Châu Âu đang tan ra từng mảnh
VOV.VN - "Hôn mê sâu”, “cái chết lâm sàng”... là những từ ngữ đang được dùng để nói về châu Âu trước nguy cơ châu lục này đang tan ra từng mảnh.
Những từ ngữ tệ hại nhất đều đã được dùng. Trong phiên Thượng đỉnh cuối năm 2015, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker nói “châu Âu đang hôn mê sâu” còn đến đầu năm 2016, sau vài phiên họp đầu tiên, đến lượt Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói về “cái chết lâm sàng”. Thực ra thì khi thực tế quá phũ phàng như hiện nay, không có từ ngữ nào là quá đáng cả.
Dòng thác tị nạn từ Trung Đông, châu Phi đổ về châu Âu đang là lý do khiến khối này chia rẽ. Ảnh: TTXVN
Sự sợ hãi đang chế ngự toàn bộ châu Âu và mỗi nước thành viên Liên minh châu Âu đang hành động theo cách của riêng mình. Cuộc họp mới nhất về khủng hoảng tị nạn, giữa các Bộ trưởng Nội vụ EU, diễn ra cuối tuần trước là một thất bại thê thảm. Những bất đồng gay gắt bùng nổ, đan chéo nhau như một cảnh hỗn loạn không kiểm soát. Không chỉ giữa phần phía Tây với phần phía Đông mà còn giữa những nước vốn là bạn bè, anh em hữu hảo.
Pháp – Bỉ hục hặc vì sự kiện Pháp giải tán “rừng Calais” khiến đám đông tị nạn chạy sang Bỉ buộc Bỉ dọa đóng cửa biên giới. Đức-Áo nặng lời chỉ trích nhau vì quy định mà Vienna đơn phương đặt ra về “quota” tị nạn mà Áo tiếp nhận mỗi ngày. Nghiêm trọng hơn, là đổ vỡ về mặt ngoại giao và tổ chức. Hy Lạp triệu hồi Đại sứ nước mình tại Vienna về nước để phản đối Áo và dọa sẽ phủ quyết mọi quyết định của EU về bất cứ vấn đề gì nếu Liên minh không giúp nước này thoát khỏi tình cảnh nghẹt thở vì dân tị nạn và buộc những quốc gia như Áo, Macedonia hay Hungary… mở cửa biên giới.
Từ phía Athens, đó là lời kêu gọi vô vọng. Bị tê liệt bởi con số 102.000 dân tị nạn đã đặt chân đến Hy Lạp chỉ trong 2 tháng đầu năm, trước đó Áo đã tổ chức một cuộc họp với các nước Balkans (và không mời Hy Lạp tham dự) để đưa ra quyết định đóng cửa biên giới, cấp “quota” nhỏ giọt mỗi ngày, kể cả cho dân nhập cư chứ không chỉ dân tị nạn. Với Áo, con số đó là 3.200 người/ngày. Slovakia lập tức theo chân: 580 người/ngày. Đó là những quyết định xem như Brussels không tồn tại, bất chấp nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh hoàng trên đất Hy Lạp.
Liên minh đang không có những lí lẽ đủ mạnh để buộc các thành viên đặt lợi ích chung lên trước lợi ích quốc gia. Ngày càng nhiều nước không mặn mà với một giải pháp chung của cả 28 thành viên. Bắt đầu từ Hungary cuối 2015, lần lượt Áo, Slovakia, rồi đến Đan Mạch, Thụy Điển… đều đang tự hành động theo cách của riêng mình. Sắp tới, Thủ tướng Hungary Viktor Orban còn tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc tái định cư dân tị nạn trên đất mình, bất chấp phản đối gay gắt từ Berlin, nơi bà Angela Merkel ngày càng trở nên lạc lõng và bị đe dọa bởi các xu hướng phản đối dâng cao trong dân chúng Đức.
Châu Âu đến thời điểm này, xem như thất bại toàn diện trước làn sóng tị nạn. Giờ chỉ còn 2 hy vọng để sớm chấm dứt cơn ác mộng: cuộc họp thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/3 và việc NATO đưa quân đội nhập cuộc để kiểm soát các vùng biên giới ngoại vi. Nói cách khác, là đã đến lúc dùng đến vũ lực, dù có thể đã là quá muộn.
Đến lúc ngồi lại với Nga
Nhưng đặt cược vào nhiệt tình, được đổi bằng tiền và nhượng bộ chính trị, của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn dòng tị nạn Syria ở lại biên giới nước này là một sự rủi ro lớn không kém. Đây đang là những ngày tháng khó khăn nhất với Ankara khi liên tục bị khủng bố tấn công, nguy cơ bùng nổ nội chiến và leo thang xung đột quân sự với Nga ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vào tình huống không kiểm soát nổi các xung đột và căng thẳng của chính mình nên hy vọng nước này dốc sức chặn đứng dòng tị nạn cho châu Âu là thiếu thực tế.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ cần tiền mà còn cần nhiều hơn thế: bãi bỏ visa, mở lại đàm phán gia nhập EU. Với nhiều nước thành viên EU (như đảo Síp), đây từ lâu là những điều cấm kị, nếu không muốn nói là không thể nhân nhượng. Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm này, vì thế, chỉ mang tính giải pháp tình thế, không bền vững và cũng không trọn vẹn.
Phải đi đến tận cùng của nguồn cơn khủng hoảng, đó là cuộc chiến tại Syria và cụ thể hơn là mối quan hệ EU-Nga. Hai bên đang trong một cuộc chiến mà cả hai đều thiệt hại nặng nề. Nếu những lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế và rút vốn đầu tư từ châu Âu đẩy nước Nga vào cơn bĩ cực kinh tế thì các cuộc không kích “mù mờ” và chiến dịch bom đạn của Nga ở Syria nhấn châu Âu chìm trong ác mộng tị nạn.
Mục đích lớn nhất của Vladimir Putin khi đưa quân sang Syria không phải là một vài căn cứ quân sự ở đất nước này, cũng không phải là sinh mạng chính trị của Bashar Al-Assad. Những điều này đều quan trọng về mặt địa chính trị nhưng không phải là gốc của bức tranh tổng thể. Putin dùng Syria như một quân cờ để phá thế cô lập ngoại giao, tạo ra một trật tự an ninh mới có thể gây hại trực tiếp đến phương Tây, đặc biệt là châu Âu.
Và Putin đang thành công. Cục diện Syria giờ đây không còn có thể giải quyết mà không có người Nga. Thậm chí, nhịp điệu của cuộc chơi là do Moscow quyết định. Báo chí và các cơ quan an ninh phương Tây nhiều lần đưa ra bằng chứng Nga không kích “lung tung” để tạo ra sự hỗn loạn từ Syria. Nhưng với lý lẽ đơn giản “bom đạn vô tình” của thời chiến, Moscow có thể không cần bận tâm đến những cáo buộc này. Điều quan trọng là thực địa và thực chiến.
Khi Nga và các lực lượng của Al-Assad tiến mạnh trên chiến trường, họ có quyền lớn tiếng trên bàn đàm phán. Khi bom đạn từ máy bay Nga khiến thường dân Syria hoảng loạn chạy nạn khỏi đất nước, những người phải lo đầu tiên là Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Những ai biết Putin thì đều không xa lạ gì với những tình huống này.
Trong khủng hoảng Ukraina, khi Putin, Merkel, Hollande và Porochenko hội đàm ở Minsk, phiến quân Donbass nung cháy chảo lửa Debaltsevo để tạo cú đấm quyết định trên bàn đàm phán. Điều tương tự vừa diễn ra ở Aleppo ngay trước Hội nghị Syria. Nói một cách cay đắng như Thượng nghĩ sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, tại Hội nghị an ninh Munich vài tuần trước thì đó là kiểu “ăn mãi thành quen”.
Bàn cờ chiến lược này không có chỗ cho những phán xét đạo đức mà chỉ đơn thuần là chuyện lợi ích quốc gia. Lợi ích của châu Âu là tìm lại sự ổn định, đoàn kết và tăng trưởng. Lợi ích của Nga là thoát khỏi thế bao vây cô lập để vực dậy nền kinh tế đang có nguy cơ sụp đổ.
Lợi ích của hàng triệu dân tị nạn Syria là được trở về và sống yên bình nơi bản quán. Để những lợi ích đó tìm được tiếng nói chung trước khi những thiệt hại không thể sửa chữa diễn ra, châu Âu và Nga cần quay lại nói chuyện cùng nhau. Châu Âu cần Nga và ngược lại. Cứ lao theo đà trả đũa nhau không có điểm dừng như hiện nay, cả hai đều thua rất lớn./. Thiếu chiến lược thống nhất về người tị nạn, châu Âu thêm chia rẽ