Châu Âu rúng động trước việc cử tri Anh chọn Brexit
VOV.VN - Một làn sóng rúng động tràn ngập khắp châu Âu khi rất nhiều nước trong EU cảm thấy “khó có thể nuốt trôi” việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn Brexit.
Phóng viên BBC tại Brussels, Chris Morris nhận định, đây là “bước thụt lùi lớn nhất” trong nhiều thập kỷ qua và là “gáo nước lạnh” dội vào những người ủng hộ ý tưởng về một châu Âu thống nhất. EU sẽ thay đổi mãi mãi.
Theo phóng viên Morris, dù đã từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm qua, việc cử tri Anh chọn Brexit sẽ khiến những cuộc khủng hoảng trước đó “chỉ là thứ vụn vặt”.
EU sẽ rất khó có thể chấp nhận được việc Anh rời khỏi khối. Ảnh AP
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cảnh báo giờ không phải là lúc đưa ra những phản ứng thái quá. Ông Tusk cũng lên tiếng cam kết sẽ duy trì bằng được sự thống nhất của 27 quốc gia thành viên EU tránh để tan rã thêm.
Tuy nhiên, chính trị gia Carl Bildt lại lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ ngay lập tức có thể xảy đến với EU cũng như những bất ổn lâu dài trong khối. Dù vậy, theo ông Bildt, việc đàm phán để Anh rời khỏi châu Âu sẽ mất ít nhất 2 năm và trải qua rất nhiều tiến trình rắc rối về luật pháp và chính trị.
Trong khi đó, Pháp cũng bày tỏ rất sốc về việc một trong những thành viên quan trọng nhất quyết định rời khỏi EU. Trong lòng nước Pháp cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi về vấn đề này.
Thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen là một trong những chính trị gia đầu tiên của Pháp lên tiếng sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Bà Le Pen ca ngợi đây là “chiến thắng của tự do” và kêu gọi Pháp cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác của châu Âu tiến hành các cuộc trưng cầu tương tự.
Một người họ hàng và cũng là đồng nghiệp của bà Marine Le Pen, bà Marion Marechal-Le Pen nhấn mạnh, châu Âu sẽ là “chủ đề chính” trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp trong năm tới.
Bản thân Tổng thống Pháp Francois Hollande, người đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả của Brexit trước khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh diễn ra, cũng tuyên bố, việc Anh quyết định rời khỏi EU sẽ “chặn đứng” việc Anh tiếp cận thị trường chung này.
Tại Đức, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel đã bày tỏ: “Đây là ngày buồn của châu Âu”. Đây cũng là tâm trạng chung của người dân Đức. Họ cho rằng, quyết định ủng hộ Brexit của cử tri Anh là quyết định tồi không chỉ đối với Anh, Đức mà còn cả châu Âu.
Đức từ lâu đã coi Anh là đồng minh chính trị quan trọng tại EU và là đối trọng chính cho sự “thống trị” của Đức trong khối. Ngoài ra, Đức cũng lo ngại kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Hiệp hội các nhà xuất khẩu Đức mô tả quyết định của cử tri Anh là thảm họa.
Phát biểu trên truyền hình Đức, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã lên tiếng trấn an rằng, Brexit sẽ không gây ra “hiệu ứng domino” trên toàn châu Âu.
Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp lại không thể lạc quan như vậy bởi Hy Lạp rất mong Anh sẽ ở lại EU. Sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh được công bố, chứng khoán tại Athens đã giảm tới 15%.
Hy Lạp lo ngại Brexit sẽ khiến nền kinh tế mong manh như Hy Lạp sụp đổ hoàn toàn. Ngoài ra, Brexit cũng dẫn đến nỗi lo Grexit khiến Hy Lạp bị ép phải rời khỏi Eurozone và thậm chí là EU.
Điều này có thể dễ dàng nhận ra khi đồng Bảng Anh sụt giảm nghiêm trọng sau khi có kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Về lâu dài, điều này sẽ khiến số du khách Anh sang Hy Lạp- chiếm số lượng nhiều nhất trong số khách du lịch nước ngoài đến đây- giảm mạnh.
Trong khi đó, Nga đón chờ thông tin người dân Anh quyết định rời khỏi châu Âu với tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
Đài phát thanh Vesti FM nhấn mạnh, kết quả này cho thấy: “Phương Tây đang gặp nhiều rắc rối hơn cả Nga và mức độ phân rã ở phía Tây đang nhanh hơn nhiều so với tại đây”.
Thậm chí, người dẫn chương trình của đài này cho rằng, nếu Brexit “làm dấy lên một làn sóng khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, phương Tây sẽ khó lòng đổ lỗi cho Nga”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev lại tỏ ra thận trọng về vấn đề này: “Xét từ quan hệ khó khăn của chúng tôi với EU, nhiều người Nga có thể sẽ ăn mừng sau kết quả này. Tuy nhiên, tôi không chia sẻ quan điểm này. EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi và nếu EU sụp đổ thì chúng tôi cũng phải chịu tác động từ đó”./.