Chính quyền Syria sụp đổ làm thay đổi tính toán của các bên ở Trung Đông
VOV.VN - Chiến thắng nhanh chóng của phe đối lập ở Syria và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad có thể làm thay đổi mọi tính toán của các bên ở Trung Đông.
Sau hơn 1 tuần kể từ khi bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công, lực lượng đối lập tại Syria đã chiếm được thủ đô Damascus và tuyên bố loại bỏ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad.
Trong một tuyên bố ngày 8/12, người đứng đầu Liên minh các lực lượng đối lập Syria Hadi Al-Bahra nói rằng chính quyền Tổng thống Assad đã sụp đổ, thủ đô Damascus được “giải phóng”.
Thủ tướng Syria Mohammed Al-Jalali tuyên bố sẵn sàng bàn giao chính phủ cho các lực lượng đối lập trong một quá trình chuyển giao hòa bình.
Cả lực lượng đối lập và truyền thông phương Tây đều cho rằng ông Assad đã rời khỏi Syria.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/12 đã ra thông cáo chính thức về tình hình tại Syria và quyết định của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo đó, Tổng thống Bashar al-Assad đã rời Syria. Ông Assad quyết định từ bỏ cương vị tổng thống và rời khỏi đất nước, đồng thời để lại chỉ thị về chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Nga không tham gia vào các cuộc đàm phán này”. Thông cáo cũng đề cập rằng Nga đang giữ liên lạc với tất cả các nhóm đối lập Syria.
Chiến thắng nhanh chóng của phe đối lập ở Syria có thể làm thay đổi mọi tính toán của các bên ở Trung Đông. Mặc dù Tổng thống Assad có nhiều đối thủ cả trong khu vực và ngoài khu vực, nhưng không phải tất cả các bên đều mong muốn chính quyền của ông sụp đổ.
Các quốc gia phương Tây và Arab, cũng như Israel, muốn hạn chế ảnh hưởng của Iran ở Syria, nhưng không bên nào muốn một chế độ Hồi giáo cực đoan thay thế chính quyền ông Assad.
Đối với Nga, sự sụp đổ của Syria sẽ đồng nghĩa với việc mất đi đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông. Đối với Iran, điều này có thể làm sụp đổ cái mà họ gọi là “Trục kháng chiến”, gồm các quốc gia và các nhóm vũ trang đồng minh.
Các nước Arab
Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc nội chiến ở Syria, các quốc gia Arab theo Hồi giáo dòng Sunni, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã cắt đứt quan hệ với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, tìm cách cô lập ông và ủng hộ các nhóm đối lập với mục tiêu lật đổ ông, đồng thời xem đây là cơ hội để hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Assad, với sự hỗ trợ của Nga, Iran và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, vẫn trụ vững và giành lại các khu vực từng mất vào tay phe nổi dậy.
Thực tế mới sau đó ở Syria đã khiến các quốc gia Arab suy tính tại và phải chìa tay với chính quyền ông Assad. Trong vài năm qua, Saudi Arabia và UAE tích cực nỗ lực để khôi phục lại vị thế của ông Assad trên trường quốc tế cũng như khu vực.
Năm 2023, Syria được tái gia nhập Liên đoàn Arab. Hơn một thập kỷ sau khi ủng hộ phe đối lập Syria, các quốc gia Arab vùng Vịnh lại đứng về phía Tổng thống Assad khi ông đối mặt với một cuộc nổi dậy.
Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo Arab Vùng Vịnh đã kêu gọi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tuyên bố tôn trọng chủ quyền của Syria và bác bỏ sự can thiệp của khu vực vào công việc nội bộ của Syria.
“Năm 2011, rất nhiều quốc gia vội vàng cho rằng họ sẽ tốt hơn nếu chính quyền ông Assad sụp đổ và họ muốn loại bỏ ông ấy… nhưng hiện tại, Saudi Arabia, UAE và các quốc gia khác trong khu vực thấy rằng nếu Assad sụp đổ, đây sẽ là một tình huống đầy thử thách và gây mất ổn định cho họ”, ông Trita Parsi, Phó giám đốc điều hành Viện Quincy có trụ sở ở Washington DC, cho biết.
Iran
Iran, cùng với nhóm ủy nhiệm mạnh nhất của họ là Hezbollah, lâu nay đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính quyền Tổng thống Assad duy trì quyền lực, giúp các lực lượng chính phủ Syria giành lại lãnh thổ đã mất, đồng thời cử các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đến tư vấn cho quân đội Assad.
Sau khi nhóm vũ trang Hamas của Palestine tấn công Israel vào tháng 10/2023, Hezbollah đã bắt đầu giao tranh với Israel, khiến Israel trả đũa và ám sát các lãnh đạo chủ chốt của nhóm này. Sức mạnh của Hezbollah suy yếu đáng kể, do đó, nhóm này đã rút khỏi Syria để tập trung vào cuộc chiến với Israel, khiến chính quyền ông Assad mất đi một lực lượng hỗ trợ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nói rằng Tehran sẽ xem xét việc gửi quân đến Syria nếu chính quyền ông Assad yêu cầu. Tuy nhiên, leo thang xung đột ở Syria có thể làm suy yếu những nỗ lực của Iran trong việc theo đuổi con đường ngoại giao với phương Tây và các quốc gia Arab.
“Mất Syria sẽ là một đòn giáng mạnh đối với Iran. Khoản đầu tư mà Iran đã bỏ ra ở Syria rất lớn. Đó là cầu nối trên bộ quan trọng đến Lebanon. Hơn nữa mối liên minh mà Iran có với chính quyền Assad đã tồn tại hàng thập kỷ", ông Parsi nói.
Iran vẫn có thể sử dụng các nhóm ủy nhiệm trong khu vực làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới, Parsi nói.
“Nếu Iran mất quá nhiều đòn bẩy trong khu vực, liệu họ có quá yếu để đàm phán hay không? Nhưng nếu họ phản kháng để cố gắng giữ vững vị thế của mình, liệu họ có nguy cơ leo thang chiến tranh đến mức ngoại giao không còn khả thi? Họ đang đi trên một con đường rất mong manh”, ông Parsi nhận định.
Israel
Israel cũng đang ở trong một tình huống khó xử. Chính quyền ông Assad đã lựa chọn không đáp trả các cuộc không kích thường xuyên của Israel vào Syria trong năm qua. Tuy nhiên, ông Assad đã cho phép Iran sử dụng lãnh thổ Syria để cung cấp vũ khí cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Hadi al-Bahra, một lãnh đạo đối lập Syria đại diện cho các nhóm chống chính quyền Tổng thống Assad, bao gồm Quân đội Quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, cho biết phe đối lập cảm thấy có động lực để tiến về Aleppo vào tuần trước sau khi Israel làm suy yếu Hezbollah và giảm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
“Do xung đột ở Lebanon và sự suy yếu của Hezbollah, chính quyền ông Assad không còn nhiều sự hỗ trợ chắc chắn”, ông Bahra nói, đồng thời cho biết quân đội Syria được Iran hỗ trợ cũng có ít nguồn lực hơn, và sự yểm trợ của Nga cũng thưa hơn do cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, nhóm dẫn đầu cuộc nổi dậy ở Syria là Hayat Tahrir Al Sham (HTS), thủ lĩnh nhóm này là Abu Muhammad Al Jolani, một cựu thành viên tổ chức khủng bố Al Qaeda có tư tưởng Hồi giáo cực đoan đối lập với Israel.
“Israel đang bị kẹt giữa các nhóm ủy nhiệm của Tehran và các phe phái đối lập ở Syria. Không có sự lựa chọn nào là tốt đối với Israel, nhưng hiện tại Iran và các nhóm ủy nhiệm của họ đang yếu đi, điều này vẫn có lợi cho Israel”, ông Avi Melamed, một cựu quan chức tình báo Israel, nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mình có liên quan tới các hành động của phe đối lập ở miền Bắc Syria, nhưng Ankara lại ủng hộ SNA, một trong những nhóm tham gia cuộc tấn công.
Ankara cũng từng đại diện cho phe đối lập ở Syria trong các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2020 giữa các bên ở Syria.
Khi đó, dù ủng hộ các lực lượng đối lập, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không loại trừ khả năng hòa giải với Syria. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng kêu gọi một cuộc gặp với Tổng thống Assad nhằm tái lập quan hệ. Tuy nhiên, ông Assad từ chối gặp ông Erdogan cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi các vùng lãnh thổ của Syria.
Hiện nay, Ankara đang tìm kiếm một giải pháp cho khoảng 3,1 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những vấn đề nóng thường dẫn đến các cuộc bạo loạn chống người Syria và các yêu cầu trục xuất hàng loạt của các đảng đối lập.
Ông Galip Dalay, một chuyên gia tư vấn cấp cao tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu ở London, cho biết, cho đến gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn suy tính mọi chuyện theo hướng hướng “ở Syria chính phủ đang thắng, phe đối lập đang thua”. Tuy nhiên cuộc tấn công của phe đối lập ở nước láng giềng đã làm thay đổi mọi tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ.