Châu Âu năm 2020: Khủng khiếp và thay đổi sâu sắc
VOV.VN - “Annus horribilis” (Năm khủng khiếp) và “annus mutandis” (Năm đổi thay) là 2 từ định nghĩa nên châu Âu trong năm 2020.
2020 có thể là năm đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng đối với Liên minh châu Âu, như năm 1992 khi ra đời Hiệp ước Maastrich hay năm 2000 khi đồng tiền chung châu Âu – euro chính thức lưu hành.
Annus horribilis – Năm khủng khiếp
Năm 1992, khi từ “annus horribilis” - có nghĩa là “năm khủng khiếp” trong tiếng Latin, lần đầu tiên được Nữ hoàng Anh Elizbeth II sử dụng để nói về quá nhiều sóng gió vừa trải qua trong năm, điều đó chỉ đúng với Hoàng gia Anh. Với châu Âu, 1992 là năm tươi đẹp của Hiệp ước Maastrich, thiết lập nền tảng xây dựng Liên minh châu Âu thành một khối lớn mạnh.
Chỉ có điều, từ “annus horribilis” đã và đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với châu Âu trong vài năm qua. 2008 là năm của khủng hoảng tài chính – annus horribilis; 2012 là năm của khủng hoảng nợ công Hy Lạp – annus horriblis. Đỉnh điểm là 2015, khi làn sóng hàng triệu người tị nạn ập về châu Âu và nước Pháp trải qua những đợt khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại châu Âu, “annus horribilis” đã trở thành từ của năm.
Nhưng 2020 có thể còn đẩy tầm vóc của từ này lên một mức độ cao hơn. 2020 không chỉ là năm khủng khiếp mà còn là năm lịch sử, năm của một sự kiện nghiêm trọng có thể thay đổi dòng chảy thời đại ở lục địa già.
Đại dịch Covid-19 là tất cả những gì để nói về châu Âu trong năm 2020 và có thể cả năm 2021 bởi ở thời điểm này, châu Âu vẫn đang ngụp lặn trong vòng quay “stop&go” của phong tỏa và tái phong tỏa. Châu lục vốn tự hào về hệ thống y tế và an sinh xã hội ưu việt hiện đang là khu vực có số người tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ Latin với số ca mắc bệnh cao ngất ngưởng mỗi ngày. Những hình ảnh về các đoàn xe quân sự chở xác người ở Italy hay nhà thi đấu thể thao biến thành nhà xác ở Tây Ban Nha sẽ còn ám ảnh châu Âu một thời gian dài.
Covid-19 phơi bày tất cả những yếu kém hệ thống của châu Âu, từ thái độ ngạo nghễ thiếu chuẩn bị, sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng từ châu Á, cho đến phản ứng hoảng loạn khi đại dịch ập đến. Về cơ bản, châu Âu đã tê liệt trong các tháng đầu 2020. Theo thời gian, các báo cáo điều tra và nghiên cứu khoa học được các Nghị viện và Viện nghiên cứu các nước công bố đều chỉ ra rằng, mầm bệnh đã xuất hiện tại châu Âu từ cuối 2019 nhưng kể cả khi đã có tấm gương Trung Quốc và lời cảnh báo từ giới khoa học, các chính phủ vẫn không phản ứng đúng đắn, phần vì các tính toán chính trị, phần vì sự quan liêu.
Đến giờ này, 2020 là một năm “vứt đi” toàn diện với châu Âu về mặt kinh tế. Các số liệu kinh tế đang ở thời điểm tệ hại nhất trong lịch sử. Tất cả các cường quốc kinh tế châu Âu, từ Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha và kể cả nước Đức vững vàng… đều sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, với các con số dao động từ âm 7% đến âm 12%. Nếu không muốn nhìn vào các con số thì có thể hình dung mức độ tàn khốc của năm 2020 qua câu nói rất ngắn của Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, rằng “kinh tế Anh suy giảm mạnh nhất trong vòng 300 năm”. Nói cách khác, đây không chỉ là một sự kiện 1 thế kỷ mà còn là cột mốc của 3 thế kỷ.
Tất cả mọi nước đều ồ ạt tung tiền, vay nợ tương lai để vượt qua sóng gió. Mọi kỷ luật ngân sách giờ đều không còn giá trị khi nợ công nhiều nước vượt quá 100% GDP và thâm hụt ngân sách cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất, là với các làn sóng dịch 1-2-3 ập đến dồn dập và hy vọng về vaccine vẫn đang mong manh, không ai biết khi nào tất cả những điều này sẽ chấm dứt. Sự tự hào trong nhiều năm trời của châu Âu về một mô hình phát triển cao và nhân văn đã bị Covid-19 vùi dập một cách khốc liệt.
Annus mutandis – Năm đổi thay
Nhưng 2020 không phải là một thất bại toàn diện với châu Âu về chính trị. Ở một khía cạnh nào đó, nó thậm chí là một thành công.
Đầu tháng 7/2020, lãnh đạo 27 nước EU mất 4 đêm họp liên tiếp tại Brussels, với hơn 92 giờ đàm phán căng thẳng đến mức gần đổ vỡ để có thể đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử, tung ra gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro.
Đằng sau số tiền khổng lồ này là những ý nghĩa còn quan trọng hơn. Việc lần đầu tiên toàn bộ 27 nước EU vay nợ chung – trả nợ chung đồng nghĩa với việc 27 nước ký vào một hợp đồng chia sẻ chung vận mệnh trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ trước mắt. Đây là một cam kết chính trị chưa từng có trong nhiều thập kỷ mà EU phát triển lớn mạnh nhưng cũng đồng thời tạo ra các chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm nước, Tây-Bắc Âu, Đông Âu, Nam Âu.
Kể từ sau thời điểm đó, EU đang đi những bước nhanh hơn. 10 năm trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu mất gần 2 năm mới can thiệp vào cuộc khủng hoảng nợ công. Trong hè này, tất cả chỉ mất 20 ngày, với các chính sách tiền tệ không thể hình dung trước đó vài tháng.
Tối 10/12/2020 tại Brussels, cũng là cuộc họp của lãnh đạo 27 nước châu Âu nhưng các đối thoại mất không quá 92 phút để đưa ra quyết định rằng Ba Lan và Hungary sẽ từ bỏ lời đe dọa phủ quyết gói tài chính 750 tỷ euro và ngân sách gần 1.100 tỷ euro cho 7 năm sắp tới. Sự trì trệ từng là đặc tính của châu Âu chưa biến mất hoàn toàn nhưng đang dần bị lấn át bởi sự quyết đoán.
Đây là một thay đổi sâu về nhận thức và là một sự trưởng thành của châu Âu về mặt địa chính trị. Hai lần đối thoại cấp cao với Trung Quốc trong năm 2020 cho thấy điều đó, khi châu Âu đã không còn ngần ngại trong việc tỏ một thái độ cứng rắn và chỉ trích mạnh hơn đối với những hành động của Trung Quốc mà châu Âu xem như đi ngược lại với giá trị và lợi ích của mình. Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại sống còn, nhưng giờ đây cũng là một đối thủ hệ thống có tính triệt tiêu. Sự vùi dập của Covid-19 đã cho châu Âu can đảm để công khai điều đó. Và thông điệp tương tự cũng được gửi đến Washington, trong lúc chờ Nhà Trắng có một chủ nhân mới.
Với châu Âu, annus 2020, vì thế, không chỉ toàn những điều khủng khiếp – horribilis. Đó còn là annus mutandis – năm của những đổi thay sâu sắc./.