Châu Âu lộ "gót chân Asin" khi viện trợ xe tăng cho Ukraine

VOV.VN - Gần 1 tháng sau khi Đức cho phép các đồng minh châu Âu cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do nước này sản xuất cho Ukraine, quá trình chuyển giao vẫn diễn ra một cách chậm chạp.

Châu Âu thiếu đầu tư cho quân đội

Một số quốc gia phát hiện ra rằng, những chiếc xe tăng có trong kho vũ khí của họ không sẵn sàng hoạt động hoặc thiếu phụ tùng thay thế. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã vấp phải sự phản đối bất ngờ ngay chính trong liên minh của họ, thậm chí từ các cơ quan quốc phòng. Quân đội của một số nước thậm chí phải điều động cả những chuyên gia quân sự đã nghỉ hưu để dạy binh sỹ Ukraine cách vận hành xe tăng.

Quá trình đấu tranh để cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine đã phơi bày một thực tế mà châu Âu dường như lãng quên từ lâu: các trận đánh trên bộ quy mô lớn vẫn là một phần quan trọng của cuộc xung đột hiện đại và nhiều quốc gia đã thiếu đầu tư cho quân đội kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Chính vì thế khi cuộc xung đột lớn nhất xảy ra trên lục địa châu Âu kể từ Thế chiến 2, họ chưa có sự phòng bị kỹ càng.

Vấn đề về thiếu vũ khí, đạn dược đối với châu Âu đã nảy sinh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng giờ đây, mức độ khó khăn càng trở nên rõ ràng hơn khi Đức và đồng minh tìm cách tập hợp đủ số lượng 62 chiếc xe tăng Leopard 2 để cung cấp cho Ukraine.

Trong nhiều tuần qua, Thủ tướng Olaf Scholz đã chịu áp lực mạnh mẽ từ nhà lãnh đạo Ukraine, các chính trị gia châu Âu và nhiều chuyên gia an ninh về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine cũng như cho phép các quốc gia khác gửi xe tăng do Đức sản xuất tới quốc gia này. Cuối cùng, ông đã phải đồng ý bất chấp lo ngại rằng quyết định này có thể gây leo thang căng thẳng với Nga.

Châu Âu hiện giờ đã đạt được sự đồng thuận rõ ràng về cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard cho Ukraine, nhưng quá trình chuyển giao đang diễn ra một cách chậm chạp. Châu Âu ước tính có khoảng 2.000 xe tăng Leopard 2 thuộc nhiều phiên bản khác nhau. Đây là một trong những mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng phổ biến nhất trên khắp lục địa. Tuy vậy, các quốc gia chỉ cam kết cung cấp cho Ukraine với số lượng rất ít, chẳng hạn Đức chỉ chuyển giao 18 chiếc còn Ba Lan chuyển giao 14 chiếc, trong khi Kiev nói rằng họ cần hàng trăm chiếc xe tăng để đối phó với các cuộc tấn công trên bộ của Nga. Vẫn chưa rõ, trong trường hợp những chiếc xe tăng này bị bắn hạ hoặc gặp trục trặc trên chiến trường, những quốc gia nào sẽ sẵn sàng thay thế chúng.   

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 vừa qua, Bộ trường Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Một số quốc gia thông báo đã hoặc sẽ thực hiện việc chuyển giao, nhưng vẫn còn nhiều quốc gia chưa đưa ra cam kết. Đây là điều khiến tôi ngạc nhiên. Rõ ràng họ được bật đèn xanh nhưng họ không sẵn sàng làm điều đó”.

Một số quan chức của Đức và châu Âu tham gia cuộc đàm phán về chuyển giao xe tăng cho Ukraine nói rằng, tình hình ngày càng phức tạp hơn. Nhiều nước châu Âu vẫn ngần ngại là bởi họ đang gặp khó khăn. Chẳng hạn Phần Lan – nước có đường biên giới chung với Nga dài hơn 1.300km, hiện chưa chính thức gia nhập  NATO, không muốn làm suy yếu khả năng phòng thủ của họ. Thụy Điển thì lại đối mặt với vấn đề khác. Các chính trị gia của nước này muốn cung cấp xe tăng cho Ukraine còn quân đội thì không. Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều nước châu Âu cho rằng, xung đột đã lùi sâu vào quá khứ vì thế họ thường liên tục giảm ngân sách quốc phòng, dẫn đến việc thu hẹp quy mô quân đội. Hiện giờ, khi xung đột kề bên, họ có xu hướng bảo toàn các nguồn lực quân sự sẵn có.

Thách thức về tân trang và bảo trì

Tây Ban Nha – nước có 108 xe tăng Leopard 2A4, đã đề nghị Đức cấp phép để cung cấp một số xe tăng này cho Ukraine. Nhưng giới chức Tây Ban Nha cho biết, nhiều xe tăng hiện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và cần phải được tân trang lại. Quá trình này có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Ulrike Franke, một nhà phân tích quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho rằng, nỗ lực tìm kiếm và tập hợp xe tăng gửi cho Ukraine đã đặt ra những câu hỏi lớn về tình trạng thiếu hụt trang thiết bị và vấn đề bảo trì đối với quân đội các nước châu Âu.

Ba Lan có khoảng 200 xe tăng Leopard 2 – nhưng nước này cho biết sẽ chỉ cung cấp 14 chiếc cho Ukraine. Một số nhà phân tích cho rằng, Ba Lan có thể kéo dài việc chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine cho đến khi nhận được xe tăng K2 mới do tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc sản xuất, nhằm thay thế mẫu xe của Đức. Trước đó, Ba Lan đã gửi nhiều xe tăng T-72 nâng cấp cho Kiev, song vẫn chưa hoàn tất quá trình đào tạo cho binh sỹ Ukraine.

Khó khăn trong sản xuất vũ khí

Ngay cả việc cung cấp những chiếc xe tăng Leopard 1 cũ hơn cũng đối mặt với nhiều thách thức. Hà Lan, Đức và Đan Mạch đã đưa ra một sáng kiến chung, theo đó sẽ tân trang và gửi 150 chiếc Leopard 1 tới Ukraine vào cuối năm nay. Nhưng tại buổi huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine ở Đức vào đầu tuần này, một quan chức quân đội cho biết họ buộc phải tìm kiếm những cựu binh từng lái xe tăng Leopard 1 để giúp huấn luyện các lực lượng Ukraine, bởi những chiếc xe tăng cũ quá xa lạ với quân đội của họ.

Một vấn đề khác là chính phủ các nước châu Âu và ngành công nghiệp quốc phòng của họ đang rơi vào tình trạng bế tắc trong sản xuất vũ khí. Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn ngành công nghiệp quốc phòng đẩy mạnh sản xuất vũ khí, còn lãnh đạo doanh nghiệp muốn có đơn đặt hàng dài hạn của chính phủ trước khi gia tăng công suất.

Các chuyên gia an ninh cho biết, với tốc độ sản xuất như hiện nay, quân đội các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu xe tăng nghiêm trọng trong vòng 2 đến 3 năm tới trước khi ngành công nghiệp quốc phòng chế tạo những phương tiện mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tên lửa không đối không mang lại sức mạnh áp đảo cho Nga trên chiến trường
Tên lửa không đối không mang lại sức mạnh áp đảo cho Nga trên chiến trường

VOV.VN - Dù gặp khó khăn khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất nhưng lực lượng không quân Nga lại rất thành công trong việc bắn hạ các mục tiêu trên không.

Tên lửa không đối không mang lại sức mạnh áp đảo cho Nga trên chiến trường

Tên lửa không đối không mang lại sức mạnh áp đảo cho Nga trên chiến trường

VOV.VN - Dù gặp khó khăn khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất nhưng lực lượng không quân Nga lại rất thành công trong việc bắn hạ các mục tiêu trên không.

Nga dội hỏa lực vào các mục tiêu Ukraine, Kiev tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ Nga
Nga dội hỏa lực vào các mục tiêu Ukraine, Kiev tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ Nga

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/2 cho biết quân đội nước này đã tấn công các mục tiêu của Ukraine từ nhiều hướng, trong khi không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga.

Nga dội hỏa lực vào các mục tiêu Ukraine, Kiev tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ Nga

Nga dội hỏa lực vào các mục tiêu Ukraine, Kiev tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ Nga

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/2 cho biết quân đội nước này đã tấn công các mục tiêu của Ukraine từ nhiều hướng, trong khi không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga.

UAV lợi hại nhất của Nga bị nghi sử dụng công nghệ phương Tây
UAV lợi hại nhất của Nga bị nghi sử dụng công nghệ phương Tây

VOV.VN - Các nhà phân tích cho rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Nga vẫn có thể vận hành hàng loạt UAV Orlan-10 trên lãnh thổ Ukraine nhờ một số công nghệ do phương Tây sản xuất.

UAV lợi hại nhất của Nga bị nghi sử dụng công nghệ phương Tây

UAV lợi hại nhất của Nga bị nghi sử dụng công nghệ phương Tây

VOV.VN - Các nhà phân tích cho rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Nga vẫn có thể vận hành hàng loạt UAV Orlan-10 trên lãnh thổ Ukraine nhờ một số công nghệ do phương Tây sản xuất.