Châu Âu “quay cuồng” trong cơn ác mộng Covid-19, ai sẽ cứu Italy?
VOV.VN - Những gì Italy cần lúc này là sự hỗ trợ và đoàn kết từ phần còn lại của châu Âu, cây bút Tony Barber của tờ Financial Times cho biết.
Italy rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng
Dịch bệnh Covid-19 đang tàn phá Italy với tốc độ khủng khiếp. Tính đến ngày 16/3, số ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Italy nhảy vọt lên 1.809 trường hợp, tăng 368 người. Con số này cao hơn cả ngày tang thương nhất ở Hồ Bắc của Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch.
Dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh ra nhiều nước, trong đó tình hình nghiêm trọng nhất đang diễn ra ở châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất với virus này. Trong khi đó, Italy lại là quốc gia có dân số già nhất châu Âu. Ước tính 23% dân số là người có độ tuổi từ 65 trở lên.
Italy đã bước sang ngày phong tỏa toàn quốc thứ 7, kể từ khi sắc lệnh này được Thủ tướng Giuseppe Conte ban bố vào ngày 9/3 nhằm ngăn chặn đà lây lan của chủng virus corona mới (SARS-CoV-2).
Hiện tại, các bác sĩ cấp cứu ở Italy đang rơi vào khủng hoảng. Số bệnh nhân cần dùng vật tư chăm sóc đặc biệt càng gia tăng trong khi cơ sở vật chất có hạn đã buộc các bác sĩ tại đây phải chọn chỉ tập trung điều trị những bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn.
Ngoài tổn thất lớn về sinh mạng của con người, Italy có thể phải hứng chịu ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng hơn so với các nước khác tại châu Âu. Trong số 19 nước thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu, Italy là quốc gia vẫn chưa thể phục hồi được hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng nợ công và cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra với liên minh tiền tệ này sau năm 2010. Lĩnh vực sản xuất của Italy đã co hẹp 1/4 do cuộc khủng hoảng này. Nhiều ngân hàng, bị “ngập đầu” với các khoản nợ chính phủ, vẫn chưa thể trụ vững.
Chưa hết, trong suốt 20 năm tồn tại của khu vực Eurozone, Italy không ghi nhận bất cứ sự tăng trưởng kinh tế nào. Năng suất lao động thấp, nền tư pháp hoạt động kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng và tội phạm có tổ chức là những vấn đề nhức nhối đối với một quốc gia có lịch sử lâu đời này.
Kể từ cuối thế kỷ 20, nợ công của Italy đã tăng cao một cách đáng lo ngại. Nếu như trước cuộc khủng hoảng năm 2020, con số này chiếm hơn 100% GDP thì hiện nay nó đang ở mức 135% GDP.
Từ quan điểm về y tế, các biện pháp khẩn cấp của Italy là rất cần thiết. Nhưng chúng mang lại rủi ro cho vô số các doanh nghiệp nhỏ, hoặc những doanh nghiệp do gia đình điều hành, phụ thuộc vào việc tiếp xúc hàng ngày với khách hàng hoặc giao dịch bằng tiền mặt. Thủ tướng Italy tuần trước cho biết, chính phủ đã dành 25 tỷ euro (28 tỷ USD), tương đương khoảng 1,4% GDP, để bảo vệ nền kinh tế trước những mối đe dọa này. Nhưng các nhà kinh tế học cho rằng con số này là không đủ, đồng thời cho rằng Italy cần phải cầu viện sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Vì sao Italy “vỡ trận” trước dịch bệnh Covid-19?
Châu Âu đang bỏ rơi Italy?
Bất lực trước sự tàn phá của dịch bệnh, Italy đã phải nhờ đến các quốc gia đối tác và đồng minh hỗ trợ khẩn cấp. Nhưng hầu hết các quốc gia châu Âu vẫn “im hơi lặng tiếng”. Đại diện thường trực của Italy tại EU Maurizio Massari cho biết: “Chúng tôi đã kêu gọi cung cấp thiết bị y tế. Ủy ban Châu Âu đã chuyển đề nghị của chúng tôi đến các nước thành viên nhưng điều đó không hiệu quả”.
Lo sợ về sự thiếu hụt của chính mình, Đức và Pháp đã hạn chế xuất khẩu trang thiết bị y tế bảo hộ. 3M - một nhà sản xuất khẩu trang y tế tại Berlin cho biết những quy định hạn chế của Đức khiến họ không thể xuất hàng cho thị trường Italy. Trong khi Áo và Slovenia quyết định giới hạn nhập cảnh với công dân từ Italy.
Chính phủ Italy đã chỉ trích EU và các thành viên của khối quá chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ cho nước này chống lại đại dịch Covid-19. Ông Matteo Salvini, người hiện là lãnh đạo Đảng Liên đoàn phương Bắc (NL) của Italy cho biết: “Italy cần sự giúp đỡ nhưng những gì mà nước này nhận được là cú vỗ thẳng vào mặt”.
Để trấn an cơn giận của Rome, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng EU luôn đứng về phía Italy, đồng thời hứa hẹn sự linh hoạt đối với các quy tắc thâm hụt của EU và quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ Euro để chống khủng hoảng trên toàn khối, tờ Financial Times cho biết.
Theo các nhà phân tích, việc các nước còn lại trong EU có phản ứng như vậy cũng là điều dễ hiểu. Bởi hầu hết mọi người đều cho rằng nếu Italy cần sự giúp đỡ thì chi phí có thể lên tới hàng trăm tỷ euro. Do đó, sẽ không đơn giản để giành được sự chấp thuận của chính phủ các nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Anh, vốn đang bị chia rẽ về vấn đề cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu, chính sách tị nạn và các vấn đề khác liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Hơn nữa, các quốc gia nói trên vẫn đang phải “ngụp lặn” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, lo sợ viễn cảnh sẽ xảy đến với họ như những gì đã và đang diễn ra tại Italy. Vì thế họ cần phải đảm bảo có đủ nguồn cung cho bệnh viện, bệnh nhân và nhân viên y tế của mình. Chưa hết, bản thân châu Âu cũng rơi vào tình trạng lao đao, khi Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Á đã ban hành lệnh cấm hoặc giới hạn công dân đến từ khu vực này.
Trung Quốc thực hiện cam kết hỗ trợ
Trong lúc các nước thành viên trong EU “chần chừ”, một quốc gia khác ngay lập tức đáp lại lời kêu gọi của Italy. Đó là Trung Quốc. Vào hôm 12/3, máy bay của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay ở Rome, đưa nhóm chuyên gia y tế và mang theo 31 tấn vật tư y tế, gồm trang thiết bị chăm sóc đặc biệt, thiết bị bảo vệ y tế và thuốc kháng virus tới Italy. Trong số các trang thiết bị có máy trợ thở, theo dõi sức khỏe và máy khử rung tim. Số trang thiết bị này sẽ được dùng để thiết lập cơ sở hồi sức tích cực dành cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Italy.
Đây là những gì mà Ngoại trưởng Vương Nghị đã hứa với Ngoại trưởng Italy trong cuộc điện đàm vào ngày 10/3. "Chúng tôi sẽ không quên sự hỗ trợ mà Italy cung cấp cho Trung Quốc vào thời điểm khó khăn cho chúng tôi trong dịch bệnh. Bây giờ chúng tôi cũng sẵn sàng sát cánh bên cạnh người dân Italy”, ông Vương Nghị nói.
Italy và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Đây là sáng kiến đầy hoài bão của Trung Quốc kết nối nước này với các quốc gia khác ở châu Á, châu Phi và châu Âu. Việc nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tham gia sáng kiến này giúp mở cánh cửa để Bắc Kinh tiến sâu vào châu Âu. Trước đó, hai bên cũng xúc tiến chương trình hợp tác an ninh.
Sự giúp đỡ của Trung Quốc lại càng làm tô đậm thêm việc thiếu hỗ trợ của EU đối với Italy. Một số nhà phân tích cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể coi là phép thử đối với tình đoàn kết và ý chí chính trị của châu Âu.
New York Times dẫn lời chuyên gia Constanze Stelzenmüller tại Viện Brookings cho biết: “Sau sự kiện khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đại dịch Covid-19 là thách thứ 3 đối với khả năng hợp tác của châu Âu bởi virus không phân biệt biên giới. Chúng ta cần phải tăng cường hợp tác trong việc quản lý y tế và tài chính”.
Ông Stelzenmüller nhấn mạnh:“Đây là một phép thử lớn đối với EU. Dịch Covid-19 đã đứng đầu trong số những cuộc khủng hoảng hiện hữu về nhập cư và pháp luật. Các giá trị của châu Âu, sự đoàn kết, gắn bó giờ đây giống như những cụm từ trống rỗng trong khi giai đoạn đỉnh của dịch bệnh chưa biết khi nào mới xảy ra”.
Giới phân tích cho rằng, hậu quả tiềm tàng do Covid-19 gây ra đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng và EU nói chung sẽ là rất lớn. Nếu không có hành động nhất quán, mang tính phối hợp từ tất cả các chính phủ EU, vượt ra ngoài khuôn khổ các biện pháp nhằm ổn định thị trường và thanh khoản mà Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố ngày 12/3, sự tồn tại của liên minh tiền tệ bên trong châu Âu có thể bị đe dọa lần thứ 2 trong 1 thập kỷ. Riêng với Italy, những gì nước này cần hiện nay là sự ủng hộ và tình đoàn kết từ phần còn lại của châu Âu./.
Dịch Covid-19: Cơn túng quẫn của châu Âu
Covid-19: Châu Âu oằn mình chống dịch với nhiều ca tử vong mới
Cập nhật Covid-19: Số ca tử vong tăng cao kỷ lục, châu Âu “báo động đỏ”