Vọng cố hương thương xứ mình

VOV.VN - “Giữa những biến chuyển của thời gian, không gian, cả những mưu cầu đời người ai rồi cũng đến lúc nhìn lại hành trình sống của mình. Khi ấy tự khắc sẽ biết vọng cố hương, biết thương xứ mình..." - Tống Phước Bảo.

32 tản văn trong tập “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” là những trang văn đầy cảm xúc của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo,  với mênh mang bao hoài niệm cố hương quê nhà, của phần lớn những lưu dân khắp mọi miền đất nước, chọn thành phố phương Nam hoa lệ bậc nhất, nhưng mà hào sảng, hào phóng, hào tình, hào nghĩa, hào hiệp…, làm quê hương thứ hai lập nghiệp lập thân, để “Mỗi thân phận làm nên một câu chuyện mà thiếu họ có lẽ Sài Gòn sẽ chẳng còn là Sài Gòn”.

Có những thứ trong cuộc đời, nghĩ là tạm thương, nhưng vương mang trong dạ suốt cả một đời. Cho dù đã “an cư”, “lạc nghiệp”, thành đạt, thành danh, thậm chí đã có tới mấy thế hệ ăn rễ bền chặt đất Sài Gòn- TP.Hồ Chí Minh, nhưng sâu thẳm trong những “lưu dân” đó vẫn là hoài niệm, ẩn sâu trong ký ức, chỉ đợi mỗi chiều mưa trưa nắng là thổn thức nhớ, ngắm một đám hoa rực rỡ vạt lá cỏ xanh mướt là xốn xang thương, là thao thiết cồn cào khi bất chợt bắt gặp hương vị quê trong bữa cơm chiều muộn…

Hoài niệm đó như hồi sinh qua những tản văn, mà chỉ đọc cái tít đã thầy bao nhiêu cảm xúc gợi mở cánh cửa ký ức:Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình, Nghiêng mình nhớ quê, Thương món canh quê thèm mùi châu thồ, Nghe mưa nhớ vị xưa, Còn chút hồn quê gữa thị thành, Sài Gòn một vòng ấm lòng giữa đêm, Tìm Tết Bắc giũa Sài Gòn,

Còn thương bếp ngoại ngày mưa, Liêu xiếu hủ tiêu Sài Gòn, Gánh xôi nhỏ “nghen bây”, Vọng Tết, Người buồn ngóng phố, Bữa chiếu hôm thèm cơm má nấu,  Mưa dầm nỗi thèm quê,, Mưa đoàn viên bão giông, lòng ngườu vẫn rộng và mênh mông, Hồn xuân trong chiếc áo dài Tết, Những Giáng sinh lung linh màu ký ức, Hãy đề màu xanh ấy nảy mầm những yêu thương…

“Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”, còn là một “tập hợp” khá nhiều phong cách ẩm thực đường phố ba miền Nam- Trung- Bắc. Không chỉ là nỗi nhớ quê hương bản quán có hình hài có hương vị mà còn là một kiểu “du ký”- Sài Gòn city tour, để bất kỳ bạn đọc nào cũng có thể chiêm nghiệm thực tế.

Sài Gòn- TP. Hồ Chí Minh ngoài các món ăn của bốn phương tám hướng khắp các châu lục tụ về, thì còn những món ăn “quê” gây thương gây nhớ, gây nghiện, gây say… “Chỉ có bôn ba xa xứ mới nhận ra một thứ bình dị mà lắng sâu nhất, khi thèm một món ăn quen, chính là lúc thương cố hương nhất dạ…”.

Sài Gòn còn có thắng cố ngựa, gà Mông, lẩu Lào; miến dong Bắc Cạn, đậu phụ làng Mơ và bánh chưng Tranh Khúc, Hà Nội -Tìm Tết Bắc giữa Sài Gòn; Bắp bò mật mía, thịt heo ngâm mắm, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in xứ Quảng miền Trung- Biết vọng cố hương biết thương xứ mình; canh tép rong nấu đọt nhãn lồng- Thương món canh quê thèm mùi Châu thổ, hay món bì heo cho vào bánh mì, hoặc ăn cùng bánh bèo, bánh tằm nước cốt dừa- Nghe mưa nhớ vị xưa; Đặc biệt cơm tấm “ma”, sủi cảo “xuyên đêm”, chè “âm phủ” - Sài Gòn một vòng ấm lòng giữa đêm, Sài Gòn dọc ngang cũng ngàn tiệm phở- Sài Gòn phở, hủ tiếu của người Hoa - Liêu xiêu hủ tiếu Sài Gòn, cà phê kho hẻm nhỏ- Sài Gòn cà phê kho lo chi cho mệt…

Giống một nét chấm phá, để có sự mở rộng cảm xúc, và cũng là để cho bạn đọc thấy cái cảm của người Sài Gòn với các vùng miền đất khác như Hà Nội trong "Tìm quán Tiến Bộ, hỏi ngõ Tạm Thương", Đà Nẵng trong "Hẹn những mùa thàn mát nở hoa", Đà Lạt trong "Lên xứ thông reo, nghe hoa xuân hát", Miền Tây Nam bộ trong "Châu thổ chín sông mùa đồng tràn nước", An Giang trong "Về xứ mắm mùa lễ hội Vía Bà"…

Có một sự nén cảm xúc thắt lòng thở nghẹn, rưng rưng, khi đọc một số bài viết về Sài Gòn trong cơn thảm họa dịch bệnh, để thấy thành phố kiên cường vượt qua đỉnh dịch, để thấy người Sài Gòn trong bi thương vẫn rạng ngời tình người, thấy được sự lan tỏa nghĩa nhân nghĩa cử của đồng bào cả nước tương thân tương ái với Sài Gòn.

Ngoài ra còn có một số tản văn viết về những mùa trong tháng trong năm trong tâm tưởng những người “thân Sài Gòn, hồn ngoài quê”, “vọng cố hương”. Mùa đoàn viên bão giông, lòng người vẫn rộng mênh mông, Mưa dầm nỗi thèm quê, Vọng Tết, Tìm tết Bắc giữa Sài Gòn, Hồn xuân trong chiếc áo dài Tết….,

"Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình", được viết dung dị, thân thuộc, đậm đặc phong ngôn Nam bộ, thêm một lần nhà văn trẻ Tống Phước Bảo mang đến người đọc hình ảnh Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh ở góc nhìn khác, góc hoài cảm của những “lưu dân” tụ về thành phố này, góc thấu cảm về thành phố đã trở thành quê hương thứ hai, góc xúc cảm ngọt ngào tràn đầy yêu thương của “lưu dân” với thành phố… 

Vẫn là thông điệp của chữ “thương”, chữ đã “gắn” với các tác phẩm của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo như một đặc điểm nhận dạng: "Cả một trời thương" (2018), "Mình gọi nhau là cưng" (2019), "Đừng vội ghét khi chưa kịp thương" (2020), "Sài Gòn còn thương thì về" (2021), "Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình" (2022)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên