Căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc đối đầu của những “cái tôi” quá lớn
Thứ Bảy, 06:04, 05/12/2015
VOV.VN - Theo các chuyên gia, căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là cuộc đối đầu giữa hai người đàn ông cá tính: Putin-Erdogan.
Hơn 10 ngày sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hôm 24/11 khiến 1 phi công và 1 lính thủy đánh bộ Nga thiệt mạng, căng thẳng giữa hai Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí hai bên còn có những lời lẽ đáp trả nhau cứng rắn hơn.
Cho đến nay, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ trong đó bao gồm lệnh cấm các doanh nghiệp Nga thuê mới công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và giới hạn nhập khẩu một số loại hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ. Sắc lệnh cũng đề nghị các hãng du lịch Nga hạn chế bán các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến yêu thích của du khách Nga.
Đáp lại, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẽ không đưa ra lời xin lỗi về việc bắn hạ máy bay Nga bởi đây là hành động hợp lý nhằm bảo vệ chủ quyền của nước này.
Việc chiến đấu cơ Su-24 bị bắn hạ đang khiến quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng.
Nga nói Thổ “sẽ phải hối tiếc hơn”, Thổ nói sẽ “không chịu quỳ gối”
Trong thông điệp Liên bang đọc trước Quốc hội Nga ngày 3/12, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hối tiếc hơn nữa vì đã bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hôm 24/11.
Ông Putin cho biết, Nga sẽ không bỏ qua hành động “giúp đỡ khủng bố” của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng hành động bắn hạ máy bay Nga là một "tội ác chiến tranh".
“Chúng tôi không có ý định so gươm với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin nói, nhưng “Những kẻ phạm tội ác chiến tranh khủng khiếp này, giết người của chúng ta nghĩ rằng chỉ có vài biện pháp ảnh hưởng đến cà chua hay hạn chế về xây dựng và các lĩnh vực khác thì họ vô cùng sai lầm”, Reuters trích lời ông Putin phát biểu trước Quốc hội Nga.
"Dường như thánh Allah đã quyết định trừng phạt những kẻ cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tước đi của họ sự khôn ngoan và óc phán đoán", ông Putin nói.
Cho đến nay, Moscow đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số loại trái cây và rau quả của Thổ Nhĩ Kỳ và những phát biểu cứng rắn của ông Putin trong thông điệp Liên bang cho thấy Nga sẽ không dừng lại ở đây.
Đáp lại động thái cứng rắn từ nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy họ sẽ không quỵ lụy. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố rằng, nước ông sẽ “không quỳ gối” trước việc Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm trả đũa vụ chiến đấu cơ Su-24 bị bắn hạ.
Trong bài phát biểu khi ở thăm Baku, Azerbaijan, Thủ tướng Ahmet Davutoglu một lần nữa bảo vệ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết sẽ không xin lỗi vì đã bảo vệ biên giới của mình.
"Không ai có thể đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ, không ai có thể mong đợi một lời xin lỗi từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ không xin lỗi vì đã bảo vệ biên giới của chúng tôi", AP dẫn lời ông Ahmet Davutoglu.
Không những vậy, ngày 3/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng lên tiếng tố cáo Nga có dính líu đến việc buôn bán dầu bất hợp pháp với IS ở Syria. Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có bằng chứng công dân Nga có liên quan đến hoạt động buôn bán dầu bất hợp pháp với IS và "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiết lộ cho cả thế giới biết điều này".
Putin - Erdogan: Hai người đàn ông đầy cá tính. Ảnh: AP
Putin - Erdogan: Cuộc đối đầu của hai người đàn ông cá tính
Trong một bài viết đăng tải trên Aljazeera, chuyên gia Richard Giragosian cho rằng, căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang nhanh chóng và ở vào thời điểm hiện nay, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều không thể và không muốn lùi bước.
Theo ông Richard Giragosian, với cả hai nhà lãnh đạo, bất kỳ sự nhượng bộ nào đều được xem là hành động của sự yếu đuối. “Đối với cả hai người đàn ông này, sự cần thiết là giữ thể diện và duy trì một hình ảnh quyết đoán”, ông Giragosian viết.
Đối với ông Erdogan, một người có cá tính mạnh đôi khi đưa ra những quyết định một cách vội vã, một người luôn muốn tạo dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và không thể bị khuất phục thì bất kỳ sự nhún nhường hay nhượng bộ nào cũng bị coi là bước thụt lùi không thể nào chấp nhận được.
Tương tự như vậy, Tổng thống Nga Putin cũng luôn muốn xây dựng hình ảnh mình là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực và luôn biết tận dụng thời cơ trong khủng hoảng và tranh chấp. Đối với ông Putin, sau những cuộc đối đầu với phương Tây, cái giá mà ông phải trả trong cuộc chiến này có thể còn cao hơn nhất là khi ông cần tạo dựng tầm ảnh hưởng riêng về sức mạnh của mình.
"Đây là 2 cá nhân có tính tự tôn rất cao và luôn tìm cách vươn lên đứng đầu. Cả hai đều tự coi mình là người chiến thắng", ông Charles Robertson, nhà phân tích Kinh tế Toàn cầu hàng đầu tại Renaissance Capital ở London nhận định. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Thổ Nhĩ Kỳ đón nhận đòn trừng phạt của Nga mà không trả đũa gì"./.
VOV.VN - Thông điệp Liên bang 2015 đã nêu bật nhiều vấn đề lớn của nước Nga như cuộc chiến chống khủng bố, bảo vệ an ninh nước Nga và các biện pháp hồi phục kinh tế.
VOV.VN - Thông điệp Liên bang 2015 đã nêu bật nhiều vấn đề lớn của nước Nga như cuộc chiến chống khủng bố, bảo vệ an ninh nước Nga và các biện pháp hồi phục kinh tế.
VOV.VN- Dù viện dẫn luật pháp quốc tế để bao biện hành động bắn hạ máy bay Su-24 của Nga nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và NATO đều cố tình diễn giải sai luật.
VOV.VN- Dù viện dẫn luật pháp quốc tế để bao biện hành động bắn hạ máy bay Su-24 của Nga nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và NATO đều cố tình diễn giải sai luật.