Chảo lửa Trung Đông: Ý đồ và cơ hội của nước Mỹ?
VOV.VN-Dù ông Trump bác bỏ việc triển khai 120.000 quân để đối phó với Iran song Mỹ có vẻ vẫn chưa từ bỏ tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông.
Hôm qua (22/5), các hãng truyền thông quốc tế lớn đưa tin, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) đang đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét việc gửi thêm, từ 5.000 tới 10.000 quân, tới Trung Đông trong thời gian tới. Điều này đã khiến các nước trong khu vực “đứng ngồi, không yên”, kêu gọi thống nhất lập trường, đoàn kết, để ngăn chặn một hậu quả “thảm khốc” có thể xảy ra.
Dù ông Trump bác bỏ việc triển khai 120.000 quân để đối phó với Iran song Mỹ có vẻ vẫn chưa từ bỏ tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông. Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters hôm qua dẫn nguồn tin từ 2 quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, số quân tăng cường thêm được Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đề nghị là 5.000 quân; trong khi hãng tin AP dẫn 1 nguồn tin khác cho rằng, con số này có thể lên tới 10.000. Theo giới chức Mỹ, kế hoạch triển khai thêm quân này chỉ mang tính chất tăng cường sự phòng thủ cho các lực lượng Mỹ vốn đang hoạt động tại Trung Đông. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Bộ Quốc phòng Mỹ có chấp thuận đề nghị này hay không? Song nhiều khả năng, đây đang là 1 đề xuất hợp lý, trong bối cảnh Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng, các mối đe dọa từ Iran vẫn còn rất cao:
“Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi lúc này là ngăn chặn những tính toán sai lầm của Iran. Đây là hành động răn đe, không phải là chiến tranh. Chúng tôi sẽ không tham chiến, song đây là việc Mỹ nên làm để bảo vệ các lợi ích quốc gia của chúng tôi tại Trung Đông và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của chúng tôi ở đó”.
Đây cũng không phải là con số lớn như Tờ Thời báo New York từng tiết lộ trước đây, là 120.000 quân, mà Tổng thống Mỹ từng bác bỏ.
Thông tin về việc Mỹ điều thêm quân tới Trung Đông càng làm cho những quan ngại của Liên minh Nghị viện Arab đưa ra ngày hôm qua có thêm “cơ sở”. Hôm qua, người đứng đầu Liên minh Nghị viện Arab, ông Atef Tarawneh cảnh báo, xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến hoà bình, ổn định của toàn bộ khu vực Trung Đông. Ông Atef kêu gọi các nước Arab và vùng Vịnh nên có lập trường thống nhất, đoàn kết, để ngăn chặn một thảm kịch “tồi tệ”.
Dù chính phủ Mỹ luôn khẳng định việc điều tầu sân bay, cùng nhiều khí tài quân sự thời gian qua hay việc sắp điều thêm quân tới Trung Đông chỉ mang mục đích “răn đe” đối với Iran; song ngay chính trong lòng nước Mỹ đang nảy sinh nhiều ý kiến “trái chiều” về động thái này. Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, nhiều ý kiến cho rằng, các động thái mới nhất của Mỹ hướng vào Iran là 1 hành động có “chủ đích”.
Thượng Nghị sĩ Chris Murphy hôm 22/5 cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế sử dụng những căng thẳng với Iran để “hợp thức hóa” việc bán vũ khí quân sự cho Saudi Arabia – điều mà nhiều Nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ, bao gồm cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, đang phản đối khi cho rằng đồng minh Arab này đang sử dụng vũ khí Mỹ trong cuộc chiến tranh “đẫm máu” tại Yemen.
Trong khi, thượng Nghị sĩ Bandie Sanders lại cho rằng, chính quyền Mỹ đã cung cấp thông tin “sai sự thật” về Iran giống với những gì quốc gia này từng làm trước khi khởi động cuộc chiến tranh với Iraq:
“Hãy để tôi nói ngắn gọn. Suy nghĩ của tôi giống với đa số người dân Mỹ. Năm 2003, họ đã nói dối về việc Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nước Mỹ đã mất hơn 4.000 người lính dũng cảm. Hàng trăm nghìn người dân khu vực bị giết hại và mất nhà cửa. Tôi cho rằng, 1 cuộc chiến tranh với Iran sẽ là 1 thảm họa. Nó sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc chiến tranh tại Irắc. Tôi hi vọng điều này sẽ không xảy ra”.
Rõ ràng, nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Iran vẫn còn. Bởi cảnh báo mới nhất của Tổng thống Mỹ dành cho Iran là, Tehran sẽ phải đối mặt với “một lực lượng hùng hậu” nếu nước này dám tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ. Trong khi, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei nói rằng, giới trẻ Iran sẽ được chứng kiến sự sụp đổ của nền văn minh Mỹ và đồng minh của nước này tại khu vực, là Israel./.
Xung đột Nga-Israel ở Syria có thể trở thành ác mộng của Trung Đông