Chính phủ Pháp cải tổ nhằm vực dậy uy tín

VOV.VN - Chính quyền của Tổng thống Pháp F. Hollande thực hiện một loạt thay đổi quan trọng trong nội các 

Chính quyền của Tổng thống Pháp F. Hollande thực hiện một loạt thay đổi trong nỗ lực giành lại ưu thế trên chính trường và hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.

Tổng thống Pháp F. Hollande
 

Thông báo cải tổ nội các được phát đi vào cuối giờ chiều ngày 11/2 (giờ Paris), chấm dứt những đồn đại lan truyền suốt nhiều tuần qua khiến chính trường Pháp luôn trong tình trạng thấp thỏm. So với dự đoán của nhiều nhà phân tích, cuộc cải tổ này được thực hiện mạnh hơn và rộng hơn. Cụ thể, nội các mới có 38 thành viên, tăng 6 thành viên so với nội các cũ. Tiếp theo, là sự xuất hiện trong nội các mới của một loạt các nhân vật mới đến từ đảng Xanh và đảng thiên tả.

Trọng dụng người cũ

Gương mặt mới đáng chú ý nhất trong cuộc cải tổ lần này là ông Jean Marc Ayrault, cựu Thủ tướng Pháp. Ông Ayrault là đồng minh thân cận với Tổng thống Francois Hollande và đã được ông Hollande chọn làm Thủ tướng đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình năm 2012. Tuy nhiên, do các thất bại trong điều hành kinh tế, đầu năm 2014, ông Ayrault đã phải từ chức và nhường vị trí cho ông Manuel Valls. Chính vì thế, sự trở lại của ông Ayrault lần này ở cương vị Ngoại trưởng Pháp được coi là một điều bất ngờ.

Trong lịch sử nền cộng hòa thứ Năm nước Pháp, trường hợp một cựu Thủ tướng trở lại chính quyền với cương vị Bộ trưởng không phải hiếm, ví dụ như các cựu Thủ tướng Alain Juppé và Laurent Fabius đều trở lại làm Ngoại trưởng nhưng chưa có nhân vật nào đảm nhiệm hai chức vụ này dưới thời cùng một Tổng thống như Jean-Marc Ayrault. Việc chính trị gia này trở lại nội các được xem là phần thưởng cho sự trung thành với ông Hollande, kể cả khi đã mất chức Thủ tướng cách đây gần 2 năm.

Tuy nhiên, về sâu xa, việc ông Hollande chọn ông Ayrault thay cho Ngoại trưởng được đánh giá cao Laurent Fabius ở một trong những chức vụ quan trọng nhất trong chính quyền Pháp được xem là có nhiều suy tính. Về mặt đối ngoại, ông Ayrault là người nói tốt tiếng Đức và đã có sẵn mối quan hệ cá nhân với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thời gian làm Thủ tướng nên việc chọn ông Ayrault cho thấy Pháp muốn đẩy mạnh vai trò đối ngoại trong nội bộ EU và thắt chặt đầu tàu Pháp-Đức, một trong những điều mà ông Laurent Fabius đã không làm tốt. Ở thời điểm này, EU đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đáng chú ý nhất là kế hoạch trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh về Brexit- tức việc rời khỏi EU và cuộc khủng hoảng người tị nạn.

 Về đối nội, ông Ayrault là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nội bộ đảng Xã hội (PS) cũng như cánh tả và là người có tiếng nói trong Quốc hội Pháp nên việc đưa ông Ayrault trở lại chính quyền cũng sẽ giúp cho ông Hollande lôi kéo được sự ủng hộ nhiều hơn từ cánh tả và nội bộ đảng PS, trong bối cảnh đảng này đang chia rẽ nghiêm trọng vì dự luật sửa đổi Hiến pháp liên quan đến việc tước bỏ quốc tịch của những kẻ phạm các tội liên quan đến khủng bố. Chính vì thế, quyết định tái trọng dụng ông Ayrault của Tổng thống Hollande được xem là con bài chính trị có nhiều tính toán bất chấp trên thực tế, vị tân Ngoại trưởng Pháp được đánh giá là kém sức hút và rất yếu về mặt truyền thông so với người tiền nhiệm Laurent Fabius, người sẽ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp trong thời gian tới.

  Một nhận định khác về việc ông Jean-Marc Ayrault trở lại chính quyền, đó là xuất phát từ ý định của ông Hollande về việc tạo ra một sự cân bằng quyền lực nhất định trong chính phủ, giữa ông Ayrault theo trưởng phái dân chủ xã hội và Thủ tướng Manuel Valls nghiêng về trường phái tự do. Như phân tích của nhiều chuyên gia chính trị Pháp, ông Hollande luôn có một sự cảnh giác nhất định với Thủ tướng Manuel Valls do lo ngại uy tín cao hơn của nhân vật này sẽ ảnh hưởng đến tham vọng tái cử Tổng thống nhiệm kỳ 2 của mình năm 2017.

Lôi kéo người mới

 Điểm đáng chú ý thứ hai trong đợt cải tổ lần này là sự xuất hiện của các thành viên đến từ các đảng cánh tả khác, cụ thể là 3 thành viên đảng Xanh (EELV) và 1 thành viên đến từ Đảng thiên tả (PRG). Emmanuelle Cosse, nguyên Tổng thư ký EELV được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ nhà ở. Jean Vincent Placé, một thành viên chủ chốt khác của EELV nhưng vừa ly khai, được chọn làm Quốc vụ khanh phụ trách việc cải tổ nhà nước và Barbara Pompili, một nhân vật ly khai khác của EELV, được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh phụ trách đa dạng sinh học. Jean-Michel Baylet, lãnh đạo của đảng thiên tả, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách quy hoạch lãnh thổ, nông thôn và các chính quyền địa phương.

Tất cả những sự bổ nhiệm trên đều là những tính toán chính trị kỹ càng. Việc ông Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đưa tới 3 người của đảng Xanh vào nội các mới bất chấp việc đảng này từ chối công khai việc tham gia vào chính phủ liên minh, được xem là nước cờ gây chia rẽ và phân tán sự phản đối của đảng Xanh đối với chính phủ cầm quyền. Tất cả 3 thành viên mới của đảng Xanh, trên thực tế, đều tham gia vào chính quyền với tư cách cá nhân, trong đó có 2 nhân vật là Jean-Vincent Placé và Barbara Pompili đã tuyên bố ly khai đảng Xanh từ trước còn Emmanuelle Cosse cũng không còn là Tổng thư ký đảng Xanh khi tham gia chính quyền. Nước cờ bổ nhiệm này, theo nhiều nhà phân tích, có mục tiêu rõ ràng là hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống bởi trên danh nghĩa, giờ đây chính quyền của ông Hollande có đại diện của hầu hết các đảng cánh tả nên ít nhiều có thể dẹp yên sự phản đối gay gắt bấy lâu nay của các đảng này đối với đường lối lãnh đạo của chính phủ.

Tuy nhiên, chính những tính toán quá thiên về bầu cử trên khiến cuộc cải tổ này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ chính các đảng phái cũng như từ dư luận Pháp. Sau sự ra đi gần đây của 2 gương mặt nổi bật trên chính trưởng Pháp là Bộ trưởng Tư pháp, Christiane Taubira và Ngoại trưởng Laurent Fabius, chính phủ mới của Thủ tướng Manuel Valls, dù có 38 thành viên, nhưng bị nghi ngờ về tầm vóc và khả năng. Đa số các gương mặt mới trong nội các đều không phải là các chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường Pháp và việc mở rộng nội các nhưng lại thêm nhiều chức danh được cho là không quá cần thiết khiến không ít người nghi ngờ khả năng thành công của nội các mới trong các lĩnh vực gai góc nhất với nước Pháp hiện nay là tạo thêm việc làm, vực dậy tăng trưởng và củng cố an ninh.

 Ở thời điểm chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017, đây có thể sẽ là nội các cuối cùng của chính quyền ông Hollande trước khi phải bước vào tranh cử. Bảo vệ cho các quyết định của mình, Tổng thống Pháp tuyên bố đây là một đội ngũ có “tính gắn kết” nhưng nếu các chỉ số kinh tế không tốt lên trong thời gian tới, những lời giải thích này sẽ không còn giá trị.

DANH SÁCH NỘI CÁC MỚI CỦA PHÁP

                - Thủ tướng: Manuel Valls

                - Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển quốc tế: Jean-Marc Ayrault

                - Bộ trưởng Môi trường, Năng lượng và Biển, phụ trách quan hệ quốc tế về khi hậu: Sélogène Royale

                - Bộ trưởng Giáo dục quốc gia, Đại học và Nghiên cứu: Najat Valaut-Belkacem

                - Bộ trưởng Tài chính và Ngân sách công: Michel Sapin

                - Bộ trưởng Các vấn đề xã hội và Y tế: Marisol Touraine

                - Bộ trưởng Quốc phòng: Jean-Yves le Drian

                - Bộ trưởng Tư pháp: Jean-Jaques Urvoas           

                - Bộ trưởng Lao động, Việc làm, Đào tạo nghề và Đối thoại xã hội: Myriam El Khomri

                - Bộ trưởng Quản lý đất đai, Nông thôn và Tập thể điền địa: Jean-Michel Baylet

                - Bộ trưởng Nội vụ: Bernard Cazeneuve

                - Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Rừng; Người phát ngôn của Chính phủ: Stéphane Le Foll

                - Bộ trưởng Nhà ở và Chỗ ở bền vững: Emmanuelle Cosse

                - Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Công nghệ số: Emmanuel Macron                  

                - Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin: Audrey Azoulay

                - Bộ trưởng Gia đình, Trẻ em và Quyền của phụ nữ: Laurence Rossignol

                - Bộ trưởng Vai trò công cộng: Annick Girardin

                - Bộ trưởng Đô thị, Thanh niên và Thể thao: Patrick Kanner

                - Bộ trưởng Hải ngoại: George Pau-Langevin.

                Ngoài ra là các Chánh văn phòng và các Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề khác nhau của Chính phủ./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Pháp sơ tán 2.000 người khi một trường học bị đe dọa đánh bom
Pháp sơ tán 2.000 người khi một trường học bị đe dọa đánh bom

VOV.VN -Một trường trung học ở phía Đông Bắc nước Pháp đã phải sơ tán hơn 2.000 học sinh, giáo viên và nhân viên sau khi nhận được đe dọa đánh bom.

Pháp sơ tán 2.000 người khi một trường học bị đe dọa đánh bom

Pháp sơ tán 2.000 người khi một trường học bị đe dọa đánh bom

VOV.VN -Một trường trung học ở phía Đông Bắc nước Pháp đã phải sơ tán hơn 2.000 học sinh, giáo viên và nhân viên sau khi nhận được đe dọa đánh bom.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố từ chức
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố từ chức

VOV.VN - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 10/2 cho biết ông sẽ từ chức.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố từ chức

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố từ chức

VOV.VN - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 10/2 cho biết ông sẽ từ chức.

Pháp hối thúc Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn với Cuba
Pháp hối thúc Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn với Cuba

VOV.VN - Ngày 1/2, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama cần thêm nhiều "động tác" hơn nữa với lệnh cấm vận Cuba như đã cam kết.

Pháp hối thúc Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn với Cuba

Pháp hối thúc Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn với Cuba

VOV.VN - Ngày 1/2, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama cần thêm nhiều "động tác" hơn nữa với lệnh cấm vận Cuba như đã cam kết.