân sự bằng cách thiết lập một vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya đang được nhắc tới nhiều nhất và nhận được sự ủng hộ của các nước như Mỹ và Anh.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối việc can thiệp quân sự vào Libya, dù là với hình thức nào. Sự phản đối này xuất phát trước tiên từ ngay trong công luận Libya, trong thế giới Arab (mà đại diện là Liên đoàn Arab) và thậm chí là ngay trong nội bộ các nước phương Tây. Phát biểu trong một phiên điều trần tại Quốc hội Pháp, tân Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đặt câu hỏi: “Liệu có nên đi xa hơn bằng cách chuẩn bị một cuộc can thiệp quân sự? Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi không nghĩ là nên làm như vậy. Chúng ta cần nghĩ tới những hậu quả mà một cuộc can thiệp quân sự của NATO vào Libya có thể gây ra. Nó có thể khiến cho công luận các nước Arab chống lại các nước phía Bắc Địa Trung Hải.”

Theo nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Pháp được báo chí Pháp trích dẫn, không chỉ gặp cản trở từ phản ứng tiêu cực của công luận Arab, biện pháp can thiệp quân sự cũng cần một sự huy động mạnh mẽ về mặt kỹ thuật - hậu cần. Cụ thể, nếu thiết lập một khu vực cấm bay trên bầu trời Libya, Mỹ và các đồng minh sẽ phải huy động máy bay để tuần tra vùng trời Libya. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh sẽ phải đưa các tàu sân bay tới Địa Trung Hải và sử dụng nhiều căn cứ ở khu vực.

Đó là chưa kể tới những hậu quả mà một cuộc can thiệp quân sự ở Libya có thể gây ra đối với kinh tế thế giới, đối với việc đảm bảo an toàn cho dân thường Libya và người nước ngoài, cũng như đối với sự ổn định ở khu vực. Nhiều người cũng lo ngại một khoảng trống về chính trị ở Libya thời kỳ hậu Gadhafi sẽ là môi trường thuận lợi cho lực lượng Hồi giáo cực đoan nổi lên và biến Libya thành một Afghanistan thứ hai ở khu vực Bắc Phi.

Trong lúc tình hình ở Libya chưa có dấu hiểu cải thiện, giải pháp quân sự tiếp tục được đặt ra như một lựa chọn cuối cùng. Nhưng xét những hậu quả mà nó có thể để lại, rõ ràng can thiệp quân sự chưa phải là một giải pháp toàn vẹn cho cuộc khủng hoảng ở Libya vào lúc này./.

Tin bài liên quan

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên