Châu Á “choàng tỉnh” trước nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2 tấn công

VOV.VN - Chưa kịp mừng chiến thắng, một số quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tiếp tục đối mặt nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2.

Một phụ nữ lớn tuổi mắc Covid-19 mà không có tiền sử đi về từ các vùng dịch. Một ổ dịch bất ngờ bùng phát ở hộp đêm. Một cụm dịch ở các thị trấn gần biên giới quốc tế không rõ nguồn gốc. Đây là những dấu hiệu cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát ở châu Á.  

Hàn Quốc mất dấu nhiều bệnh nhân liên quan đến các ổ dịch mới. Ảnh: Yonhap.

Nguy cơ Covid-19 quay trở lại

Sau khi áp dụng một loạt biện pháp mạnh mẽ từ phong tỏa đến xét nghiệm nhanh chóng, nhiều nền kinh tế châu Á đã gặt hái được thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hiện giờ đang phải đối mặt với sự trở lại của virus SARS-CoV-2 với nỗi lo bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2.

Đó là lời nhắc nhở đầy đau đớn rằng khi các quốc gia mở cửa trở lại và người dân tiếp tục cuộc sống bình thường thì dễ dẫn đến khả năng dịch bệnh bùng phát mà không thể kiểm soát được. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, dịch bệnh có thể chẳng bao giờ biến mất, đặc biệt khi nhiều người bị nhiễm virus không hề xuất hiện triệu chứng.

Nicholas Thomas, phó giáo sư y tế công cộng tại trường Đại học Hong Kong cho biết: “Với một bộ phận dân số không xuất hiện triệu chứng, các ca bệnh sẽ nổi lên từ những nguồn không được xác định. Đó là điều hiển nhiên rằng mở cửa lại các hoạt động xã hội sẽ dẫn đến việc xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới”.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), sự xuất hiện một bệnh nhân 66 tuổi không có tiền sử đi về từ các vùng dịch đã chấm dứt quãng thời gian đầy hy vọng kéo dài 23 ngày khi khu vực không ghi nhận ca mắc mới nào. Một số thành viên trong gia đình bệnh nhân này được xác nhận nhiễm virus và nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng, rằng người bệnh có thể đã lây nhiễm cho nhiều người hơn khi di chuyển khắp các tuyến phố trước khi được phát hiện mắc Covid-19.

Tại Trung Quốc, một đợt bùng phát với hơn 20 ca mắc mới tại khu vực Đông Bắc nước này đã buộc nhà chức trách phải áp đặt hạn chế di chuyển ở 2 thành phố lớn. Nhiều trường học vừa mở cửa đón học sinh đã phải đóng cửa thêm 1 lần nữa tại 3 thành phố lớn có tổng dân số khoảng 13 triệu người.

Trong khi đó, nhà chức trách Hàn Quốc đã xác định hơn 100 ca mắc mới Covid-19 ở một vài câu lạc bộ đêm dành cho người đồng tính. Giới chức y tế đang cố gắng xét nghiệm cho hơn 5.500 người đến thăm những câu lạc bộ đêm này kể từ cuối tháng 4/2020. Đợt bùng phát mới này đe dọa dập tắt những thành công mà chiến lược chống Covid-19 của Hàn Quốc đã mang lại ở giai đoạn đầu.

Nhật Bản cũng đang phải gồng mình đối phó với sự gia tăng các ca mắc Covid-19 sau khi kiểm soát được dịch bệnh ở giai đoạn đầu. Nhiều bệnh viện tại nước này đã trong tình trạng quá tải, buộc phải từ chối người ốm do thiếu nhân viên và trang thiết bị. Chỉ riêng trong tháng 3 đã có 931 trường hợp xe cứu thương bị các bệnh viện từ chối. Nhật Bản dường như đã kiểm soát tốt dịch bệnh giai đoạn đầu với việc cách ly các ổ dịch và phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, sự lây lan của virus nhanh hơn dự kiến, khiến hệ thống y tế nước này có nguy cơ sụp đổ.  

Covid-19 sẽ biến đổi như dịch cúm

Có một sự đồng thuận ngày càng gia tăng rằng Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất như dịch bệnh SARS bùng phát vào năm 2003, khiến 8.000 người bị lây nhiễm ở khu vực châu Á.

Các bệnh nhân mắc SARS thường xuất hiện triệu chứng điển hình và rõ ràng. Do đó, một khi họ được cách ly để điều trị, sự lây nhiễm bị ngăn chặn. Nhưng virus SARS-CoV-2 thì khác. Nhiều người xuất hiện ít hoặc không xuất hiện triệu chứng nhiễm virus do đó các chuỗi lây truyền luôn tiềm ẩn và có khả năng gia tăng đột biến theo mùa giống như dịch cúm.

Nếu như những bệnh nhân mắc SARS không lây nhiễm trong thời kỳ ủ bệnh, thậm chí trong những ngày đầu bị bệnh, thì ngược lại SARS-CoV-2 rất dễ dàng lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh, khiến việc phát hiện và ngăn chặn sớm trở nên khó khăn hơn.

Trong cuộc họp báo hôm qua (14/5), ông Takeshi Kasai, Ông Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Chúng ta phải tìm cách sống chung với virus SARS-CoV-02. Virus này sẽ tồn tại trên thế giới cho đến khi nào chúng ta tìm ra loại vaccine an toàn và hiệu quả. Và đến lúc đó thì mọi người vẫn có nguy cơ lây nhiễm”.

Diễn biến khó lường hơn

Hiện nay có hơn 100 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu, nhưng các chuyên gia cho biết, phải mất ít nhất 1 năm mới có thể tìm được loại vaccine phù hợp để đưa vào sử dụng.

Bất chấp các nỗ lực ngăn chặn, làn sóng thứ 2 đang cho thấy sự nguy hiểm hơn và khó theo dõi hơn. Các nhà dịch tễ học tại Trung Quốc vẫn chưa thể lý giải làm thế nào một nhân viên giặt là 45 tuổi tại đồn cảnh sát ở thành phố Thư Lan, phía Bắc nước này bị mắc Covid-19 và sau đó lây nhiễm cho hơn 20 người.

Giới chức y tế Trung Quốc đang phân tích mẫu gien của virus thu được từ cụm bệnh nhân mới và so sánh với chủng virus thu được từ những du khách bị mắc bệnh trở về từ Nga để xem xét liệu có bất cứ mối liên quan nào hay không.

Quay trở lại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), sự xuất hiện của 6 trường hợp mắc Covid-19 tại địa phương trong tháng này đã khiến thành phố bắt tay thực hiện nhiệm vụ đầy tham vọng: chuẩn bị xét nghiệm cho toàn bộ 11 triệu người dân trong 10 ngày.

Hàn Quốc từng được coi là hình mẫu ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả mà không cần áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, một phần nhờ chiến dịch xét nghiệm hàng loạt  trong khi vẫn giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Tuy nhiên, chiến dịch xét nghiệm của nước này có thể đã đạt đến giới hạn. Hơn một nửa số người từng đến câu lạc bộ đêm – những nơi bùng phát ổ dịch mà nhà chức trách Hàn Quốc muốn xét nghiệm vẫn chưa thể tiếp cận được.

Bất chấp phản ứng nhanh chóng và nguồn lực y tế dồi dào, một số quốc gia vẫn phải vật lộn đối phó với dịch bệnh. Hơn nữa, sẽ có nhiều nước châu Á dễ bị tổn thương hơn khi dịch bệnh quay trở lại vì có nhiều khu dân cư đông đúc. “Mật độ dân số cao, đặc biệt là tại những khu nhà công cộng, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau. Đây là thách thức nghiêm trọng hơn mà châu Á phải đối mặt”, chuyên gia Thomas, Đại họ Hong Kong cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên