Chiến lược của Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khiến Moscow đau đầu
VOV.VN - Một chuyên gia chiến tranh nhận định với Business Insider rằng Ukraine có thể tấn công sâu bất thường vào bên trong lãnh thổ Nga bởi các hệ thống phòng không của Moscow đã bị kéo căng.
Chiến lược tấn công sâu của Ukraine
George Barros, một chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Mỹ cho biết, nhiều máy bay không người lái của Ukraine có thể xâm nhập qua vị trí mà lẽ ra hệ thống phòng không của Nga có thể ngăn chặn chúng.
Ông nói: "Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến Ukraine thâm nhập qua các hệ thống phòng không Nga và sau đó triển khai máy bay đến những vị trí mà nước này thực sự không thể bay sâu vào trong lãnh thổ Nga như vậy". Theo ông: "Lực lượng phòng không Nga đáng lẽ phải bắn hạ chúng một cách dễ dàng".
Lực lượng phòng không Nga là đối thủ đáng gờm của Ukraine trong xung đột. Họ đã bắn hạ tiêm kích và tên lửa của Kiev, phần lớn ngăn cản Ukraine tiếp cận không phận Nga.
Hệ thống phòng thủ của Ukraine cũng chứng minh được giá trị của mình khi cản trở lực lượng không quân Nga vốn mạnh hơn nhiều - điều mà các chuyên gia về chiến tranh trên không ca ngợi là một thành quả đáng chú ý do Ukraine gặp bất lợi trên không.
Điều đó tạo ra tình trạng mà cả hai bên đều bị hạn chế sử dụng chiến đấu cơ của mình trên chính lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, chuyên gia Barros cho rằng khả năng phòng thủ của Nga đã bị "kéo căng", mang lại cho Ukraine những cơ hội mới.
Ông cho biết, Nga đã "phải tạm gác sang một bên việc bảo vệ các khu vực" không nằm ngay cạnh Ukraine. Sau đó, bắt đầu từ mùa xuân năm 2024, Ukraine có thể tấn công hệ thống phòng thủ Nga "một cách có chủ đích". Nhiều hệ thống phòng không Nga bị Ukraine gây hư hại hoặc phá hủy. Ukraine hiện nhắm tới một số hệ thống phòng không mà trước đây họ không thể tiếp cận. Nga đang phải tìm cách bảo vệ chúng.
Ông Barros cho biết, Nga "đã bố trí các hệ thống phòng không để bảo vệ các khu vực bị đe dọa trên không". Theo ông, nếu Ukraine vượt qua được thách thức này, lực lượng của họ sẽ tiến vào khu vực bên trong nước Nga vốn không được bảo vệ đầy đủ.
Ông chỉ ra một ví dụ là việc Ukraine tấn công khu vực Tatarstan, cách biên giới với Ukraine hơn 1.400 km. Cuộc tấn công hồi tháng 4 sử dụng phương tiện mà các chuyên gia cho rằng dường như là một máy bay hạng nhẹ được chuyển đổi để bay từ xa.
"Sự việc này cho thấy Nga có thể đã bố trí lực lượng phòng không của họ để bao phủ tốt ở chiến trường xung quanh Ukraine. Nhưng ngoài khu vực này thì không như vậy", ông Barros đánh giá.
Cuộc chiến phòng không giữa Nga và Ukraine
Gần đây, Ukraine đã nhận được sự cho phép mới từ các đồng minh để tấn công vào lãnh thổ Nga bằng cách sử dụng các vũ khí được phương Tây tài trợ, nghĩa là Nga có nhiều địa điểm hơn cần phải xem xét bảo vệ.
ISW cho biết trong tháng này rằng, các cuộc tấn công UAV ngày càng leo thang của Ukraine nhắm vào quân đội và các cơ sở dầu mỏ của Nga, đôi khi nằm sâu vài trăm km bên trong lãnh thổ của Moscow, đã kéo căng các khả năng của Nga.
ISW nhận định, các cuộc tấn công như vậy "tiếp tục gây sức ép lên các hệ thống phòng không của Nga và buộc bộ chỉ huy quân sự Nga phải ưu tiên phân bổ các hệ thống phòng không vốn đã hạn chế để bảo vệ những mục tiêu mà họ cho là có giá trị cao".
Ukraine đã phá hủy nhiều hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt tại bán đảo Crimea. ISW cho biết, tháng trước, các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào phòng tuyến Nga đã ngăn Moscow sử dụng Crimea như một địa điểm triển khai lực lượng.
Mặc dù mức độ đột phá này là một tin tốt cho Ukraine nhưng bản thân nó khó có thể thay đổi cục diện xung đột. Để làm được điều đó, Ukraine sẽ cần làm suy yếu hơn nữa khả năng phòng thủ của Nga và nhận thêm hệ thống phòng thủ của riêng mình từ các đồng minh, vì kho vũ khí của Kiev bị kéo căng hơn so với kho vũ khí của Moscow.
Kết hợp với sức mạnh trên không mạnh hơn, chẳng hạn như những tiêm kích F-16 của phương Tây được chuyển đến vào cuối tháng 7 thì lợi thế của Ukraine có thể tăng lên.
Nhiều chuyên gia xung đột cho rằng cuộc xung đột hiện nay phần lớn trở thành một cuộc chiến phòng không, khiến cả hai nước đều phải cố gắng duy trì kho vũ khí của mình càng mạnh càng tốt.