Châu Âu cần làm gì để giảm phụ thuộc năng lượng Nga nếu chiến sự Ukraine tiếp diễn?
VOV.VN - Châu Âu đang chật vật để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và chấp nhận việc gián đoạn nguồn cung khí tự nhiên khi cuộc chiến ở Ukraine liên tục đẩy giá năng lượng lên những mức cao mới.
Châu Âu làm gì để giảm phụ thuộc vào Nga?
Giá khí tự nhiên đã cán mốc kỷ lục ngày 3/3 trong ngày thứ hai liên tiếp. Điều đó đồng nghĩa với việc túi tiền người dân sẽ tiếp tục chịu tổn thất khi giá năng lượng luôn ở mức cao do nguồn cung thấp. Những nhà kinh doanh đang "đối mặt với rủi ro do lệnh trừng phạt khi các cuộc giao tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn", Kaushal Ramesh, nhà phân tích cấp cao tại công ty Rystad Energy nhận định.
Giá khí đốt đã cao gấp 10 lần kể từ đầu năm 2021. Để chuẩn bị cho bất kỳ sự cắt giảm nào khi cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại và để giảm sự phụ thuộc vào Nga, các nước châu Âu đang tìm kiếm các nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng mới (LNG) vận chuyển bằng tàu.
Họ cũng đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng các trạm nhập khẩu khí đốt và đường ống để không phụ thuộc vào Nga, đồng thời trao đổi về việc cho phép các nhà máy điện than tiếp tục phát thải trong thời gian dài hơn miễn là điều đó giúp duy trì sự độc lập về năng lượng.
Tuy nhiên, nhiều biện pháp trong số đó sẽ phải mất vài tháng và trong trường hợp xây dựng các đường ống hay trạm nhập khẩu mới, việc này có thể kéo dài hàng năm. Câu trả lời về dài hạn cho vấn đề năng lượng ở châu Âu là sản xuất các nguồn năng lượng có thể tái tạo như gió và năng lượng mặt trời. Dù vậy, hiện nay, châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt để phục vụ cho các máy sưởi trong nhà, sản xuất điện và cung cấp cho các ngành công nghiệp như sản xuất phân bón.
Châu Âu, nhập khẩu gần 40% khí đốt từ Nga là một trường hợp khác so với Mỹ, vốn có thể tự sản xuất khí tự nhiên. Dù vậy, ủy viên phụ trách năng lượng EU Kadri Simson cho biết châu Âu "có những công cụ" để đối phó với bất kỳ biện pháp đáp trả nào từ Nga trong mùa đông này mặc dù việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung "dĩ nhiên vẫn là một thách thức".
Đức đang chi 1,5 tỷ euro (tương đương với 1,66 tỷ USD) để mua thêm LNG. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 27/2 đã đề xuất xây dựng 2 trạm nhập khẩu LNG, vài ngày sau khi ngăn chặn việc hoàn thành dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang châu Âu.
Các nước EU đang xây dựng một kế hoạch dự trữ khí đốt chiến lược và thiết lập các yêu cầu dự trữ nhất định. Các nhà chức trách cũng đang hối thúc các quốc gia ký các thỏa thuận chia sẻ khí đốt trong những trường hợp khẩn cấp.
Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp vào tuần tới để các chính phủ có thể tiến hành. Cơ quan Năng lượng Quốc tế đặt tại Pháp cho biết hôm 3/3 rằng các biện pháp nhằm ứng phó với việc lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga có thể bị cắt khoảng 1/3 vào năm nay bao gồm: duy trì các hợp đồng khí đốt với Nga cho đến khi hết hạn, tìm kiếm nguồn cung mới từ các đối tác như Na Uy và Azerbaijan, thực hiện các yêu cầu dự trữ tối thiểu, tối đa hóa việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân còn lại và hỗ trợ tiền cho những khách hàng chịu thiệt hại.
Đan Mạch đã tiến hành xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt từ Na Uy - một nguồn cung lớn khác của châu Âu, tới Ba Lan sau khi giấy phép cho dự án này bị tạm dừng vào năm ngoái.
"Chúng tôi đã nhất trí với các nhà thầu rằng họ sẽ triển khai thêm máy móc và nhân lực cho công việc này. Chúng tôi sẽ đặt ra nhịp độ thực hiện và hoàn thành sớm nhất có thể”, giám đốc dự án Søren Juul Larsen thuộc công ty Energinet cho hay.
Kế hoạch Energinet cho đường ống Baltic sẽ hoạt động một phần vào 1/10 và vận hành toàn bộ vào 1/1 với sức chứa lên tới 10 tỷ mét khối khí đốt/năm.
Điều gì xảy ra nếu nguồn cung năng lượng từ Nga sang châu Âu bị cắt hoàn toàn?
Theo các nhà phân tích tại viện nghiên cứu Bruegel tại Brussels, việc châu Âu cắt giảm hoàn toàn khí đốt vào mùa đông tới là điều có thể thực hiện được nhưng sẽ rất khó khăn do liên quan đến các khoản chi phí bổ sung và việc dự trữ bắt buộc.
Cho tới nay, các lệnh trừng phạt trên diện rộng của phương Tây vẫn chừa dầu mỏ và khí đốt trong khi chúng nhắm tới cả những ngân hàng Nga và khả năng tương tác của những tổ chức này với hệ thống tài chính phương Tây. Những ngoại lệ cụ thể cũng bao gồm cả các giao dịch về năng lượng. Các quan chức phương Tây cho biết họ đang cố gắng tránh làm tổn thất nền kinh tế và các khách hàng của mình khi trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đang tấn công gián tiếp vào dầu mỏ từ Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và chiếm khoảng 25% nguồn cung cho châu Âu. Một số nhà kinh doanh dầu đã tránh mua dầu thô Nga những ngày gần đây do lo ngại rằng nếu lệnh trừng phạt áp lên ngành năng lượng Nga, lượng dầu đã mua của họ sẽ không thể sử dụng được nữa.
Việc cắt hoàn toàn nguồn cung từ Nga từ lâu đã được cho là khó xảy ra, đặc biệt là với khí đốt, bởi điều đó sẽ khiến Nga mất đi những khách hàng lớn nhất ở châu Âu và doanh thu khoảng 300 triệu USD/ngày.
Các quan chức Nga đã nhấn mạnh họ không có ý định cắt nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, đồng thời khẳng định vai trò của mình như một nhà cung cấp đáng tin cậy. Tuy nhiên, một tình thế khó khăn đặt ra là, trong khi các nước phương Tây trừng phạt các ngân hàng Nga thì có vẻ như châu Âu tiếp tục ủng hộ Nga qua các thương vụ mua bán năng lượng.
Mỹ "rất cởi mở" với việc trừng phạt ngành năng lượng và khí đốt Nga nhưng đang cân nhắc đến những chi phí tiềm năng với người Mỹ, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.
"Chúng tôi đang cân nhắc việc này. Nó đã được thảo luận nhiều trên bàn đàm phán nhưng chúng tôi cần cân nhắc tất cả những tác động mà nó sẽ gây ra. Chúng tôi đang cố gắng để không khiến bản thân chịu tổn thất. Chúng tôi đang cố gắng gây tổn thất cho nền kinh tế Nga”.
Trong khi châu Âu vô cùng dễ bị ảnh hưởng về ngắn hạn trước khi các nước này có thể sản xuất đủ nguồn năng lượng tái tạo thì giới quan sát cho rằng, Nga sẽ tổn thất về dài hạn trước lệnh cấm vận./.