Cảnh báo của Nga khi triển khai tên lửa Kinzhal và MiG-31K tới sát châu Âu
VOV.VN - Nga gửi cảnh báo tới phương Tây bằng cách triển khai đến Belarus tiêm kích MiG-31K trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal. Sự kết hợp 2 vũ khí này có khả năng tấn công vừa mạnh vừa chính xác và đối phương ít có phương án chống đỡ hiệu quả.
Việc Nga triển khai tiêm kích MiG-31K gắn tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal tới Belarus đang thu hút sự chú ý của phương Tây, theo một chia sẻ trên mạng xã hội Twitter do Bộ Quốc phòng Anh đăng tải.
Đặt các mục tiêu tiềm năng ở châu Âu vào thế rủi ro
Chiến đấu cơ MiG-31K kết hợp với tên lửa Kinzhal tạo ra hệ thống vũ khí thông thường mạnh mẽ nhất trong kho vũ khí của Nga. Việc Nga triển khai hệ thống này ở Belarus đã đặt tất cả các mục tiêu tiềm năng ở châu Âu và nước Anh, kể cả các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, vào thế rủi ro.
Rõ ràng Nga không úp mở về việc triển khai vũ khí đó. Khả năng cao Nga đang cố tình làm cho phương Tây chú ý về vấn đề này. Nội dung răn đe của Nga là cho máy bay MiG-31K cất cánh, mỗi chiếc đều được vũ trang bằng một tên lửa Kinzhal, bay qua các thành phố giữa ban ngày, cho phép vệ tinh phương Tây nhìn rõ điều có thể sẽ trở thành bước tiếp theo trong xung đột Ukraine.
Vào ngày 16/10/2022, sáu tiêm kích MiG-31K của Nga trang bị tên lửa Kinzhal đã được phát hiện trên bầu trời thủ đô Minsk của Belarus.
Theo Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine, “3 chiếc phi cơ vận tải quân sự IL-76 của không quân Nga bay từ Liên bang Nga tới sân bay Machulyshchi” để hỗ trợ việc triển khai tiêm kích nói trên ở Belarus.
Vào ngày 20/10, một máy bay MiG-31K gắn tên lửa Kinzhal được cho là đã cất cánh từ căn cứ không quân Machulyshchi ở Belarus.
Vào ngày 1/11, Bộ Quốc phòng Anh đăng tải lên Twitter đoạn sau: “Hình ảnh có được cho thấy 2 chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-31K FOXHOUND gần như chắc chắn đậu tại sân bay Machulishchi của Belarus vào ngày 17/10, với một hộp chứa lớn đặt gần đó bên trong một gờ đất bảo vệ… Có khả năng hộp này liên quan đến tên lửa đạn đạo phóng từ trên không AS-24 KILLJOY - một loại đạn lớn mà biến thể MiG-31K được chỉnh sửa để có thể mang được”.
Sức mạnh đáng sợ của tên lửa Kinzhal
Kinzhal là tên lửa đạn đạo trên không, phóng từ máy bay, với tầm bắn trên 2.000km khi phóng từ một tiêm kích MiG-31K. Không thể theo dõi chính xác tên lửa này bằng radar được vì ở tốc độ siêu thanh, áp lực không khí phía trước tên lửa tạo ra một đám mây plasma có khả năng hấp thụ sóng vô tuyến điện.
Tên lửa có năng lực cơ động tiên tiến, từ đó loại trừ khả năng đánh chặn của bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào hiện nay.
Quả tên lửa nặng 2.000kg này với tốc độ Mach 12 có thể đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cực lớn. Với tốc độ va chạm mạnh, đầu đạn nặng 500kg của tên lửa này hội tụ động năng phá hủy lên tới 16,9 gigajoule, tương đương 4.000kg thuốc nổ cực mạnh TNT.
Tên lửa Kinzhal về thực chất chính là tên lửa đạn đạo Iskander 9K720 được điều chỉnh để phóng bằng máy bay tốc độ cao. Nó có thể đánh trúng các mục tiêu tĩnh và động như tàu sân bay.
Tên lửa Kinzhal lần đầu được sử dụng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine vào tháng 3/2022, khi một quả tên lửa như vậy đánh vào một kho nhiên liệu quân sự gần thành phố Mykolaiv ở miền Nam Ukraine.
Thông điệp răn đe
Việc triển khai MiG-31K kèm với tên lửa Kinzhal có ý nghĩa lớn vì, cho tới nay, hệ thống vũ khí này chưa được triển khai sử dụng bên ngoài lãnh thổ Nga. Thực ra, Nga chưa có nhu cầu phải làm vậy khi tên lửa có thể đánh vào các mục tiêu bên trong Ukraine từ bên trong lãnh thổ Nga.
Do đó, việc Nga triển khai MiG-31K cùng Kinzhal ở Belarus sẽ cho phép Nga tấn công vào bất cứ mục tiêu nào trên đất châu Âu, bao gồm cả Anh Quốc. Thông điệp đã khá rõ khi Nga chủ động để lộ các hoạt động triển khai này.
Chính đoạn đăng tải của Bộ Quốc phòng Anh trên Twitter thừa nhận rằng Nga triển khai vũ khí như vậy nhằm gửi thông điệp tới phương Tây.
Diễn biến triển khai MiG-31K và Kinzhal ở Belarus theo ngay sau hoạt động của Nga không kích ồ ạt các cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine vào các ngày 10 và 11/10.
Đợt không kích đó, được xem là đòn trả đũa cho vụ đánh bom cầu Kerch (Crimea), đã phá hủy 30% năng lực sản xuất điện của Ukraine.
Đối mặt với đợt không kích đó, ban lãnh đạo Ukraine đã hối thúc phương Tây thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine.
Vào ngày 31/10, Nga lại đánh vào cơ sở hạ tầng ngành điện của Ukraine, nhắm vào hạ tầng phân phối điện. Lý do mà Nga đưa ra là phía Ukraine đã dùng UAV tấn công ồ ạt vào hạm đội Biển Đen của Nga.
Nếu Nga duy trì tấn công hạ tầng sản xuất và truyền tải điện của Ukraine, nền kinh tế của Ukraine có khả năng sẽ suy sụp bất chấp được phương Tây viện trợ kinh tế.
Lằn ranh đỏ của Nga và kịch bản Nga khai hỏa Kinzhal
Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể vượt qua lằn ranh đỏ của Nga để cứu Ukraine khỏi nguy cơ khó khăn nặng nề trong xung đột với Nga.
Nếu Mỹ và Anh có tham gia hoạt động tấn công bằng UAV vào hạm đội Biển Đen thì từ góc nhìn của Nga, đó có thể là động thái vượt lằn ranh đỏ của Nga.
Có thể phương Tây sẽ gia tăng các động thái vượt ranh giới đỏ như thế. Các hành động khác mà Nga xem là vượt giới hạn bao gồm cung cấp vũ khí tiến công (chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa) cho Ukraine hoặc tuyên bố lập vùng cấm bay tại nước này.
Kinzhal nhiều khả năng là một thành tố quan trọng trong phản ứng của Nga đối với việc phương Tây vượt lằn ranh đỏ của Nga./.
Các kịch bản Nga tung đòn Kinzhal:
1- Tấn công vào sân bay ở châu Âu, bao gồm căn cứ không quân Ramstein (của Mỹ) đóng vai trò như trung tâm hậu cần cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine.
2- Tấn công các trung tâm đưa ra quyết định bên trong Ukraine.
3- Tấn công các yết hầu giao thông đường sắt và đường bộ dọc theo biên giới giữa Ukraine với Ba Lan và Romania.