Chiến sự nóng rẫy trên 2 mặt trận, Nga và Ukraine tìm cách đoán ý định của nhau
VOV.VN - Sau gần 6 tháng xung đột, các cuộc giao tranh Nga-Ukraine hiện đang được phân chia giữa 2 mặt trận phía Đông và phía Nam. Kiev đang tìm cách ngăn chặn các bước tiến của Nga ở phía Đông song song với việc đẩy mạnh cuộc phản công ở phía Nam.
Cuộc chiến phân chia thành 2 mặt trận
Trên vùng đồng bằng rộng lớn của vùng Donbass, nhiều binh sỹ và chỉ huy Ukraine cho biết họ đã đạt được một số bước tiến nhỏ, chẳng hạn như tăng cường đào các chiến hào mới, giành quyền kiểm soát một số ngôi làng và tịch thu một số vũ khí của Nga. Kiev cho rằng, điều này có được là nhờ chiến lược của Ukraine đẩy mạnh cuộc phản công ở miền Nam.
Theo Ukraine, quân đội Nga đã điều động các binh sỹ xuống phía Nam để đối phó với chiến dịch của Ukraine nên giảm cường độ chiến đấu ở phía Đông, vì thế Kiev có cơ hội giành lại một số vùng đất ở Donbass.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây đã chú ý đến sự chuyển hướng của Nga ở Donbass – nơi từng là tâm điểm giao tranh trong giai đoạn 2 của cuộc xung đột. Nhìn chung, cường độ sử dụng pháo binh của Nga đã giảm trên toàn khu vực này, nhưng ở một số nơi gần các thị trấn Bakhmut, Pisky và Avdiivka, các cuộc tấn công của Nga vẫn tiếp diễn.
Việc xem xét phân bổ lực lượng chủ yếu ở khu vực nào và khi nào đã trở thành một vấn đề nan giải đối với quân đội 2 nước, khiến các chỉ huy chiến trường của cả Nga lẫn Ukraine đau đầu phỏng đoán ý định ý định của đối phương, bất chấp những tuyên bố công khai về các kế hoạch quân sự của 2 bên tại Donbass và phía Nam Ukraine.
Yuriy Bereza, chỉ huy đơn vị Dnipro-1 thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đang chiến đấu bên ngoài thành phố Sloviansk cho biết: “Chúng tôi đã đạt đến tình thế ngang bằng trong cuộc chiến ở miền Đông”. Theo quan chức này, sự xuất hiện của hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp đã giúp họ có thể tấn công sâu vào chiến tuyến của Nga.
Trước đó, Mỹ đã công bố khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có việc chuyển giao thêm nhiều hệ thống HIMARS, 95.000 quả đạn pháo, 1.000 tên lửa chống tăng Javenlin và nhiều vũ khí khác. Các quan chức Mỹ cho rằng HIMARS đã tạo ra sự khác biệt trên chiến trường, nhưng một số nhà phân tích nhận định, cuộc chiến này còn rất nhiều điều mơ hồ khi cả Nga và Ukraine đều ca ngợi những loại vũ khí mà mỗi bên sử dụng trong khi giữ kín thông tin về hoạt động của chúng.
Nga và Ukraine tìm cách thăm dò ý định của nhau
Theo giới quan sát, việc Nga giảm cường độ tấn công ở mặt trận phía Đông có vẻ như không liên quan đến kế hoạch phản công của Ukraine hoặc những vũ khí hiện đại Kiev sở hữu, mà phần lớn xuất phát từ nhu cầu củng cố và tái triển khai lực lượng của nước này.
Theo quan điểm của Ukraine, quân đội Nga dễ bị tổn thất hơn ở Kherson - vùng lãnh thổ phía Nam mà họ nắm giữ trên bờ Tây sông Dnipro rộng lớn. Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tấn công gây hư hỏng nghiêm trọng 2 cây cầu huyết mạch được Nga sử dụng làm tuyến đường tiếp tế ở Kherson. Cây cầu thứ 3 cũng không nằm ngoài tầm ngắm.
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, Nga buộc phải củng cố lực lượng ở phía Nam vì quân đội Ukraine đang tập trung bắn phá các cây cầu, kho đạn của Nga, các tuyến đường sắt với tần suất ngày càng gia tăng. Bản đánh giá của bộ này cho biết, các đoàn xe của Nga, gồm xe tải, xe tăng, pháo và nhiều loại vũ khí khác đang di chuyển từ Donbass tới khu vực Tây Nam Ukraine.
Sau khi kiểm soát thành công tỉnh Lugansk vào cuối tháng 6, quân đội Nga đã tuyên bố tạm dừng các hoạt động để tái tập hợp và tái vũ trang lực lượng. Serhiy Grabskyi, cựu đại tá Ukraine cho biết, Nga đã điều khoảng 10.000 lính dù từ mặt trận phía Bắc Sloviansk đến khu vực Kherson ở phía Nam.
Nếu như ở giai đoạn 2 của cuộc xung đột, giới chức Nga tuyên bố rút khỏi phía Bắc để chuyển trọng tâm sang khu vực Donbass thì trong giai đoạn thứ 3 này, việc tái triển khai diễn ra chậm rãi và không được công bố. Các nhà phân tích cho rằng, dường như có sự thay đổi lớn trong tính toán của Moscow.
Ông Michael Kofman - chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) nhận định, Nga đã triển khai số lượng binh sỹ đáng kể đến miền Nam và có vẻ như đang huy động lực lượng dự bị lớn. “Điều này có thể là do họ chưa nắm được chính xác kế hoạch của Ukraine nhưng dự đoán sẽ có một cuộc tấn công lớn ở phía Nam”. Ông lưu ý các lực lượng Nga vẫn đang thử thách tuyến phòng thủ của Ukraine ở phía Đông, tăng cường gây sức ép đối với Kiev ở phía Đông Bắc và thực hiện một số cuộc tấn công hạn chế ở phía Nam.
“Tình hình trên chiến trường hiện nay đã thay đổi rất nhiều”, nhà phân tích Michael Kofman nhận định.
Theo các chuyên gia, cả Nga và Ukraine đang nỗ lực thăm dò ý định của nhau cũng như xác định giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến này. Nga sẽ phải tìm cách kiểm soát hoàn toàn miền Đông, trong khi giữ vững tuyến phòng thủ tại những khu vực nước này đã nắm giữ ở phía Nam để tiến tới hoàn thành tất cả các mục tiêu trong chiến dịch quân sự. Trái lại, Ukraine sẽ phải chứng minh cho những người ủng hộ phương Tây thấy rằng, sự hỗ trợ của họ dành cho nước này là không uổng phí, ngay cả khi cái giá phải trả không ngừng gia tăng.
Nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài đến năm 2023, Tổng thống Putin sẽ phải tính đến sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng và khi đó Moscow có thể ban bố mệnh lệnh tổng động viên. Còn với Ukraine, hy vọng giành chiến thắng sẽ ngày càng lu mờ khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang đến gần còn châu Âu phải gồng mình chống chọi một mùa Đông băng giá do thiếu khí đốt và nhiên liệu./.