Câu hỏi về số phận các tù nhân IS ở Syria - gánh nặng khó cởi bỏ
VOV.VN - Những diễn biến mới tại Syria đặt ra câu hỏi hóc búa về số phận những tù nhân IS do lực lượng SDF đang giam giữ ở phía bắc nước này.
Quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump đã "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào khu vực này, đồng thời dấy lên những câu hỏi về số phận của hàng nghìn tay súng IS đang bị giam giữ trong những nhà tù tạm thời tại khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria.
Trại Al-Hol giam giữ những phụ nữ và trẻ em là người thân của các tay súng IS tại tỉnh Hasakeh, Syria. Ảnh: AP |
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, đồng minh chính của Washington trong cuộc chiến chống IS đã chỉ trích động thái trên của Mỹ là một "cú đâm sau lưng", đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ khu vực này khỏi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ "bằng mọi giá".
Ngày 9/10, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã sẵn sàng tiến hành chiến dịch quân sự của mình nhằm tạo một "khu vực an toàn" để thiết lập những điều kiện cần thiết để người tị nạn Syria hồi hương và đẩy lùi các tay súng người Kurd mà Ankara vẫn coi là "khủng bố" khỏi khu vực biên giới.
Chỉ huy của SDF - ông Mazlum Abdi nhận định trên NBC News rằng các lực lượng của ông chịu trách nhiệm giám sát các tù nhân IS đang tới khu vực biên giới để chuẩn bị cho cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, việc canh gác các tay súng IS, ước tính ít nhất 10.000 người chỉ là "ưu tiên thứ yếu", ông Abdi cho biết.
Động thái rút quân của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở Mỹ khi các nghị sĩ ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng đây là bước đi sai lầm và là "thảm họa với các lợi ích quốc gia của chúng ta".
"Các binh lính người Kurd là tuyến phòng vệ đầu tiên nhằm bảo vệ những thành quả chúng ta đạt được trong cuộc chiến chống IS. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng này, sẽ có một nguy cơ tồi tệ xảy ra, đó là các tay súng IS sẽ trốn thoát và quay trở lại chiến trường", lưỡng đảng Mỹ nhận định trong một tuyên bố.
"Gánh nặng khổng lồ"
Lực lượng SDF từ lâu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp nhận các tù nhân này, với khoảng 2.000 tay súng nước ngoài do họ không có khả năng để giám sát và giam giữ những tay súng này trong dài hạn.
Các quan chức SDF cho biết có khoảng 10 cơ sở giam giữ trải khắp khu vực rộng lớn mà nhóm này kiểm soát ở bờ đông sông Euphrates. Được gọi là những "nhà tù tạm thời", các cơ sở này từng là trường học và các tòa nhà chính quyền cũ tại các tỉnh như Raqqa, Deir Az Zor và Hasakah. Theo Liên Hợp Quốc, có khoảng 70.000 phụ nữ và trẻ em là những người thân của các tay súng IS đang được giám sát tại trại al-Hol.
Mutlu Civiroglu, một nhà phân tích tại Washington nhận định rõ ràng IS sẽ nhận được nhiều lợi ích trong tình huống Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công Syria.
Mặc dù Mỹ khẳng định các tù nhân IS hiện sẽ do Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm song ông Civiroglu cho biết Ankara có thể vẫn chưa chuẩn bị để đối phó với các tù nhân của nhóm khủng bổ này hoặc một cuộc nổi dậy của các tay súng IS.
"Đó là một gánh nặng khổng lồ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các tù nhân IS hiện đang được giám sát nhưng sẽ rất khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm soát những người này. Quân Thổ không có lợi thế như người Kurd hay các nhóm địa phương bởi họ không quen với địa hình nơi này", chuyên gia Civiroglu nhận định.
Brett McGurk - cựu đặc phái viên Mỹ trong liên minh chống IS cũng có cùng quan điểm khi đăng tải trên Twitter rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định, mong muốn hay khả năng để giải quyết 60.000 người bị giam giữ trong trại al-Hol".
Tuy nhiên, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Anh Umit Yalcin lại khẳng định với trang Sky News ngày 8/10 rằng nước này "có thể giải quyết được vấn đề các tù nhân IS".
"Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách hợp tác với các đồng minh. Chúng tôi có sức chứa và có khả năng".
"Món quà từ trên trời rơi xuống" của IS
Lực lượng SDF đã cảnh báo rằng IS vẫn là mối đe dọa trong khu vực. Ngày 7/10, lực lượng này đã cảnh báo rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "đảo ngược những nỗ lực thành công trong việc đánh bại IS". Trong một bài viết trên Twitter, SDF khẳng định diễn biến mới tại khu vực sẽ dẫn tới "sự quay trở lại của các lãnh đạo IS đang ẩn nấp đâu đó trong sa mạc" và thúc đẩy những nỗ lực của họ để thả các tù nhân.
Ngày 6/10, lực lượng SDF thông báo đang bắt giữ một chỉ huy của IS trong khi một báo cáo hồi tháng 8/2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết IS đã "có một số phần tử trỗi dậy đang hoạt động trong những khu vực SDF kiểm soát" nhằm tiến hành các vụ tấn công.
"IS sẽ tìm được cách xoay xở trong tình hình hỗn loạn và với chúng, đó chẳng khác nào một món quà", Robert Wesley, Chủ tịch Sáng kiến Nghiên cứu Chủ nghĩa khủng bố nhận định.
Ông Wesley cũng nhắc đến khả năng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ lợi dụng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ để giành lại tỉnh Deir Az Zor giàu tài nguyên dầu mỏ từ lực lượng SDF.
Hiện không rõ có bao nhiêu nhà tù IS nằm ở nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ định tạo một "khu vực an toàn", ông Wesley nhận định. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khu vực này sẽ kéo dài 30km từ biên giới giữa nước này và Syria vào sâu trong lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Wesley, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng khu vực này nếu Ankara muốn đẩy lùi lực lượng người Kurd.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tiến sâu vào khu vực này để đánh bại SDF hoặc nếu không họ sẽ phải chấp nhận một khu vực kiểm soát nhỏ hơn".
Ông Wesley tiếp tục kêu gọi các nước châu Âu tiếp nhận các tù nhân IS mang quốc tịch của họ mà theo số liệu của SDF thì con số này là khoảng 1.000 người. Các nước châu Âu đã từ chối đề nghị này và một số nước thậm chí còn thông qua các đạo luât tước quyền công dân của những người từng tham gia IS.
"Đây là một mối đe dọa lớn... không có điều gì thay đổi. Các nước châu Âu đã quyết định thà đổ trách nhiệm cho Mỹ và SDF còn hơn là việc ‘đứng chung một chiếc thuyền’ như trước đây", ông Wesley bình luận.
Trong khi đó, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Yalcin cũng hối thúc các nước để các tay súng IS hồi hương và xét xử tại quê nhà của họ. Ông Yalcin khẳng định với Sky News rằng "tình hình lý tưởng" là các quốc gia sẽ "đưa các công dân của họ về nước rồi xét xử những người này với phán xét từ tòa án hoặc đưa họ hòa nhập với xã hội".
Về phần mình, Tổng thống Trump cũng yêu cầu các nước châu Âu tiếp nhận các tay súng IS và tuyên bố Mỹ sẽ không nhận bất kỳ tay súng IS nào.
"Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Syria, Iran, Iraq, Nga và người Kurd hiện phải tìm cách tháo gỡ tình hình này và những điều họ muốn thực hiện với các tay súng IS này".
Tổng thống Mỹ cũng nhận định: "Tất cả chúng ta đều ghét IS, những kẻ thù trong nhiều năm của chúng ta. Chúng tôi ở cách xa hơn 11.000 km nhưng chúng tôi sẽ đánh tan IS nếu chúng đến gần chúng tôi!"./.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo người Kurd: Sẽ sớm tiến vào Syria