Cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên, Anh có lặp lại kịch bản Syria?
VOV.VN - Không đưa ra được bằng chứng trong vụ đầu độc cựu điệp viên, Anh đang làm dấy lên nhiều nghi ngờ về lời cáo buộc Nga đứng sau vụ việc này.
“Anh đang đùa với lửa”
Nga đã triệu tập cuộc họp đặc biệt tại Hội đồng Bảo an ngày 5/4, với sự tái khẳng định không liên quan tới vụ việc này.
Đây là lần đụng độ nảy lửa thứ 2 giữa Nga và Anh tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc kể từ sau khi Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang Sergei Skripal trên lãnh thổ Anh hôm 4/3.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzia trong cuộc họp của Hội đồng Bảo An ngày 5/4. Ông Vasily Nebenzia cảnh báo Anh đang "đùa với lửa". Ảnh: Reuters. |
Sau tuyên bố của Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng “có khả năng cao” Nga đứng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal tại thành phố Salisbury của Anh, là một làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga từ các nước Liên minh châu Âu, cùng với Mỹ, Canada và Ukraine.
Cuộc họp khẩn đầu tiên tại Hội đồng Bảo an về vụ Skripal do Anh triệu tập hôm 14/3 đã khởi đầu làn sóng trục xuất ngoại giao Nga tại nhiều nước trên thế giới. Thủ tướng Theresa May đã gọi đây là “chiến thắng ngoại giao” và là “cuộc trục xuất ngoại giao đồng loạt lớn nhất trong lịch sử”, khi gần 30 nước ủng hộ Anh trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga.
Phát biểu trước 15 thành viên Hội đồng Bảo an trong cuộc họp thứ 2 ngày 5/4, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzia khẳng định mục tiêu chính của Anh là “hạ uy tín và thậm chí hạ thấp tư cách hợp pháp của Nga” bằng những cáo buộc vô căn cứ trong vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal.
“Anh đang “đùa với lửa và sẽ phải lấy làm tiếc” khi dựng lên “câu chuyện giả” này, Đại sứ Vasily Nebenzia nhấn mạnh trong phát biểu 30 phút tại Hội đồng Bảo an ngày 5/4.
Ông Nebenzia chỉ ra hàng loạt lỗ hổng trong cáo buộc vô căn cứ của Anh nhằm vào Nga: “Bất cứ ai xem các show truyền hình về tội phạm như “Midsomer Murders” của Anh cũng sẽ thấy rằng có hàng trăm cách “giết người” thông minh hơn là thực hiện hành động “mạo hiểm và nguy hiểm” như trong vụ Skripal”.
“Đây là một vở kịch “lố bịch”. Anh không thể dựng lên một “câu chuyện giả” tốt hơn sao?”, ông Nebenzia nhấn mạnh.
Anh cũng đáp trả không vừa với tuyên bố cứng rắn của Đại sứ Karen Pierce trước Hội đồng Bảo an rằng: “Chúng tôi không có gì phải giấu diếm, nhưng tôi ngờ rằng Nga có thể có gì đó phải lo sợ”.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce tuyên bố hành động của Anh đã được cân nhắc cẩn thận, đồng thời so sánh đề xuất của Moscow về việc tham gia vào cuộc điều tra này là nhằm phá hoại cuộc điều tra.
Anh có rất nhiều lý do để nghi ngờ Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên, dù rằng London vẫn chưa đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
Trong khi đó, Mỹ cũng ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Anh để phản bác lại Nga. Đại diện của Mỹ Kelley Currie cho rằng, Nga đang lợi dụng Hội đồng Bảo an “vào mục đích chính trị”.
“Đây không phải là chiến thuật mà Nga có thể áp dụng với tổ chức này”, bà Kelley Currie nói.
Những diễn biến mới này đang nối dài những căng thẳng Nga-phương Tây, đặc biệt ngày 5/4 là thời hạn Nga yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ bị trục xuất phải rời khỏi nước này. Mỹ và Nga đã trục xuất 60 nhà ngoại giao và đóng cửa lãnh sự quán của nhau.
Nga cảnh báo Anh đang “đùa với lửa” trong vụ đầu độc cựu điệp viên
Kịch bản cũ lặp lại?
Anh cảnh báo sẽ có thêm trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh không có chứng cứ để buộc tội Nga, giới chức tại nhiều nước đã lên tiếng cho rằng cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt ngoại giao và bình thường hóa quan hệ với Nga.
Theo Sputnik, gần đây xuất hiện thông tin nói rằng Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã nói dối về việc các nhà khoa tại Trung tâm nghiên cứu quân sự Porton Down xác nhận chất độc trong vụ Skripal được sản xuất tại Nga. Sau khi có thông tin này, dư luận Anh cũng xuất hiện những kêu gọi Ngoại trưởng Boris Johnson từ chức hoặc Thủ tướng Theresa May phải sa thải nhà ngoại giao của mình.
Các chuyên gia cũng ngày càng nghi ngờ về cáo buộc mà Anh nhắm tới Nga trong vụ đầu độc cựu điệp viên. Giám đốc điều hành, đồng thời là Tổng biên tập trang mạng Muraselon, ông Yusha Yuseef nhận định rằng: “Nếu Nga muốn sát hại Skripal thì có rất nhiều cách mà không phải dùng đến loại chất độc thần kinh mà ai cũng có thể lần ra là sản xuất tại Nga”.
Theo ông Yusha Yuseef, mục tiêu của vụ đầu độc cựu điệp viên này cũng giống như kịch bản tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.
“Anh muốn cộng đồng quốc tế chống lại và cô lập Nga khỏi các lợi ích của nước này. Dựng lên vụ đầu độc Skripal cũng giống như cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm chống lại chính quyên Syria. Đây chính là ý đồ Anh nhằm vào Nga”, ông Yusha Yuseef nhìn nhận.
Chính giới phân tích chính trị tại Nga phải cảnh báo rằng quan hệ Nga-phương Tây có thể “xuống thấp hơn cả với thời kỳ Chiến tranh Lạnh” và thậm chí dẫn tới một cuộc chiến mới.
Phát biểu trên chương trình Today của Nga, ông Evgeny Buzhinsky cựu nhân viên Bộ Tổng tham mưu Nga nói rằng, sức ép với Nga đang không ngừng gia tăng khi mà Tổng thống Putin mới tái đắc cử.
Dù được người dân Nga vô cùng ủng hộ, song Tổng thống Putin sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới với sóng gió ngoại giao chưa từng thấy./.