Châu Á tăng chi tiêu quốc phòng: Dấu hiệu cho thấy an ninh khu vực đang xấu đi
VOV.VN - Bất chấp dịch bệnh Covid-19, nhiều quốc gia tại châu Á vẫn gia tăng chi tiêu quốc phòng nhằm đối phó với thách thức về an ninh trong khu vực.
Theo báo cáo thường niên “Quyết toán quân sự” (Military Balance) vừa công bố, chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu trong năm 2020 vào khoảng 1,83 nghìn tỷ USD, tăng 3,9% so với dự toán theo tình hình thực tế.
Báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh thực hiện cho biết, con số này chỉ thấp hơn một chút so với năm 2019. Tuy vậy, khi xét về tỷ lệ phần trăm theo GDP, chi tiêu quân sự trên toàn cầu đã tăng từ mức trung bình 1,85% vào năm 2019 lên 2,08% trong năm 2020.
Báo cáo lưu ý rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản lượng kinh tế toàn cầu đã giảm 4,4%. Bất chấp suy thoái kinh tế, chi tiêu quốc phòng năm 2020 vẫn ở mức gần bằng chi tiêu của năm 2019. Điều đó phản ánh cuộc cạnh tranh về an ninh ngày càng gia tăng giữa các quốc gia. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ không đảo ngược trong ngắn hạn vì không có gì đảm bảo rằng môi trường an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ sớm ổn định trong thời gian tới.
Đánh giá về mức chi tiêu quân sự trên toàn cầu, nhà phân tích chiến lược Fenella McGerty tại IHS Jane lưu ý, mức gia tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc chiếm 2/3 trong tổng mức gia tăng 3,9% chi tiêu nói trên. Ngân sách quốc phòng của Mỹ đã tăng 6,3% vào năm 2020 và mức tăng của Trung Quốc vào khoảng 5,2% vào năm 2020, thấp hơn 0,7% so với năm 2019.
Bà McGerty đánh giá, chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu có thể giảm vào năm 2021, riêng mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ vẫn giữ nguyên. Với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế đối với chi tiêu quốc phòng ở mức độ không đáng kể. Báo cáo “Quyết toán quân sự” chỉ ra rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, dù chỉ gia tăng ở mức 12 tỷ USD nhưng vẫn cao hơn so với “mức tăng ngân sách quốc phòng của tất cả các quốc gia châu Á khác gộp lại”. Nhà nhà chức trách Trung Quốc dự định tăng chi tiêu quân sự khoảng 6,6% trong năm 2021, mức tăng ít nhất trong 3 thập niên qua.
Tương tự, Ấn Độ cũng gia tăng chi tiêu quốc phòng cho giai đoạn 2021-2022. Trong ngân sách được công bố vào tháng 2/2021, chi tiêu quân sự của nước này đã tăng nhẹ từ 4,71 nghìn tỷ rupee cho giai đoạn 2020-2021 lên 4,78 nghìn tỷ rupee cho giai đoạn 2021-2022. Mức tăng này cho thấy, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chính phủ Ấn Độ vẫn dành ưu tiên lớn cho lĩnh vực quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng tại khu vực biên giới.
Trong bản chi tiêu sửa đổi năm 2020, quân đội Ấn Độ đã được nhận thêm 207,7 tỷ rupee để mua vũ khí khẩn cấp trong cuộc đụng độ tại thung lũng Galwan. Theo báo cáo Trọng điểm kinh tế Nam Á của Ngân hàng Thế giới, GDP của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm 9,6% trong năm tài chính 2020-2021, thấp hơn nhiều so với dự đoán được đưa ra vào tháng 6 năm ngoái.
Australia – một cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng gia tăng chi tiêu quốc phòng. Bất chấp dịch bệnh, Australia dự tính sẽ chi khoảng 42,75 tỷ đô la Australia, tương đương 2,19% GDP của nước này cho giai đoạn 2021-2022 và dành 2,38% GDP cho giai đoạn 2023-2024. Cùng với Nhật Bản và Ấn Độ, Australia cũng đang bị ảnh hưởng bởi các chính sách cứng rắn của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và kinh tế.
Mỹ cũng đang tỏ ra lo lắng về mức gia tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Theo báo cáo “Quyết toán quân sự” của IISS, chiến lược hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là lý do khiến Mỹ tăng cường chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) và mua sắm vũ khí. Các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương và sự hiện diện ngày càng gia tăng của nước này tại Vịnh Belgal, Biển Arab đã khiến các cường quốc hảng hải và nhiều quốc gia tại Đông Nam Á, nâng cao năng lực quân sự của họ.
Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã bắt đầu tăng chi tiêu quốc phòng. Singapore tăng mức chi tiêu, lên tới 11,56 tỷ USD. Philippines và Indonesia cũng thực hiện các bước đi tương tự. Theo một số nhà phân tích, hành vi mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đã thúc đẩy những quốc gia này ưu tiên cho vấn đề an ninh.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản đã thông qua khoản chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục 5,34 nghìn tỷ yên (51,7 tỷ USD) cho năm 2021. Mức ngân sách này tăng 0,5% so với năm 2020. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng liên tiếp trong 9 năm qua, nhằm đối phó với các mối đe dọa trong khu vực. Hành vi ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc cùng mối đe hoạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là một trong những lý do khiến Nhật Bản tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng.
Bên cạnh đó, Tokyo cũng tập trung thúc đẩy năng lực sẵn sàng ứng phó trong các cuộc chiến tranh phi quy ước như chiến tranh ngoài không gian, chiến tranh điện tử, chiến tranh không gian mạng. Đây cũng là những lĩnh vực mà Trung Quốc quan tâm, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc thông báo rằng sẽ chi 52,84 nghìn tỷ won (tương đương 48 tủ USD) cho lĩnh vực quốc phòng vào năm 2021, tăng 5,4% so với năm 2000.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong khu vực. Tuy vậy, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng cho thấy những thách thức về an ninh mà Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và các chính phủ tại Đông Nam Á đang phải đối mặt cũng rất lớn./.