Châu Âu phấp phỏng đón Donald Trump tại Thượng đỉnh NATO

VOV.VN-Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã chuẩn bị tinh thần phải nghe Tổng thống Trump “thuyết giảng” về chi tiêu quốc phòng và có thể tệ hơn thế nữa.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương diễn ra trong 2 ngày (11-12/7) ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu Âu không dám chắc rằng họ sẽ phải đối mặt với Donald Trump nào: một Tổng thống Mỹ sẵn sàng trút hàng loạt phát ngôn giận dữ với đồng minh nhưng không thực sự gây tổn hại cho tổ chức này; hay một người có thể khơi mào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 69 năm qua của NATO? Rõ ràng, họ phải chuẩn bị cho phương án tồi tệ nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (khoanh tay) khi ngồi giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2017. (Ảnh: AFP)

“Giống tố” ở Brussels

Trước thềm Thượng đỉnh, Đại sứ Mỹ tại NATO, ông Kay Bailey tuần trước khẳng định với báo giới rằng, ưu tiên hàng đầu của của Tổng thống Donald Trump trong chương trình nghị sự tại Bỉ lần này không gì khác ngoài vấn đề chia sẻ gánh nặng tài chính.

“Vẫn luôn là các cuộc thảo luận về việc chia sẻ gánh nặng tài chính” - ông Jan Oberg, Giám đốc Quỹ xuyên quốc gia về nghiên cứu hòa bình và tương lai (TFPF) nhận định. Nhưng theo ông, “bất cứ ai nghiên cứu vấn đề này đều hiểu rằng nước Mỹ có mặt ở châu Âu là để bảo vệ cho chính họ bởi đó là vị trí phòng thủ tuyến đầu”.

Kể tử khi NATO thành lập năm 1949 đến nay, Mỹ vẫn là lực lượng áp đảo trong liên minh, nước đóng góp nhiều nhất cả về tài chính, nhân sự và trang thiết bị với việc chi tiêu tới 3,58% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng (theo số liệu của NATO năm 2017).

Trong khi đó, đến nay chỉ có 5 thành viên khác của NATO đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng theo thỏa thuận tại Thượng đỉnh năm 2014 là Hy Lạp (2,32%), Anh và Estonia (2,14%), Romania (2,02%) và Ba Lan (2,01%).

Những nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) lại không đáp ứng được mục tiêu đó, như Pháp (1,22%), Đức (1,79%), Italy (1,13%) và Tây Ban Nha (0,92%). Đức không chịu nhượng bộ ông Trump khi chỉ chấp nhận tăng chi tiêu quốc phòng một cách rất khiêm tốn. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, phải đến năm 2025 nước này mới đạt mục tiêu 2% mà NATO đề ra.

Vì thế, chuyện ông Trump “thuyết giảng” cho các đồng minh về việc phải tăng chi tiêu quốc phòng dường như không còn là điều gì mới mẻ nữa.

Lần này, Tổng thống Mỹ có thể sẽ đi xa hơn bằng việc rút Mỹ khỏi một, thậm chí là một vài cuộc tập trận chung của NATO, hoặc nhẹ nhàng cũng là trì hoãn triển khai quân và chuyển giao một số trang thiết bị quân sự cho châu Âu nhằm thể hiện sự không hài lòng của ông.

Tổng thống Trump cũng có thể tìm kiếm một thỏa thuận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki (Phần Lan) tuần tới mà không tham vấn trước với các đồng minh NATO.

Châu Âu chọn nhũn nhặn hay cứng rắn?

Thế nhưng ngay cả những người lo lắng nhất cũng tin rằng NATO, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, sẽ vượt qua cơn “bĩ cực” này. Họ tin rằng 2 ngày Thượng đỉnh có thể đầy ắp “giông tố” nhưng liên minh này quá quan trọng với tất cả các bên nên không thể tan vỡ.

Quân đội Mỹ cực kỳ coi trọng NATO và sẽ kháng cự lại bất cứ động thái nào như trên của Tổng thống Trump. Và kể cả trong trường hợp khó xảy ra nhất là ông Trump muốn rút Mỹ khỏi liên minh này thì điều đó cũng không dễ dàng.

“Phần lớn chính sách của Tổng thống Trump trong 18 tháng đầu là quyết định hành chính nhưng NATO thì khác” - Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO (2013-2017), Douglas Lute nhận định. “NATO là một hiệp ước trách nhiệm của nước Mỹ. Nó được thông qua bởi đa số hơn 2/3 Thượng viện Mỹ theo quy định của Hiến pháp. Bất cứ thay đổi cấu trúc nào cũng phải trải qua tiến trình tương tự. Vì thế, không phải đơn giản là bất cứ Tổng thống nào, dù là ông Trump hay ai, có thể rút Mỹ khỏi một hiệp ước trách nhiệm”.

Cựu Tổng thư ký NATO George Robertson từng chứng kiến các Tổng thống Mỹ trước đây, Bill Clinton và George W. Bush, hoài nghi về NATO giống như ông Trump nhưng cuối cùng vẫn phải thừa nhận giá trị của liên minh này.

“Chúng ta có thể có rất nhiều liên minh nhưng không gì có thể đánh bại liên minh vĩnh cửu, mà ‘tình cờ’ đó lại là NATO” – ông George Robertson cho biết.

Mặc dù vậy, một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng. cách tiếp cận hợp lý nhất của các nước này là tỏ ra lắng nghe bài “thuyết giảng” của ông Trump về chi tiêu quốc phòng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ xoa dịu ông Trump thêm bằng việc nhấn mạnh rằng Lithuania và Latvia năm nay cũng đã đạt mục tiêu chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng.

NATO thực sự “lỗi thời”?

NATO “sinh ra” vốn là để đối trọng với Liên bang Xô viết cũ. Nhưng giờ đây Mỹ và phần lớn các nước châu Âu, trừ một số nước vùng Baltic và có biên giới với Nga, đều cho rằng Moscow không hùng mạnh như trước.

Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một đối thủ đáng gờm trên cả mặt trận kinh tế và chính trị quân sự, đặc biệt là ở Biển Đông, khiến Washington đặc biệt lo ngại. Từ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã nói đến việc xoay trục sang châu Á, và đến thời Tổng thống Donald Trump là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã gọi NATO là một tổ chức “lỗi thời”. Đó có thể chỉ là cách nói cường điệu hóa vấn đề. Nhưng rõ ràng NATO cũng thực sự cần cải cách và phải làm rõ vai trò của liên minh trong bối cảnh thế giới hiện nay.

“Thế giới tương lai không cần những thứ như là NATO, vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa quân phiệt… Nó cần thứ gì đó hoàn toàn mới” – ông Oberg nhận định. “NATO nên giải tán hoàn toàn hoặc chuyển thành một tổ chức nhân đạo phi vũ khí với những cơ sở vận tải và truyền thông hoặc là tiền đề cho hệ thống an ninh châu Âu.”

NATO đang phải đối mặt với những cuộc chiến phức tạp với sự pha trộn không thể lường trước được của các chiến dịch trên thực địa, chiến tranh truyền thông – tâm lý và cuộc chiến trên không gian mạng.

Và liên minh quân sự này phản ứng khá chậm với những thay đổi đó dù trong chương trình nghị sự vẫn có hàng loạt đề xuất về ngăn chặn chiến tranh hỗn hợp hay tăng cường phòng thủ không gian mạng.

Bên cạnh đó, liên minh này cũng không thể lơ là việc tiếp tục triển khai quân đến các nước vùng Baltic. Và mặc dù rút hầu hết lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan, NATO vẫn phải tiếp tục tài trợ và huấn luyện lực lượng an ninh, quân đội của nước này. Đó là chưa kể chương trình nghị sự Thượng đỉnh lần này có thể bao gồm việc nhất trí khởi động sứ mệnh huấn luyện mới ở Iraq./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chiến lược gây sức ép của Mỹ với NATO: Phá vỡ hay đổi mới liên minh?
Chiến lược gây sức ép của Mỹ với NATO: Phá vỡ hay đổi mới liên minh?

VOV.VN -  Chiến lược gây sức ép của Tổng thống Trump với NATO khiến giới phân tích đặt câu hỏi liệu ông Trump đang muốn phá vỡ hay đổi mới liên minh này?

Chiến lược gây sức ép của Mỹ với NATO: Phá vỡ hay đổi mới liên minh?

Chiến lược gây sức ép của Mỹ với NATO: Phá vỡ hay đổi mới liên minh?

VOV.VN -  Chiến lược gây sức ép của Tổng thống Trump với NATO khiến giới phân tích đặt câu hỏi liệu ông Trump đang muốn phá vỡ hay đổi mới liên minh này?

Rạn nứt và nghi kỵ phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Rạn nứt và nghi kỵ phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh NATO

VOV.VN - Đặc biệt khi cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ cũng sẽ diễn ra sau đó vài ngày. Có ý kiến lo ngại, Tổng thống Mỹ sẽ lờ NATO để tới gặp Tổng thống Nga.

Rạn nứt và nghi kỵ phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh NATO

Rạn nứt và nghi kỵ phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh NATO

VOV.VN - Đặc biệt khi cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ cũng sẽ diễn ra sau đó vài ngày. Có ý kiến lo ngại, Tổng thống Mỹ sẽ lờ NATO để tới gặp Tổng thống Nga.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?

VOV.VN - Thượng đỉnh Nga-Mỹ đang khiến cho các nước thành viên NATO “đứng ngồi không yên” khi mà căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa hạ nhiệt.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?

VOV.VN - Thượng đỉnh Nga-Mỹ đang khiến cho các nước thành viên NATO “đứng ngồi không yên” khi mà căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa hạ nhiệt.

NATO bảo vệ chính sách chi tiêu quốc phòng trước chỉ trích của Mỹ
NATO bảo vệ chính sách chi tiêu quốc phòng trước chỉ trích của Mỹ

VOV.VN - Các đồng minh châu Âu trong NATO đang phản đối những chỉ trích của Mỹ cho rằng họ chưa chi tiêu đủ cho quốc phòng.

NATO bảo vệ chính sách chi tiêu quốc phòng trước chỉ trích của Mỹ

NATO bảo vệ chính sách chi tiêu quốc phòng trước chỉ trích của Mỹ

VOV.VN - Các đồng minh châu Âu trong NATO đang phản đối những chỉ trích của Mỹ cho rằng họ chưa chi tiêu đủ cho quốc phòng.

Bỉ tăng cường an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Bỉ tăng cường an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO

VOV.VN - Dự kiến sẽ có các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ diễn ra trong suốt hội nghị, nên chính quyền Bỉ phải triển khai nhiều biện pháp an ninh.

Bỉ tăng cường an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO

Bỉ tăng cường an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO

VOV.VN - Dự kiến sẽ có các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ diễn ra trong suốt hội nghị, nên chính quyền Bỉ phải triển khai nhiều biện pháp an ninh.