CEO Tillerson và tướng Petraeus: Ai sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ?

VOV.VN - Cả CEO ExxonMobil Rex Tillerson và tướng David Petraeus đều có những điều kiện lý tưởng để trở thành Ngoại trưởng sắp tới của Mỹ.

Cả ông Tillerson (trái) và ông Petraeus đều được đánh giá rất cao và là đối thủ nặng ký cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: Reuters

CEO ExxonMobil Rex Tillerson- ngôi sao mới nổi

Theo Politico, cái tên Rex Tillerson chỉ mới vừa nổi lên trở thành gương mặt sáng giá cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ bởi ông Tillerson được đánh giá là một thương gia lão luyện có khả năng đàm phán rất tốt, điều mà ông Trump rất cần để có thể thực thi tốt chính sách ngoại giao được cho là sẽ tập trung nhiều vào các thỏa thuận kinh tế sắp tới của Mỹ.

Hơn nữa, dù được cho là không có nhiều kinh nghiệm trực tiếp về ngoại giao nhưng ông Tillerson vẫn có thêm “một điểm cộng” khi ông có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Putin. Thậm chí, đích thân ông Putin từng trao tặng ông Tillerson Huân chương Hữu nghị của Nga vào năm 2013.

Nếu được chấp thuận làm Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson sẽ chịu trách nhiệm chính về chính sách của Mỹ liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, hòa đàm Syria và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga mà chính ông Tillerson khi còn là CEO của ExxonMobil từng kịch liệt phản đối.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ cũng được cho là không hề dễ dàng khi Quốc hội Mỹ có thể sẽ không phê chuẩn quyết định này bởi rất nhiều quan chức Đảng Cộng hòa không hài lòng vì sự “thân thiết quá mức” của ông Tillerson với Nga.

Ngoài ra, ông Tillerson sẽ phải cân nhắc về cách hành xử với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông cũng như tìm cách giải quyết êm thấm vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ “hết sức căng thẳng” xuất phát từ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của chính ông Trump.

Dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng của mình nhưng ông Trump vẫn dành “những lời có cánh” cho ông Tillerson. Tổng thống đắc cử Mỹ ca ngợi ông Tillerson là “một nhân vật có đẳng cấp quốc tế” và khẳng định: “Thuận lợi lớn nhất của ông Tillerson là ông ấy biết rất nhiều nhân vật tiếng tăm trên thế giới và họ cũng không lạ gì ông ấy. Ông Tillerson cũng từng thực hiện rất nhiều thỏa thuận làm ăn với Nga cho tập đoàn ExxonMobil chứ không phải cho cá nhân ông ấy”.

Ông Tillerson, sắp bước sang tuổi 65, đã làm việc tại ExxonMobil được 41 năm và thường xuyên công du khắp thế giới để tìm kiếm cơ hội mua bán dầu mỏ và khí đốt ngay cả ở những quốc gia có tình hình chính trị bất ổn nhất. Các quan chức tại ExxonMobil đánh giá ông Tillerson là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán.

Chính vì vậy, nhiều người trong số họ tỏ ra ngạc nhiên khi thấy ông quan tâm đến chức vụ Ngoại trưởng Mỹ bởi khi đó, ông sẽ không phải là người có tiếng nói cuối cùng trong một số vấn đề hệ trọng như khi làm CEO tại ExxonMobil.

Tướng David Petraeus- đối thủ đáng gờm

Dù là một tướng lĩnh quân đội và Giám đốc CIA, ông Petraeus vẫn được đánh giá rất cao về kinh nghiệm ngoại giao của mình. Bản thân ông Trump đã đích thân mời ông Petraeus đến Tòa tháp Trump để trao đổi về khả năng ông Petraeus sẽ trở thành Ngoại trưởng mới của Mỹ.

Hơn thế nữa, ông Petraeus được cho là ứng cử viên “rất nặng ký” cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ vì ông được tướng Jack Keane- cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và là một người mà ông Trump hết sức kính trọng- đề cử. Bản thân ông Jack Kean cũng từng được ông Trump mời làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhưng ông đã từ chối vì lý do cá nhân.

Tướng Jack Keane nhấn mạnh: “Ông ấy là một người có lý lịch tuyệt vời, từng trải qua 2 cuộc chiến tranh và đứng đầu CIA. Kinh nghiệm của ông ấy sẽ là vô giá đối với bất kỳ một Tổng thống nào, nhất là khi ông ấy là một chiến lược gia đại tài và hiểu rõ những vấn đề quốc tế hiện nay cũng như quen biết rất nhiều lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng các nước trên thế giới”.

Tướng Petraeus từng đóng vai trò trung tâm trong chính quyền của cả Tổng thống George W. Bush và Barack Obama và giành được tiếng tăm về tài lãnh đạo của mình trong việc chống lại lực lượng phiến quân tại Iraq. Sau đó, ông cũng thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Obama thực hiện chiến lược tương tự tại Afghanistan dù kết quả không được như ông kỳ vọng.

Tuy nhiên, tướng Petraeus được cho là có quan điểm về việc điều hành Bộ Ngoại giao Mỹ tương đồng với Ngoại trưởng John Kerry hiện nay hơn là với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Điều này có thể ảnh hưởng không ít đến khả năng được lựa chọn làm Ngoại trưởng Mỹ của ông Petraeus.

Sự trái ngược về quan điểm giữa tướng Petraeus và Tổng thống đắc cử Trump được thể hiện rõ trong vấn đề Trung Đông. Trong khi ông Trump chỉ trích Mỹ “đổ cả nghìn tỷ” vào Trung Đông mà chỉ “thu được những thảm họa” thì tướng Petraeus cho rằng, những gì mà Mỹ đổ vào Iraq đã được đền đáp xứng đáng dù tương lai tại quốc gia này vẫn rất bất định.

Ngoài ra, tướng Petraeus cũng là người tích cực hối thúc Mỹ tiếp tục can dự mạnh mẽ hơn vào tình hình khu vực với lý do sau khi IS bị đánh đuổi, khả năng sẽ có một tổ chức Hồi giáo cực đoan khác thay thế chúng tại đây.

Cũng như ông Rex Tillerson, việc bổ nhiệm tướng Petraeus làm Ngoại trưởng Mỹ cũng vấp phải một số khó khăn. Điều này xuất phát từ chính bê bối cá nhân của ông Petraeus trước đây khiến ông buộc phải từ chức Giám đốc CIA năm 2012.

Ông Petraeus từng thừa nhận rằng, trong vụ bê bối đó, ông đã chia sẻ những thông tin mật của Mỹ với bà Paula Broadwell- tình nhân và cũng là người viết hồi ký của ông. Vụ việc này khiến ông bị cáo buộc hành xử bất cẩn và phải chấp nhận 2 năm án treo cùng số tiền phạt 100.000USD.

Có thể nói, việc phải từ chức Giám đốc CIA và bị công chúng chỉ trích dữ dội là một trải nghiệm cực kỳ đau đớn đối với ông Petraeus, một người rất coi trọng danh tiếng cá nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Donald Trump xung đột với giới tình báo Mỹ vì quan hệ với Nga
Donald Trump xung đột với giới tình báo Mỹ vì quan hệ với Nga

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Trump ngày 10/12 đã bác bỏ kết luận của giới tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ để giúp ông thắng cử.

Donald Trump xung đột với giới tình báo Mỹ vì quan hệ với Nga

Donald Trump xung đột với giới tình báo Mỹ vì quan hệ với Nga

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Trump ngày 10/12 đã bác bỏ kết luận của giới tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ để giúp ông thắng cử.

CIA: Nga đã can thiệp để giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng
CIA: Nga đã can thiệp để giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng

VOV.VN - Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 9/12 cho biết, CIA kết luận rằng, Nga đã can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump chiến thắng.

CIA: Nga đã can thiệp để giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng

CIA: Nga đã can thiệp để giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng

VOV.VN - Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 9/12 cho biết, CIA kết luận rằng, Nga đã can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump chiến thắng.

Nội các của ông Trump: Cực giàu có, dày dặn kinh nghiệm đánh trận
Nội các của ông Trump: Cực giàu có, dày dặn kinh nghiệm đánh trận

VOV.VN - Với việc chọn 4 tỷ phú và 3 tướng lĩnh vào Nội các mới của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cho thấy rõ ưu tiên của ông là gì.

Nội các của ông Trump: Cực giàu có, dày dặn kinh nghiệm đánh trận

Nội các của ông Trump: Cực giàu có, dày dặn kinh nghiệm đánh trận

VOV.VN - Với việc chọn 4 tỷ phú và 3 tướng lĩnh vào Nội các mới của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cho thấy rõ ưu tiên của ông là gì.

Donald Trump: Mỹ không nhất thiết duy trì chính sách “Một Trung Quốc”
Donald Trump: Mỹ không nhất thiết duy trì chính sách “Một Trung Quốc”

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng, Mỹ không nhất thiết phải duy trì chính sách “Một Trung Quốc” như trước đây.

Donald Trump: Mỹ không nhất thiết duy trì chính sách “Một Trung Quốc”

Donald Trump: Mỹ không nhất thiết duy trì chính sách “Một Trung Quốc”

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng, Mỹ không nhất thiết phải duy trì chính sách “Một Trung Quốc” như trước đây.