Châu Á có thể đặt cược gì vào Thượng đỉnh Nga – Mỹ?
VOV.VN - Theo Foreign Policy, nhiều quốc gia ở châu Á tin rằng vai trò độc lập của Nga sẽ khiến họ có nhiều "không gian" hơn để xoay xở khi cuộc đối đầu Mỹ - Trung trở nên gay gắt.
Tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung
Nếu như Trung Quốc theo dõi Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ sắp tới ở Geneva với thái độ lo ngại thì Ấn Độ lại ủng hộ cuộc gặp này của hai nhà lãnh đạo với hy vọng hai bên sẽ hòa hợp hơn. Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Ấn Độ để cân bằng với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á hoan nghênh sự hợp tác Nga - Mỹ. Nhiều quốc gia trong khu vực tin rằng vai trò độc lập của Nga sẽ khiến họ có nhiều "không gian" hơn để xoay xở khi cuộc đối đầu Mỹ - Trung trở nên gay gắt.
Cả Mỹ và Nga đều hạ thấp kỳ vọng về Hội nghị sắp tới và cho rằng nhiều vấn đề khác biệt sẽ cản trở quan hệ hai bên. Nếu như việc Trung Quốc lo ngại Mỹ kéo Nga khỏi ảnh hưởng của nước này là điều xa vời thì phần còn lại của châu Á kỳ vọng vào sự thiết lập lại về quan hệ Mỹ - Nga - Trung trong thời gian ngắn cũng là điều phi thực tế. Dù vậy, ngay cả mối liên kết lỏng lẻo của tam giác chiến lược này cũng đủ sức ảnh hưởng đáng kể đến địa chính trị châu Á.
Việc Tổng thống Biden tiến hành một Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Putin ngay trong thời gian đầu nhiệm kỳ của ông đã cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có cái nhìn mới về quan hệ với Nga, giữa bối cảnh ông tập trung vào việc đối phó với thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc và nhu cầu cần huy động sự ủng hộ của châu Âu trong cuộc cạnh tranh địa chính trị mới với Bắc Kinh.
Tổng thống Biden hiện đã sẵn sàng đảo ngược lập trường ở Washington rằng, Mỹ có thể và phải đối phó cùng lúc với Nga và Trung Quốc. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh hiện chặt chẽ tới mức chính quyền Tổng thống Biden khó có thể chia tách 2 nước này.
Bằng cách làm giảm căng thẳng với Nga, Tổng thống Biden sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để hướng châu Âu chú ý nhiều hơn tới châu Á và ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm cân bằng với Trung Quốc. Ấn Độ, cùng với Nhật Bản, cũng đang thúc đẩy các nỗ lực lôi kéo châu Âu, trong đó có Anh, quay trở lại trật tự an ninh châu Á. Trong khi Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên chủ chốt bắt đầu xây dựng hướng tiếp cận mới với Ấn Độ - Thái Bình Dương và thừa nhận những thách thức mang tính hệ thống từ Trung Quốc thì sự đóng góp tiềm năng của họ vào an ninh châu Á bị hạn chế bởi những lo ngại cận kề hơn từ Nga.
Sự nhượng bộ lớn giữa Nga và phương Tây rõ ràng sẽ phục vụ cho lợi ích cả hai nhưng không bên nào sẵn sàng đặt cược. Hầu như không có sự ủng hộ chính trị ở Mỹ về mối quan hệ tích cực với Nga cũng như không có sự nhất trí chung ở châu Âu về việc đối phó với Moscow như thế nào. Tuy nhiên, hiện nay, một khoảng nghỉ trong cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây cũng có thể chuẩn bị cho sự thay đổi địa chính trị Á - Âu trong tương lai bởi một châu Âu ít lo ngại về Nga sẽ đóng vai trò lớn hơn ở châu Á.
Nhiều nhà quan sát ở Washington hoài nghi về việc liệu Nga có thể đóng góp vào việc đem lại lợi ích cho phương Tây ở châu Á hay không. Mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc hiện nay đang ở mức cao và Moscow sẵn sàng thúc đẩy xu hướng này. Cấu trúc hợp tác của hai bên ngày càng sâu sắc và toàn diện. Thậm chí nếu Mỹ và châu Âu có đưa ra nhượng bộ lớn với Nga thì Moscow cũng không muốn đánh đổi bằng mối quan hệ hợp tác thương mại mạnh mẽ với Bắc Kinh.
Dù vậy, Nga vẫn chưa liên minh với Trung Quốc. Do vậy, nếu Nga duy trì quan hệ hòa bình với Mỹ và tìm kiếm sự thích ứng chính trị mới với châu Âu thì Moscow có lẽ sẽ phản ứng rõ ràng hơn trước lập trường của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như có vai trò độc lập hơn trong an ninh châu Á.
Ván cược trong quan hệ với các nước lớn
Việc Nga ít xích lại gần Trung Quốc là hy vọng mới của Ấn Độ và Nhật Bản giữa bối cảnh sự bất an của 2 nước này với Trung Quốc gia tăng trong những năm gần đây. Trong khi đó, nếu căng thẳng giữa Nga và phương Tây giảm bớt thì Tổng thống Biden sẽ có nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ấn Độ không còn lạ trong việc xoay xở quan hệ với tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung.
New Delhi tìm cách duy trì mối quan hệ thân thiết với Moscow sau tất cả những thay đổi trong các mối quan hệ nước lớn, từ việc Nga - Trung xích lại gần nhau cho tới mối quan hệ chiến lược mới giữa New Delhi và Washington. Tuy nhiên, sự thù địch ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga trong những năm qua khiến New Delhi bị hạn chế khả năng hành động.
Ấn Độ gặp thế khó trong việc cân bằng quan hệ với các nước lớn khi Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt lên nước này nếu New Delhi tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Điều này rõ ràng đã phủ bóng lên quan hệ đối tác Mỹ - Ấn, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.
Trong khi đó, New Delhi cũng gặp rắc rối với Moscow, vốn ngày càng không hài lòng trước quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc giữa Ấn Độ và Mỹ, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad) - một liên minh gồm Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản.
New Delhi còn lo ngại sâu sắc khi chính sách đối ngoại của Nga nhấn mạnh đến yếu tố Trung Quốc và cảnh giác trước những hậu quả dài hạn đối với an ninh Ấn Độ.
Trong khi quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục phức tạp, Ấn Độ và Nga đều muốn chừa đường lui cho mình. Nếu như New Delhi ngần ngại đứng về phía Moscow trong những tranh chấp với phương Tây thì Moscow cũng giữ thái độ trung lập trước những căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya.
Nếu như lợi ích của Ấn Độ là giữ quan hệ đối tác hiện tại với Nga thì Tokyo đang tìm cách xích lại gần Moscow mặc dù nỗ lực này tới nay vẫn chưa thành công. Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều coi sự trung lập hoặc sự ủng hộ của Nga có ý nghĩa quan trong trong nỗ lực khôi phục trạng thái cân bằng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, vốn đang mất cân bằng do những hành động quyết đoán của Trung Quốc.
Phần còn lại của châu Á cũng cởi mở với vai trò lớn hơn của Nga và muốn đưa Moscow vào trật tự đa phương trong khu vực. Cho tới nay, hầu như có rất ít tác động trong sự dịch chuyển của Nga sang châu Á. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi đáng kể nếu quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu ít đối đầu hơn, khi Moscow tự tách khỏi các chính sách của Bắc Kinh ở châu Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Liệu Nga có đóng vai trò lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương và điều này có đem lại lợi ích cho Mỹ, phương Tây và các nước châu Á còn lại trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán? Đây chính là câu hỏi khiến các bên theo dõi sát sao Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga trong tuần này để tìm kiếm những gợi mở mới trong quan hệ giữa các nước lớn hiện nay./.