“Canh bạc” của Anh thành hay bại sau 1 tháng dỡ bỏ mọi hạn chế vì Covid-19?
VOV.VN - Một tháng sau khi Anh dỡ bỏ mọi hạn chế phòng Covid-19 vào ngày 19/7, trong khi chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục được triển khai, nước này đang chứng kiến một số hệ quả của việc mở cửa trở lại.
Trong khi việc dỡ bỏ mọi hạn chế phòng Covid-19 được phần lớn khu vực doanh nghiệp ủng hộ, hàng nghìn nhà khoa học đã chỉ trích đây là “cuộc thử nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức”.
Vào thời điểm đó, trong một bức thư đăng trên tạp chí y khoa Lancet, giới khoa học lập luận rằng, những yếu tố như số ca mắc Covid-19 tại Anh vẫn tăng cao, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và một phần lớn dân số nước này chưa tiêm chủng đầy đủ, sẽ khiến việc dỡ bỏ các hạn chế gặp nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch này.
Anh đã dỡ bỏ toàn bộ hạn chế phòng Covid-19 từ ngày 19/7, cho phép mở cửa trở lại các địa điểm công cộng như câu lạc bộ giải trí và sân vận động. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ không còn, ngoài một số địa điểm như sân bay và bệnh viện. Kể từ ngày 16/8, những người đã tiêm chủng đầy đủ không cần phải cách ly nếu tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
“Canh bạc” của Anh thành công hay không?
Một tháng sau, trong khi chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục được triển khai, Anh đang chứng kiến một số hệ quả của việc mở cửa trở lại.
“Anh ghi nhận trung bình khoảng 90 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày”, Kit Yates, đồng Giám đốc Trung tâm Sinh học - Toán học tại Đại học Bath, cho biết.
Trong khi số ca tử vong thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, với 1.300 người chết mỗi ngày, các chuyên gia như ông Yates cho rằng, con số này vẫn ở mức cao.
Theo ông Yates, với khoảng 800 người mắc Covid-19 nhập viện mỗi ngày, hệ thống y tế của Anh một lần nữa đang phải chịu áp lực và không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc không khẩn cấp ở mức độ cần thiết.
“Hệ thống y tế của Anh không thể đáp ứng tất cả các điều trị thông thường cần thiết, dẫn đến việc không cứu được nhiều mạng sống”, ông Yates nói.
Theo tổ chức NHS Providers, số người chờ đợi để được điều trị tại bệnh viện đã tăng từ 4,4 triệu người vào tháng 2/2020 lên 5,5 triệu người vào tháng 7/2021.
“Một bài học mà tôi mong muốn các nước khác rút ra được khi chứng kiến nỗ lực mở cửa trở lại của Anh đó là vaccine không phải là giải pháp toàn diện cho vấn đề này. Đúng là vaccine tạo ra sự khác biệt rất lớn, nhưng nếu muốn ngăn chặn đại dịch thì cần áp dụng thêm các biện pháp y tế công cộng như bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà, thông gió trong trường học và nơi làm việc, kết hợp xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly”, ông Yates nói.
Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại sau khi có xu hướng giảm
Các nhà dịch tễ học dự đoán rằng việc Anh dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch sẽ dẫn đến sự gia tăng số ca mắc Covid-19, tuy nhiên, điều này đã không xảy, hoặc ít nhất là không phải ngay lập tức.
“Mặc dù về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã dỡ bỏ các hạn chế, nhưng Anh vẫn rất khác so với trước đại dịch. Nơi làm việc của tôi thực tế vẫn vắng vẻ. Rõ ràng mọi người không còn những hành vi như trước khi đại dịch bùng phát”, Mark Woolhouse, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, cho biết.
Tuy nhiên, sau khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng giảm trong vài tuần đầu tiên khi Anh dỡ bỏ tất cả hạn chế, số ca bệnh đã bắt đầu tăng trở lại.
“Trong 2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở người lớn đã bắt đầu tăng trở lại. Con số thực tế có thể cao hơn bởi chúng đang bị che lấp bởi sự sụt giảm lớn số ca bệnh ở trẻ em. Số ca nhiễm virus gia tăng trở lại là điều đáng lo ngại bởi tháng 7 và tháng 8 là thời điểm dễ dàng để giảm tỷ lệ lây nhiễm”, Christina Pagel, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Thực hành Lâm sàng thuộc Đại học College London nói.
“Chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng có rất nhiều ca bệnh vì vậy tôi lo lắng về những gì sẽ xảy ra khi trẻ em trở lại trường học trong năm học mới vào tháng 9”, bà Pagel nói thêm.
Tỷ lệ nhập viện do Covid-19 ở Anh đã giảm đi nhiều nhờ vào việc tiêm chủng.
“Vào tháng 1, trước khi chương trình tiêm chủng thực sự đi vào hoạt động, có 10% ca mắc Covid-19 phải nhập viện. Hiện tại tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 2-3%. Vaccine đang tạo ra sự khác biệt rất lớn”, ông Yates nhấn mạnh.
Theo Our World in Data, Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% dân số.
“Ở những người trên 50 tuổi, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chúng tôi đã tiêm chủng đầy đủ từ 90-95%. Điều này đã tạo ra sự khác biệt rất lớn. Vì vậy, mặc dù chúng tôi có rất nhiều ca nhập viện, nhưng nó không cao đến mức đáng kể”, bà Pagel nói.
Trẻ em đối mặt với rủi ro lớn
Việc trường học mở cửa trở lại vào tháng 9 là một rủi ro lớn đối với Anh vì hầu hết trẻ em đều chưa được tiêm vaccine Covid-19.
Cơ quan giám sát dược phẩm của Anh (MHRA) đã phê duyệt vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, nhưng cho đến nay chỉ những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng mới có thể tiêm chủng.
Chính phủ Anh hôm 15/8 cho biết, tất cả những người ở độ tuổi 16 và 17 sẽ được tiêm chủng ngừa vào tuần tới, nhưng chưa có thông báo về việc tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn.
“Sẽ có rất nhiều học sinh gặp nhau trong lớp học tại các trường học và có rất ít hoặc không có biện pháp phòng dịch nào được áp dụng. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến khả năng lây nhiễm tăng, điều này dẫn đến số ca mắc bệnh tăng và có nhiều ca nhập viện hơn”, ông Yates bày tỏ lo ngại.
Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học lâm sàng và giảng viên cao cấp về tại Đại học Queen Mary tại London, từ lâu đã chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ đối với việc mở cửa trở lại, cho rằng, kế hoạch này sẽ khiến trẻ em gặp những rủi ro không đáng có.
“Tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 có thể sẽ không cùng tăng một lúc. Số ca mắc bệnh tăng sẽ dẫn đến số lượng lớn người phải nhập viện và đáng buồn là, có thể một số người sẽ tử vong. Nhiều người có thể sẽ mắc ‘Covid kéo dài’ (Long Covid) - hội chứng sau mắc Covid-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc Covid-19 cấp tính”, bà Gurdasani nói.
Bà Gurdasani cũng trích dẫn dữ liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố vào đầu tháng 8 cho thấy, 34.000 trẻ em dưới 17 tuổi đang bị Covid kéo dài, trong đó 22.000 trẻ cho biết, hội chứng này làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của các em.
“Đây không phải là tình trạng nhẹ. 7.000 người đã có các triệu chứng dai dẳng sau khi mắc Covid-19 trong hơn một năm”, bà Gurdasani nhấn mạnh.
Chuyên gia Pagel cho rằng, trong khi trường học dường như không phải là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc bệnh mới khi mức độ lây truyền chung trong cộng đồng vẫn ở mức thấp, thì môi trường này lại trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm cao khi số ca mắc Covid-19 tăng.
“Mọi quốc gia có thu nhập cao khác đang làm ít nhất 1 trong 3 điều sau. Thứ nhất là tiêm chủng cho trẻ vị thành niên, thứ hai là áp dụng các biện pháp phòng dịch trong trường học như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, đầu tư vào hệ thống thông gió, và cuối cùng là giữ cho tỷ lệ lẫy nhiễm trong cộng đồng ở mức thấp. Hầu hết các nước đều đang thực hiện 2 trong số 3 điều trên, trong khi đó chúng tôi không làm bất kỳ điều gì”, bà Pagel nói./.