Căng thẳng ngoại giao Nga – NATO “làm khó” nỗ lực của Biden đối phó với Trung Quốc

VOV.VN - Căng thẳng ngoại giao Nga – NATO diễn ra giữa bối cảnh Tổng thống Biden tìm cách ổn định quan hệ với Moscow và châu Âu lo ngại việc này sẽ dẫn đến những nhượng bộ với điện Kremlin – điều mà họ cho là mối đe dọa cấp bách.

Làm phức tạp thêm nỗ lực đối phó với Trung Quốc của chính quyền Biden

Nga đã triệu hồi các nhà ngoại giao của mình tại trụ sở của NATO ở Brussels nhằm đáp trả việc liên minh này trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga hồi đầu tháng 10, những người mà NATO cho là các quan chức tình báo.

Bộ Ngoại giao Nga gọi động thái hôm 18/10 là sự phản ứng trước "những hành động không thân thiện". Bộ này cũng cho biết sẽ đình chỉ các hoạt động của phái bộ liên lạc quân sự NATO tại Moscow. Diễn biến mới đây là cú đánh vào mối quan hệ vốn đã lao dốc trong những năm gần đây giữa Nga và phương Tây sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014 và Washington cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử, vụ tấn công mạng SolarWinds, vụ tấn công ransomware và những cáo buộc liên quan đến thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny.

Quyết định của Moscow khi đóng cửa phái bộ ngoại giao tại NATO cũng làm leo thang căng thẳng với liên minh này và làm phức tạp thêm những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm giải quyết mối quan hệ ngày càng lao dốc với Nga trong khi tập trung ứng phó với Trung Quốc.

Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Mỹ đối mặt với 2 mặt trận. Washington là thành viên mạnh nhất trong liên minh xuyên Đại Tây Dương lâu đời nhằm kiềm chế và răn đe Nga, cũng như trong liên minh tập hợp các quốc gia ngăn cản Trung Quốc chiếm ưu thế ở Thái Bình Dương. Những điều xảy ra với một mặt trận sẽ ảnh hưởng đến bên còn lại bởi quyền lực của Mỹ là trung tâm của cả hai liên minh. Lập trường của châu Âu về các vấn đề Thái Bình Dương cũng sẽ tác động ngược trở lại những mối lo ngại xuyên Đại Tây Dương.

Thực tế mới này đã định hình những khó khăn mà liên minh xuyên Đại Tây Dương hiện đang đối mặt. Mỹ và châu Âu không thể kề vai sát cánh trừ khi có cùng quan điểm về mối đe dọa mà họ đang đối đầu. Trên thực tế, ở nhiều khía cạnh, họ đã không có tiếng nói chung.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Đức vẫn quyết tâm hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2. Pháp cũng đứng về phía Đức trong việc thúc đẩy lập trường với Nga một cách ôn hòa hơn so với Mỹ cùng các nước Trung và Đông Âu.

Sự bất đồng với Mỹ về chính sách ở Thái Bình Dương cũng ngày càng sâu sắc. Trong một bài phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương một tháng sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, những lời kêu gọi châu Âu đoàn kết nhằm chống lại Trung Quốc có thể gây "phản tác dụng". Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gần đây tuyên bố: "Mỹ muốn đối đầu với Trung Quốc. Nhưng EU thì muốn hợp tác với Trung Quốc".

Tổng thống Biden đã tìm cách ổn định quan hệ với Nga, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6. Tuy nhiên, một số đồng minh châu Âu lo ngại rằng việc Tổng thống Biden tập trung vào đối phó với Trung Quốc có thể dẫn đến những nhượng bộ với Nga, điều mà họ coi là mối đe dọa khẩn cấp.

Chính quyền Tổng thống Biden đã đạt được thỏa thuận với Đức hồi tháng 7 nhằm cho phép hoàn thành đường ống dẫn khí gây tranh cãi mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án mà các nhà lãnh đạo châu Âu coi là một biện pháp để Nga gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.

Gần đây, khi giá khí đốt ở châu Âu tăng cao giữa bối cảnh thiếu nhiên liệu, Tổng thống Putin cho biết Nga có thể hỗ trợ nếu châu Âu thúc đẩy việc thông qua theo quy định để bắt đầu sử dụng đường ống này.

Dấu chấm hết cho quan hệ với NATO hay bước đi mang tính biểu tượng?

Quyết định của Nga khi đóng cửa phái bộ ngoại giao tại NATO đã vấp phải chỉ trích từ các nước châu Âu, trong đó có Đức. Đây là một diễn biến đáng chú ý bởi gần đây, Berlin từng tỏ thái độ không hài lòng với một số đồng minh khi những nước này cho rằng Đức ưu tiên đối thoại với Nga hơn là phòng vệ.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Nga dường như không còn sẵn sàng đối thoại với phương Tây.

"Quyết định được Moscow đưa ra còn hơn cả sự đáng tiếc bởi nó hủy hoại nghiêm trọng mối quan hệ này", Ngoại trưởng Đức nhận định với báo giới.

Những căng thẳng ngoại giao giữa NATO và điện Kremlin đã đưa quan hệ hai bên xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây. Sự hợp tác thực tế giữa NATO và Nga đã chấm dứt từ năm 2014 sau khi Moscow sáp nhập Crimea, vì thế "hai bên không thực sự trao đổi nhiều với nhau và chắc chắn không có những cuộc trao đổi cấp chuyên viên", Jamie Shea, người từng là phó trợ lý của tổng thư ký NATO phụ trách các thách thức an ninh mới nổi năm 2019 nhận định với DW.

Dù vậy, nhà quan sát Shea cho rằng động thái mới đây của Nga "mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn thực tế", bởi điện Kremlin chỉ tạm đóng cửa văn phòng ngoại giao chứ chưa hoàn toàn loại bỏ nó.

Chuyên gia Shea nhận định, hai bên cũng không đề cập đến việc cắt đứt "đường dây nóng" giữa chỉ huy quân đội hàng đầu NATO - Tướng Tod Wolters và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga - Tướng Valery Gerasimov. Lần cuối NATO ghi nhận cuộc trao đổi giữa 2 quan chức này là vào tháng 4/2020 với cuộc gặp trực tiếp cách đó 2 tháng.

Nhà quan sát Shea cũng đánh giá, không có lý do gì để "phản ứng thái quá" về thông báo gần đây.

"Việc này không có nghĩa là các quan chức Nga sẽ không bao giờ gặp bất kỳ một quan chức NATO nào. Điều đó rõ ràng không đúng. Nga sẽ tiếp tục duy trì đại sứ quán ở Bỉ với 1 tùy viên quân sự nên nếu NATO và Nga muốn trao đổi thì kênh đối thoại này vẫn duy trì ở đây".

Shea cho biết các đồng minh NATO cũng có các tùy viên quân sự ở Moscow để tiến hành các cuộc trao đổi, vì thế "quyết định của Nga hoàn toàn không phải đóng băng quan hệ ngoại giao với các nước NATO"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nóng cuộc đua vũ khí siêu thanh: Nga-Mỹ tăng tốc, Trung Quốc không chịu kém cạnh
Nóng cuộc đua vũ khí siêu thanh: Nga-Mỹ tăng tốc, Trung Quốc không chịu kém cạnh

VOV.VN - Nga, Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ cực nhanh và né được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Nóng cuộc đua vũ khí siêu thanh: Nga-Mỹ tăng tốc, Trung Quốc không chịu kém cạnh

Nóng cuộc đua vũ khí siêu thanh: Nga-Mỹ tăng tốc, Trung Quốc không chịu kém cạnh

VOV.VN - Nga, Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ cực nhanh và né được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Khủng hoảng khí đốt tại châu Âu mang đến cho Nga “cơ hội vàng”
Khủng hoảng khí đốt tại châu Âu mang đến cho Nga “cơ hội vàng”

VOV.VN - Tổng thống Nga Putin đang thấy một cơ hội lớn phía sau cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu.

Khủng hoảng khí đốt tại châu Âu mang đến cho Nga “cơ hội vàng”

Khủng hoảng khí đốt tại châu Âu mang đến cho Nga “cơ hội vàng”

VOV.VN - Tổng thống Nga Putin đang thấy một cơ hội lớn phía sau cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu.

Nga biến khí đốt thành “vũ khí địa chính trị ” gây sức ép với EU?
Nga biến khí đốt thành “vũ khí địa chính trị ” gây sức ép với EU?

VOV.VN - Cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho thấy, khí đốt tự nhiên có thể được dùng như một “vũ khí địa chính trị”, nhưng điều này có thể không mang lại hiệu quả thậm chí phản tác dụng.

Nga biến khí đốt thành “vũ khí địa chính trị ” gây sức ép với EU?

Nga biến khí đốt thành “vũ khí địa chính trị ” gây sức ép với EU?

VOV.VN - Cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho thấy, khí đốt tự nhiên có thể được dùng như một “vũ khí địa chính trị”, nhưng điều này có thể không mang lại hiệu quả thậm chí phản tác dụng.