Câu hỏi về sự tồn tại về NATO

VOV.VN - Câu hỏi về sự tồn tại của NATO thực ra không nằm ở lời lẽ mà khối quân sự này thuyết giảng, mà ở mục đích sự tồn tại của nó.

Pháp bất bình vì bị “cho ra rìa”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa khiến các đồng minh trong NATO bất bình khi cho rằng khối quân sự này đang ở vào giai đoạn tê liệt. Việc ông Macron nhận trả lời phỏng vấn rất dài trên tuần báo “Nhà kinh tế” (The Economist) không phải được thực hiện vào một thời điểm ngẫu nhiên. Theo lịch trình, đầu tháng 12, các nước NATO sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập khối quân sự này tại London. Vì thế, đây là dịp để các nước trong NATO đưa các vấn đề đang tồn tại ra tranh luận.

 Câu hỏi về sự tồn tại của NATO thực ra không nằm ở lời lẽ mà khối quân sự này thuyết giảng, mà ở mục đích sự tồn tại của nó. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, như trong chính nội dung trả lời phỏng vấn, ông Macron có nói rằng, sự điều phối chiến lược của NATO, mà trong đó Mỹ đóng vai trò đầu tàu, đã hoàn toàn tê liệt trong thời gian qua tại Syria, khi các đồng minh NATO không có tiếng nói và đặc biệt lại còn bị một thành viên NATO khác là Thổ Nhĩ Kỳ xâm hại lợi ích một cách nghiêm trọng. Lợi ích ở đây là vai trò của Pháp đã bị gạt bỏ hoàn toàn. 

Sau khi Mỹ bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria và rồi Nga nhảy vào dàn xếp thoả thuận giữa chính phủ Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd, nước Pháp của ông Macron coi như đã bị tước bỏ hoàn toàn tiếng nói trong việc sắp xếp tương lai chính trị tại Syria, đồng nghĩa với việc đánh mất ảnh hưởng chính trị và quyền lợi kinh tế.

Đây là một thất bại rất cay đắng về chính trị và ngoại giao với Pháp bởi Pháp cùng Mỹ chính là 2 quốc gia phương Tây can dự mạnh nhất vào Syria nhưng nay do sự phớt lờ của Mỹ và hành động bất chấp của Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp bị gạt sang một bên. Chính vì thế, Tổng thống Pháp Macron đã lên án gay gắt cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đưa ra nhận xét nặng nề về NATO, yêu cầu NATO phải xem lại các mục đích chiến lược của khối này.

Đó là về bối cảnh khách quan hiện tại còn về mặt lịch sử thì từ trước đến nay, Pháp luôn là nước châu Âu có tiếng nói độc lập nhất với Mỹ trong NATO. Từ thời De Gaulle, dù Pháp là cường quốc quân sự hàng đầu trong NATO nhưng do muốn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập tương đối với Mỹ, Pháp đã rút khỏi Bộ chỉ huy NATO.

Ngoài ra, Pháp còn luôn nuôi tham vọng tạo dựng một quân đội châu Âu, trong đó Pháp giữ vai trò chỉ huy, nhằm hoạt động độc lập hơn và tránh phụ thuộc vào Mỹ. Sau khi ông Macron lên nắm quyền thì trường phái ngoại giao De Gaulle đang quay lại với Pháp và các dự án quốc phòng đang được ông Macron thúc đẩy rất mạnh từ 2 năm qua, với việc cho ra đời Sáng kiến can thiệp chung rồi phát triển một loạt dự án chế tạo vũ khí thế hệ mới như máy bay chiến đấu, xe tăng… với các nước như Đức, Tây Ban Nha. Vì thế, việc Tổng thống Pháp Macron lên tiếng về NATO trong thời điểm này cũng không phải là một việc bất ngờ.

Chia sẻ ngân sách - Nút thắt khiến NATO “phai nhạt”

Vấn đề chia sẻ ngân sách hoạt động mà Mỹ đặt ra với châu Âu kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump là một trong những lý do chính khiến quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương phai nhạt. Ngay khi mới lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã có những nhận xét rất tiêu cực về NATO khi cho rằng khối quân sự này đã lỗi thời, đồng thời Mỹ phải gánh vác quá nhiều gánh nặng tài chính cho NATO trong khi các nước châu Âu hưởng lợi. Vì thế, ông Trump đã gây sức ép buộc các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, phải sớm tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP.

Thậm chí, ông Donald Trump còn mang vấn đề an ninh, ở đây là sự bảo hộ của NATO với châu Âu, ra làm vũ khí buộc các nước châu Âu nhượng bộ về thương mại. Đây có thể nói là các hành động chưa từng có tiền lệ của một Tổng thống Mỹ từ khi NATO được lập ra và nó đã tạo nên một cú sốc rất lớn với các nước châu Âu. Các nước này nhận thức rằng họ ngày càng bị xem như một đối tác hạng 2 của Mỹ và về lâu dài là con tin về mặt an ninh với Mỹ. Vì thế, quan hệ đồng minh chiến lược giữa châu Âu và Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, sự phai nhạt của mối quan hệ này đã bắt đầu từ thời ông Barack Obama trước đó, khi Mỹ chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại-an ninh của mình sang khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là châu Á-Thái Bình Dương, chứ không còn ở Đại Tây Dương. Việc ông Donald Trump ép buộc châu Âu chi nhiều tiền hơn cho NATO chỉ là hành động tiếp nối của sự thay đổi mang tính chiến lược này của nước Mỹ.

Đối với châu Âu thì việc tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% cũng là chủ đề gây tranh cãi. Một số nước Đông Âu, như Ba Lan hay các nước Baltic… rất nhiệt tình với mục tiêu này do các nước này lo sợ sức ép an ninh từ Nga. Đa số các nước NATO có thể sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% vào năm 2024, nhưng một số nước, như Đức thì phải đến 2031 mới hoàn thành, dù Đức là nền kinh tế số 1 châu Âu và cũng là nước bị Mỹ gây sức ép nhiều nhất. 

Câu hỏi về sự tồn tại của NATO

NATO ra đời trong chiến tranh Lạnh như là một đối trọng về quân sự nhằm kiềm chế Liên Xô và Nga sau này. Tuy nhiên, câu hỏi về sự tồn tại của NATO đã được đặt ra ngay sau thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh. NATO ra đời để làm đối trọng với khối Hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu nên theo logic, khi khối Hiệp ước đã giải thể thì NATO cũng không có lí do để tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, thực tế là các nước phương Tây coi NATO không chỉ là cái ô an ninh của mình mà còn là vũ khí sức mạnh để duy trì sự thống trị của phương Tây.

Vì thế, trong thập kỷ 90, NATO đã thử nghiệm học thuyết mới về “can thiệp nhân đạo” vào Kosovo trong chiến tranh Nam Tư, rồi mở rộng ra cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan sau sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ. Và đặc biệt, trong quan hệ với Nga, dù sau khi Liên Xô sụp đổ NATO có cam kết với Nga là không tiến về phía Đông nhưng trong hơn 2 thập kỷ qua, NATO đã kết nạp một loạt các nước Đông Âu, Baltic, Balkan và ngày càng tiến gần hơn đến biên giới với Nga, gián tiếp và trực tiếp gây nên các biến động chính trị tại Gruzia và Ukraine.

Vì vậy, câu hỏi về sự tồn tại của NATO thực ra không nằm ở lời lẽ mà khối quân sự này thuyết giảng, mà ở mục đích mà nó tồn tại. NATO sẽ tiếp tục tồn tại chừng nào mà phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn coi nó là phương tiện để duy trì và áp đặt sức mạnh của mình lên các đối tác khác trong quan hệ quốc tế. Để biện minh cho tính chính danh, NATO đã và đang tiếp tục tạo ra các kẻ thù, hiện tại là Nga,Trung Quốc hay Iran. Trong vài thập kỷ qua, các nước trong NATO có chung lợi ích để chia sẻ, một bên là châu Âu có được cái ô an ninh của Mỹ còn Mỹ thì thu được ảnh hưởng chính trị và quyền lợi kinh tế.

Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì sự tồn tại của NATO lại tiếp tục bị đem ra mổ xẻ. Khác với trước kia, các thách thức bây giờ với NATO đến từ chính nội bộ khối này, nghiêm trọng nhất là sự thay đổi chiến lược của Mỹ, khiến các đồng minh cực kỳ bất an. Và việc các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay Pháp có các chiến lược riêng của mình cũng có thể khiến NATO thêm rạn nứt, có thể không đổ vỡ nhưng cũng có thể làm tê liệt các hoạt động của khối này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn về tương lai của NATO sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, bởi nếu Mỹ có một Tổng thống mới thay ông Donald Trump thì chiến lược của Mỹ sẽ lại có nhiều thay đổi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Pháp gây tranh cãi khi nói “NATO đang chết lâm sàng”
Tổng thống Pháp gây tranh cãi khi nói “NATO đang chết lâm sàng”

VOV.VN - Ngoài bình luận về NATO, Tổng thống Pháp cũng nhận định rằng đang có 3 nguy cơ khiến EU có thể sẽ biến mất khỏi bản đồ địa chính trị thế giới.

Tổng thống Pháp gây tranh cãi khi nói “NATO đang chết lâm sàng”

Tổng thống Pháp gây tranh cãi khi nói “NATO đang chết lâm sàng”

VOV.VN - Ngoài bình luận về NATO, Tổng thống Pháp cũng nhận định rằng đang có 3 nguy cơ khiến EU có thể sẽ biến mất khỏi bản đồ địa chính trị thế giới.

Hungary bất ngờ chấp nhận tuyên bố chung NATO về Ukraine
Hungary bất ngờ chấp nhận tuyên bố chung NATO về Ukraine

VOV.VN - Hungary sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của Ukraine nhằm tái thiết lập các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp như trước đây.

Hungary bất ngờ chấp nhận tuyên bố chung NATO về Ukraine

Hungary bất ngờ chấp nhận tuyên bố chung NATO về Ukraine

VOV.VN - Hungary sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của Ukraine nhằm tái thiết lập các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp như trước đây.

Là thành viên NATO và EU, Hungary vẫn tìm kiếm hợp tác gần gũi với Nga
Là thành viên NATO và EU, Hungary vẫn tìm kiếm hợp tác gần gũi với Nga

VOV.VN - Nga-Hungary đều coi nhau là đối tác gần gũi và điều này được coi là tín hiệu gia tăng ảnh hưởng của Nga tại quốc gia vốn là thành viên NATO và EU này.

Là thành viên NATO và EU, Hungary vẫn tìm kiếm hợp tác gần gũi với Nga

Là thành viên NATO và EU, Hungary vẫn tìm kiếm hợp tác gần gũi với Nga

VOV.VN - Nga-Hungary đều coi nhau là đối tác gần gũi và điều này được coi là tín hiệu gia tăng ảnh hưởng của Nga tại quốc gia vốn là thành viên NATO và EU này.