Chiến lược của Ấn Độ nhằm đánh bật điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc
VOV.VN - Chính phủ Ấn Độ đang có nhiều động thái cụ thể nhằm ngăn các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc bán dòng điện thoại thông minh (smartphone) giá rẻ trên thị trường này.
Ganh đua Ấn-Trung lan sang lĩnh vực điện thoại giá rẻ
Có khả năng Ấn Độ sẽ sớm hạn chế các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc bán sản phẩm của mình ở phân khúc giá rẻ tại thị trường sở tại. Động thái dự kiến này được cho là nhằm củng cố và bảo vệ các nhà sản xuất Ấn Độ trong lúc đồng thời tạo thêm áp lực mang tính điều tiết lên các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc.
Thông tin về hành động hạn chế nói trên tuy chưa được công bố chính thức nhưng đã được đưa tin trên tờ Bloomberg và các hãng truyền thông địa phương dựa trên các nguồn tin giấu tên. Động thái dự kiến đó sẽ hướng tới việc đánh bật các thương hiệu smartphone Trung Quốc ra khỏi phân khúc thị trường các sản phẩm trị giá 12.000 rupee (tương đương 150 USD) hoặc rẻ hơn - hiện nay là thị trường lớn thứ 2 thế giới.
Các thương hiệu Trung Quốc nói trên gần đây đã chiếm được thị phần của các nhà sản xuất địa phương như là Micromax, Lava và Karbonn, vốn thống trị ở thị trường giá rẻ chỉ cách đây mới vài năm.
Biện pháp hạn chế thị trường nói trên sẽ xảy ra đồng thời với các cuộc điều tra về trốn thuế nhằm vào các hãng OPPO, Vivo và Xiaomi, bao gồm cáo buộc họ đã không thanh toán đầy đủ thuế nhập khẩu cho các linh kiện và hợp phần dùng để chế tạo các điện thoại di động bán ra thị trường Ấn Độ.
Nếu được triển khai, biện pháp bảo hộ này hứa hẹn làm phức tạp thêm các mối quan hệ thương mại song phương trên diện rộng vào thời điểm thương mại Trung Quốc - Ấn Độ đang trên hành trình cán mốc 100 tỷ USD trong năm thứ 2 liên tiếp, và đã đạt 67,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, theo các tin tức từ truyền thông Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhận xét, trong số 382 đề xuất đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chính phủ Ấn Độ nhận được từ các hãng Trung Quốc tính đến tháng 6/2022, Ấn Độ mới chỉ phê duyệt 80 dự án. Tờ báo Trung Quốc cho rằng, con số thấp này nhấn mạnh “môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn dành cho hoạt động đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở Ấn Độ”.
Quan điểm ủng hộ
Ajay Sharma - một chuyên gia kỳ cựu với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực smartphone, cho biết động thái bảo hộ nói trên nhằm giúp đỡ các thương hiệu smartphone Ấn Độ ốm yếu, thiếu nguồn lực.
Ông này nhận định: “Nếu biện pháp này của chính phủ là sự thật, điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào những hãng dựa nặng nề vào Ấn Độ để tăng trưởng”.
Theo Sharma, các điện thoại di động từ 12.000 rupee trở xuống chiếm tới 33% tổng doanh số thị trường địa phương trong quý II năm nay, còn các công ty Trung Quốc chiếm tới 80% thị phần.
Sharma cho rằng nếu biện pháp này không chết yểu như nỗ lực hồi tháng 10/2021 về việc thay thế các nhà phân phối Trung Quốc bằng các nhà phân phối Ấn Độ thì Trung Quốc có thể bị đẩy ra khỏi một thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Maximize Market Research, tổng thị trường smartphone của Ấn Độ ước tính ở mức 173 triệu chiếc vào năm 2020. Người ta ước tính tổng doanh thu sẽ tăng trưởng ở mức 14% từ năm 2021 đến năm 2027 và thị trường này đạt 432,89 triệu chiếc vào năm 2027.
Nguy cơ phản tác dụng và phản ứng từ Bắc Kinh
Faisal Kawoosa - nhà sáng lập hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Techarc, tin rằng phân khúc 12.000 rupee vẫn là phân khúc quan trọng hàng đầu, với hơn 200 triệu người và hầu hết người mua lần đầu đều chọn mua điện thoại thông minh trong khung giá này.
Theo Kawoosa, việc hạn chế nguồn cung điện thoại Trung Quốc sẽ không phục vụ lợi ích của những người mới lần đầu mua điện thoại thông minh.
Kawoosa phân tích, sự tham gia của các thương hiệu không phải địa phương có tầm quan trọng ngang các thương hiệu của chính địa phương vì điều này giữ cho thị trường mang tính cạnh tranh với mức giá hấp dẫn.
Kawoosa cảnh báo: “Các thương hiệu nội phụ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện của Trung Quốc. Nếu chúng ta hạn chế sự tham gia của các nhà sản xuất điện thoại thông minh trong phân khúc này, điều đó có thể phản tác dụng đối với các thương hiệu trong nước và có thể khiến họ đối mặt với một chuỗi cung ứng không thân thiện”.
Những người trong cuộc tại thị trường Ấn Độ cho hay, các nhà sản xuất điện thoại di động nội địa của nước này gần đây đã tổ chức nhiều hội nghị kín về vấn đề hạn chế các thương hiệu điện thoại Trung Quốc.
Hãng tin IANS của Ấn Độ cho hay, chính phủ Ấn Độ gần đây đã hình thành thái độ cứng rắn đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, được thể hiện ở các đòn công kích vào các hãng Trung Quốc trong vấn đề thuế và các vấn đề khác.
IANS đưa tin, OPPO, Xiaomi và Vivo đều bị điều tra về trốn thuế nhập khẩu.
Các diễn biến này khiến Bắc Kinh không hài lòng. Tờ Thời báo Hoàn cầu gần đây đăng bài bình luận nói rằng việc trấn áp các hãng của Trung Quốc sẽ chỉ làm giảm mức độ hấp dẫn của Ấn Độ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bài báo của Thời báo Hoàn cầu có đoạn: “Các điều tra thường xuyên của phía Ấn Độ nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty đó mà còn cản trở việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Ấn Độ và làm suy giảm niềm tin và sự sẵn lòng của các thực thể trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư và hoạt động ở Ấn Độ”./.