Chiến sự Libya: Những giải pháp khó “vẹn đôi đường”
VOV.VN - Dù lựa chọn giải pháp chính trị hay quân sự, cuộc giao tranh ở Libya vẫn không thể kết thúc trong “ngày một, ngày hai”.
Giao tranh ở Libya vẫn tiếp diễn trong suốt 2 tháng qua. Cuộc chiến "đánh nhanh, thắng nhanh" của Tướng Haftar nhằm chiếm thủ đô Tripoli đang dần biến thành một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài.
Giao tranh ở Libya. Ảnh: Reuters |
Hơn 600 người đã thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương và 90.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa. Hàng trăm tòa nhà bị phá hủy một phần hoặc phá hủy hoàn toàn do các cuộc tấn công liên miên. Gần 3 triệu người bên trong thủ đô này buộc phải trải qua tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo trong sợ hãi và thiếu thốn các nhu yếu phẩm cơ bản.
Tính đến nay, vẫn chưa có bên nào giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Libya. Tuy nhiên, các lực lượng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) đã phần nào chặn được cuộc tiến công của lực lượng miền đông do Tướng Haftar chỉ huy và "dập tắt" hy vọng của ông về một chiến thắng nhanh chóng tại Tripoli.
Mỹ đã đưa ra tuyên bố kêu gọi 2 bên ngừng giao tranh nhưng xung đột vẫn tiếp diễn ở quốc gia Bắc Phi này. Cả GNA và Tướng Haftar đều không sẵn sàng "buông vũ khí" và ngừng chiến đấu. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng không thể đạt được sự nhất trí về một giải pháp nhằm chấm dứt giao tranh và đưa các bên vào bàn đàm phán.
Nguyên nhân của những diễn biến hiện nay là bởi quan điểm của cộng đồng quốc tế về chiến sự Libya vẫn còn chia rẽ khi mà các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới ủng hộ 2 phe khác nhau. Điều này khiến cuộc xung đột ở quốc gia này ngày càng "nóng" hơn và diễn biến phức tạp hơn.
Giải pháp chính trị
Trong suốt 4 năm qua, Liên Hợp Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc đem đến một giải pháp hòa bình cho những cuộc nội chiến liên miên ở Libya. Thậm chí cả khi Tướng Haftar phát động tấn công thủ đô Tripoli, các đại diện Liên Hợp Quốc vẫn khẳng định các bên nên theo đuổi một giải pháp chính trị.
Các lực lượng của Tướng Haftar tiến hành chiến dịch quân sự vào Tripoli chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị quốc gia tại thành phố Ghadamemà mà Liên Hợp Quốc dự định tổ chức.
Tuy nhiên cuộc tấn công đã khiến hội nghị được chuẩn bị trong nhiều tháng này bị hủy bỏ, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực hòa giải của Liên Hợp Quốc ở Libya. 2 tháng trôi qua kể từ cuộc tấn công nổ ra hồi đầu tháng 4/2019, dường như khá rõ ràng rằng tiến trình hòa bình mà Liên Hợp Quốc lên kế hoạch kỹ lưỡng đã "chết yểu".
Trong khi đó, cả 2 bên tham chiến đều có lập trường cứng rằn về những diễn biến hiện nay tại Libya. Thủ tướng Fayez Serraj, người đứng đầu lực lượng GNA khẳng định rằng ông đã "bị đâm sau lưng" và đã sai lầm khi tin tưởng ý định của Tướng Haftar trong các cuộc đàm phán trước đó. Ông Fayez Serraj đến nay vẫn kiên quyết không đàm phán với Tướng Haftarr trong bất kỳ cuộc thảo luận hòa bình nào.
Cho đến thời điểm hiện tại, một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Libya dường như là viễn cảnh "bất khả thi". Cách duy nhất cuộc giao tranh này có thể đi đến hồi kết là khi có một bên tuyên bố chiến thắng về mặt quân sự.
Giải pháp quân sự
Một giải pháp quân sự không chỉ là lựa chọn mà hai bên tham chiến ở Libya đặt cược vào mà còn là ván bài của các nhân tố khu vực cũng như quốc tế. Lực lượng LNA của Tướng Haftar kiểm soát phía đông Libya nhận được sự ủng hộ từ Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.
Những chuyến vận chuyển các loại vũ khí và đạn dược tân tiến vẫn liên tục được đưa tới cho cả 2 bên tham chiến. Điều này không những khiến giao tranh ở Libya kéo dài mà còn khiến cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Bất chấp sự thật rẳng việc cung cấp vũ khí vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, hầu như có rất ít sự chỉ trích công khai về các hành động này.
Có hai viễn cảnh có thể xảy ra trong cuộc xung đột ở Libya hiện nay: Hoặc Tướng Haftar có thể thành công trong việc chiếm Tripoli và lật đổ chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc công nhận, hoặc lực lượng GNA sẽ đẩy lui được Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar chỉ huy và tiến hành một cuộc đáp trả.
Ở trường hợp thứ nhất, nếu Tướng Haftarr chiếm được thủ đô Tripoli, ông đã thành công trong việc kiểm soát 3 "tài sản chiến lược quan trọng nhất" của quốc gia: trung tâm chính trị đất nước, các cơ quan chủ chốt và dầu mỏ. Những điều này sẽ giúp Tướng Haftarr củng cố quyền lực và thiết lập một chế độ với sự ủng hộ tử UAE, Saudi Arabia và Ai Cập.
Trong trường hợp thứ 2, nếu các lực lượng trung thành với GNA đủ sức đánh bại các khu vực Tướng Haftar kiểm soát ở phía tây và phía nam Libya, diễn biến này sẽ làm suy yếu đáng kể quyền lực của nhà chỉ huy lực lượng LNA, cả trên phương diện chính trị và quân sự. Đánh bại được Tướng Haftar, chính phủ của Thủ tướng Fayez Serraj còn có thể loại bỏ được nhân vật này khỏi mọi cuộc đối thoại chính trị trong tương lai.
Tuy nhiên, vấn đề là một giải pháp quân sự có thể khiến Libya biến thành một bãi chiến trường với nhiều dân thường thương vong và các cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Ghassan Salame gần đây đã nhận định rằng giao tranh ở các khu vực ngoại ô Tripoli hiện nay "chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến dài đẫm máu"./.
Chiến sự Libya: Lực lượng Tướng Haftar không kích sân bay Tripoli