Chiến tranh thương mại EU-Trung Quốc khó lòng xảy ra

(VOV) - Dư luận quốc tế đang bất ngờ về việc Đức không “nhảy” vào cuộc chiến mậu dịch với cường quốc mới nổi Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đức ngày 26/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Đức và Trung Quốc cùng bác bỏ chủ trương bảo hộ mậu dịch”.

Với tư cách Thủ tướng nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel cam kết nỗ lực thúc đẩy các bên nhanh chóng thảo luận vấn đề này, bà không tin rằng việc đánh thuế nhập khẩu có lợi cho bất cứ bên nào.

Bất nhất nội khối

Như vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố không ủng hộ EU áp dụng thuế chống bán phá giá với pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc. Dư luận đặt câu hỏi vì sao lại xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa Đức và EU.

Đức và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung trong vấn đề mậu dịch. Trong ảnh là Thủ tướng Lý (trái) và người đồng cấp Merkel (nguồn: nytimes.com)


Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do:

1- Đức là nước đứng đầu Liên minh châu Âu không chỉ có vai trò nòng cốt mà còn có vai trò lãnh đạo đối với khu vực. Tiếng nói của Đức có thể làm thay đổi cục diện tình hình mâu thuẫn thương mại hai bên.

2- Đức có quyền lợi và nghĩa vụ lớn trong Liên minh – nước này đóng góp 30% GDP của khối, nhưng Đức lại là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu. Nếu cuộc chiến thương mại nổ ra thì Đức là nước bị thiệt hại lớn nhất so với các thành viên khác.

3- Theo số liệu công bố mới nhất (15/5) của Cơ quan Thống kê châu Âu thì GDP quý I năm 2013 của cả khu vực Eurozone  giảm 0,2% so với quý IV/2012, thấp hơn mức dự báo giảm 0,1% trước đó. Cho đến nay 9/17 quốc gia thuộc khu vực Eurozone đang chìm sâu trong suy thoái, Đức, Pháp, Italy cũng lần lượt lâm vào suy thoái.

4- Đức đã nhiều lần có những ý kiến bảo lưu và không đồng thuận với EU, như vấn đề “thắt lưng buộc bụng”, hạ lãi suất ngân hàng…

Động cơ chính trị?

Trong giới phân tích có ý kiến cho rằng, ẩn sau thái độ cứng rắn của EU còn là những động cơ chính trị sâu xa của các bên. Trong thời đại ngày nay các cuộc tranh chấp thương mại không đơn thuần là kinh tế, mà đều dính dáng đến chính trị, và mâu thuẫn thương mại EU - Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

EU hiện vẫn chưa tìm ra lối thoát trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU vẫn muốn chứng tỏ với dân chúng rằng họ rất cứng rắn khi đối phó với các thách thức kinh tế đến từ Trung Quốc.

Còn Trung Quốc thì muốn thể hiện vị thế đang lên của họ, nhất là vai trò đầu tàu trong phục hồi kinh tế toàn cầu. Trung Quốc hiểu rất rõ kinh tế EU phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài, trong đó có thị trường Trung Quốc. Và Trung Quốc muốn thông qua sự phụ thuộc kinh tế để từng bước tạo sự phụ thuộc về chính trị đối với EU.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo EU cũng muốn thăm dò “phản ứng” của thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thứ 5 đối với châu Âu để có đối sách cho phù hợp trong tương lai.

“Đánh nhau, 2 bên cùng thiệt nặng”

Dư luận cho rằng, dường như Đức không chỉ vì mục tiêu quốc gia mà còn vì lợi ích chung của cả khu vực khi không muốn căng thẳng thương mại với Trung Quốc bị đẩy lên cao, vì cả EU và Trung Quốc sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề khi cuộc chiến thương mại này bùng nổ.

Trong khi EU tố cáo Trung Quốc bán phá giá pin năng lượng mặt trời thì Trung Quốc cũng đã sẵn sàng ra đòn phản kích lại châu Âu, bằng việc điều tra bán phá giá đối với EU về hóa chất.

EU hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của EU (sau Mỹ). Theo thống kê năm 2012, Trung Quốc xuất khẩu sang EU khối lượng hàng hóa trị giá 290 tỷ euro, còn EU xuất sang Trung Quốc là 144 tỷ euro.

Trong bối cảnh kinh tế EU vẫn bế tắc chưa tìm được lối ra thì hàng hóa với giá hợp lý của Trung Quốc đang được người dân châu Âu đón nhận. Còn hàng hóa của EU vào Trung Quốc tuy giá trị chỉ bằng một nửa nhưng lại chứa đựng hàm lượng công nghệ cao mà Trung Quốc đang cần.

EU suy thoái trầm trọng chưa tìm thấy lối ra, trong khi Trung Quốc cũng giảm tốc độ tăng trưởng không như kế hoạch và đang đứng trước nguy cơ “bong bóng” kinh tế.

Như vậy, hai bên rất cần nhau và nếu chiến tranh thương mại nổ ra sẽ không bên nào được hưởng lợi.

Căng thẳng thương mại nếu không được giải quyết thì hai bên đều khó tránh khỏi khó khăn kinh tế trầm trọng hơn cũng như những vấn đề chính trị phức tạp hơn.

EU và Trung Quốc là hai hai trung tâm kinh tế của thế giới nên nếu gia tăng căng thẳng sẽ tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu.

Với các động thái của cả EU và Trung Quốc, dư luận có nhiều cơ sở để tin rằng cuộc chiến thương mại khó xảy ra, nhất là sau tuyên bố mới đây của bà Angela Merkel khẳng định Đức sẽ giúp giải quyết ổn thỏa vụ cáo buộc bán phá giá giữa EU và Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc tăng cường quan hệ với EU qua Đức
Trung Quốc tăng cường quan hệ với EU qua Đức

(VOV) - Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có bài phát biểu tại buổi gặp các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Đức.

Trung Quốc tăng cường quan hệ với EU qua Đức

Trung Quốc tăng cường quan hệ với EU qua Đức

(VOV) - Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có bài phát biểu tại buổi gặp các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Đức.

Trung Quốc giành lợi thế "cuộc chiến pin mặt trời" với EU
Trung Quốc giành lợi thế "cuộc chiến pin mặt trời" với EU

(VOV) - Trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tranh thủ được sự ủng hộ của Đức về sản phẩm pin mặt trời.

Trung Quốc giành lợi thế "cuộc chiến pin mặt trời" với EU

Trung Quốc giành lợi thế "cuộc chiến pin mặt trời" với EU

(VOV) - Trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tranh thủ được sự ủng hộ của Đức về sản phẩm pin mặt trời.

Trung Quốc căng thẳng với EU về tranh chấp thương mại
Trung Quốc căng thẳng với EU về tranh chấp thương mại

(VOV) - EU đã đề xuất mức thuế chống bán phá giá 47% đối với mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc.

Trung Quốc căng thẳng với EU về tranh chấp thương mại

Trung Quốc căng thẳng với EU về tranh chấp thương mại

(VOV) - EU đã đề xuất mức thuế chống bán phá giá 47% đối với mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc.