Chiến lược táo bạo dài hạn của Triều Tiên khiến Mỹ phải dè chừng
VOV.VN - Sau năm 1953, dù Triều Tiên hành động táo bạo đến mấy, Mỹ cơ bản vẫn phải kiềm chế và dè chừng các hậu quả thảm khốc nếu dùng vũ lực với Bình Nhưỡng.
Trong nhiều năm liền, các lãnh đạo Mỹ xem Triều Tiên là một quốc gia nguy hiểm. Nhưng kể từ năm 1953, sách lược ổn định của Mỹ là kiên nhẫn, thực hành kiềm chế trước Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump lần gặp gỡ tại Hà Nội. Ảnh: Reuters. |
Biến cố Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ
Đúng 50 năm về trước, vào tháng 4/1969, một phi cơ tiêm kích Triều Tiên bắn hạ một máy bay trinh sát Mỹ trên Biển Nhật Bản, khiến tất cả 31 người trên máy bay Mỹ thiệt mạng.
Sự cố EC-121 (tên máy bay trinh sát) đã khiến Mỹ bị bất ngờ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó đã phải lập tức xem xét hàng loạt kịch bản phản ứng trong những tiếng đồng hồ và những ngày sau đó, bao gồm cả khả năng trả đũa hạt nhân.
Nhưng cuối cùng, Mỹ đã lựa chọn phương án kiềm chế. Tổng thống Nixon chỉ cho phép phô diễn sức mạnh hải quân Mỹ để thể hiện sự tức giận của quốc gia này.
Cuộc khủng hoảng máy bay EC-121 đó là một điểm thấp trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên. Năm 1968, Triều Tiên đã chiếm tàu Mỹ USS Pueblo ở vùng biển ngay bên ngoài hải giới của Triều Tiên. Một thủy thủ Mỹ đã thiệt mạng trong vụ tấn công này, và 82 thủy thủ khác bị bắt giữ làm tù binh cho đến tận tháng 12/1968, chỉ 4tháng trước vụ bắn hạ trinh sát cơ EC-121. Dịp này, lãnh đạo Mỹ (Tổng thống Lyndon Johnson và các cố vấn) cũng tránh biện pháp trả đũa bằng vũ lực. Thay vào đó, họ lựa chọn cách tiếp cận ngoại giao để giải quyết vấn đề con tin.
Mỹ liên tiếp tránh dùng vũ lực quân sự với Triều Tiên
Vì sao Mỹ không trừng phạt Triều Tiên về việc chiếm giữ tàu USS Pueblo và rồi sau đó là vụ bắn hạ máy bay trinh sát? Và vì sao Triều Tiên lại táo bạo áp dụng các động thái như vậy ngay từ đầu?
Câu trả lời rất ngắn gọn: Cả Johnson và Nixon đều cảm nhận rõ các rủi ro từ việc trả đũa Bình Nhưỡng lớn hơn nhiều so với các ích lợi thu được từ đó.
Thứ nhất, Triều Tiên có đủ sức mạnh quân sự quy ước để tạo ra một cuộc chiến hủy diệt nhằm vào Hàn Quốc. Thứ hai, các đồng minh hàng xóm của Triều Tiên khi ấy là Trung Quốc và Liên Xô đều sở hữu vũ khí hạt nhân và những nước này đều có khả năng sẽ phản ứng để bảo vệ Triều Tiên trước đòn tiến công của Mỹ.
Vì sao Triều Tiên sẽ vẫn trụ vững trước “áp lực tối đa” từ Mỹ?
Điều khiến Mỹ phải cân nhắc trong hành động đáp trả Triều Tiên chính là tính toán địa chính trị cơ bản sau: Triều Tiên nếu bị dồn đến chân tường sẽ làm leo thang khủng hoảng quân sự đến mức lớn nhất có thể. Hiện nay Triều Tiên sở hữu cả năng lực quân sự thông thường lẫn hạt nhân đủ sức hủy diệt Hàn Quốc nên ngoại giao cưỡng ép sẽ ít có tác dụng với họ.
Lịch sử đã chứng minh điều này. Kể từ sau vụ bắn hạ EC-121 và vụ chiếm tàu Pueblo, Triều Tiên đã nhiều lần thể hiện rõ mình sẵn sàng làm những điều táo bạo tương tự khác.
Vào năm 2010, Triều Tiên được cho là đã phóng ngư lôi khiến một tàu hải quân Hàn Quốc bị đắm (với 46 thủy thủ Hàn Quốc tử vong), và pháo kích vào đảo Yeonpyeong (khiến 4 người thiệt mạng).
Trên thực tế kể từ năm 1953, nhiều đời tổng thống Mỹ đều kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực quân sự vượt trội của Mỹ để ép Triều Tiên phải quy hàng hay nhượng bộ. Từ năm 1966 đến năm 1980, có tổng cộng 89 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên bán đảo Triều Tiên hoặc gần bán đảo này.
Liệu Triều Tiên có vượt lằn ranh nguy hiểm?
Tất nhiên có những ngưỡng mà nếu phía Triều Tiên vượt qua thì ban lãnh đạo Mỹ gần như chắc chắn sẽ sử dụng vũ lực. Nhưng cái ngưỡng đó vẫn chưa xuất hiện kể từ khi các bên ký Hiệp định tạm ngưng Chiến tranh Triều Tiên.
Ngày nay Triều Tiên đã tự phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình (nên không cần phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của đồng minh nữa) thì nên ngưỡng để Mỹ áp dụng vũ lực quân sự với Triều Tiên sẽ còn được nâng lên cao hơn nữa.
Mỹ hiện đang băn khoăn là với những lá bài đó trong tay, liệu Triều Tiên sẽ chịu hành động trong khuôn khổ thông lệ quốc tế hay không?
Thực tế Triều Tiên đã tồn tại với tư cách một quốc gia cứng rắn trong vài thập kỷ qua rồi. Và nếu như họ có nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân với Tổng thống Mỹ Trump thì bất cứ lúc nào họ vẫn có thể quay lại đường lối cứng rắn. Thực tế, thời gian qua Triều Tiên đã lại đe dọa cắt đứt đàm phán và khởi động lại chương trình hạt nhân nếu cần thiết.
Nhưng hiện nay chính quyền Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un có thể sẽ có những tính toán khác so với thời của các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Đó là vì bây giờ Tổng thống của nước Mỹ là ông Donald Trump – một chính trị gia rất khó đoán định và có thể đưa ra những quyết định bất ngờ.
Nếu một sự cố EC-121 lần thứ 2 xảy ra, sẽ khó nói trước Mỹ sẽ làm gì với Triều Tiên./.