Chính sách cân bằng của Nga là chìa khóa ngăn 1 cuộc nội chiến khác ở Afghanistan?
VOV.VN - Để ngăn chặn một cuộc nội chiến tại nước Afghanistan đầy bất ổn, Nga cần sử dụng tất cả các ưu thế hiện có của mình để thuyết phục “Kháng chiến Panjshir” đàm phán với Taliban, nhằm đi đến giải pháp công bằng và khã dĩ cho mọi phía.
Điều chỉnh lại chính sách cân bằng của Nga ở Afghanistan
Cuộc chinh phục chóng vánh Afghanistan đã giúp Taliban trở lại nắm quyền trong thời gian chưa đầy nửa tháng, mặc dù vẫn chưa được chính thức công nhận vì tiếp tục bị cộng đồng quốc tế coi là một tổ chức khủng bố. Nga có mối quan hệ chính trị tốt với Taliban, vốn được tạo dựng trong vài năm gần đây qua tiến trình hòa bình Afghanistan do Moscow lãnh đạo, bất chấp việc Nga vẫn cấm tổ chức này vì lý do nói trên.
Lập trường thực dụng của Nga là hành động cân bằng ngoại giao đã được điện Kremlin áp dụng trong kỷ nguyên quan hệ mới với các đối thủ cũ trong những năm gần đây trong nỗ lực tự định vị mình là lực lượng cân bằng tối cao ở Âu-Á, như vận mệnh địa chiến lược của đất nước họ trong thế kỷ này.
Đặc biệt, Nga đã đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực để thực hiện chính sách này như một phần của cái được gọi là “Ummah Pivot” (còn gọi là cam kết toàn diện sau năm 2014 với nhiều quốc gia đa số theo đạo Hồi dọc theo vùng ngoại vi phía nam và xa hơn nữa, là một trong những trụ cột quan trọng nhất của hành động cân bằng chiến lược lớn hiện nay giữa Đông và Tây - ND).
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Kabul do Mỹ hậu thuẫn đã khiến Nga thay thế đối tác đó bằng Taliban làm người đối thoại trên thực tế để quản lý các vấn đề quốc gia trong khi vai trò chống chính phủ của nhóm này đối với hành động cân bằng của Moscow đã bị thay thế bằng lực lượng “Kháng chiến Panjshir” - người kế thừa “Liên minh Phương Bắc” trước đây, từng nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô trong những năm 1990. Tuy nhiên, khác với lúc đó, Moscow không có ý định hỗ trợ quân sự mà thay vào đó, muốn lực lượng này thỏa hiệp với Taliban.
Cộng sinh chiến lược
Nhận định trên được minh chứng bằng việc Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố ủng hộ một cuộc đối thoại chính trị giữa các lực lượng đối lập đó; sau đó Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov tuyên bố rằng “không có sự thay thế nào cho Taliban” và giải thích thêm về lý do tại sao “Kháng chiến Panjshir” đã diệt vong. Ông Zhirnov tiết lộ rằng, Taliban đã yêu cầu sự hỗ trợ của ông trong việc đạt được một giải pháp chính trị với nhóm kia, nói lên mối quan hệ chiến lược cộng sinh giữa Nga và Taliban.
Nga mong đợi Taliban hoạt động như một đội tiên phong chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khi Taliban mong đợi Nga tạo điều kiện cho một thỏa hiệp chính trị với “Kháng chiến Panjshir”. Những kết quả này sẽ cùng có lợi nếu chúng thành công vì chúng sẽ đảm bảo sự ổn định của khu vực bằng cách ngăn chặn một cuộc nội chiến khác ở Afghanistan.
Moscow là lực lượng duy nhất có khả năng thuyết phục “Kháng chiến Panjshir” đạt được thỏa thuận với Taliban vì các thành viên cũ của tổ chức này được cho chủ yếu là người Tajik - cộng đồng dân tộc thiểu số lớn thứ hai ở Afghanistan - và do đó, nằm trong “phạm vi ảnh hưởng” gián tiếp của Nga bởi bản chất của liên minh với Tajikistan.
Động lực chiến lược
Nga không quan tâm đến việc hỗ trợ quân sự cho “Kháng chiến Panjshir” vì nước này nhận thức được vai trò gây bất ổn trong việc phá hoại thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt Pakistan-Afghanistan-Uzbekistan (PAKAFUZ) hồi tháng 2 mà Moscow dự định sử dụng để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình đến Ấn Độ Dương như nước này đã muốn làm trong nhiều thế kỷ.
Đúng là Mỹ cũng có ý định sử dụng PAKAFUZ để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình lên phía bắc sang các nước cộng hòa Trung Á, nhưng họ có thể trì hoãn vô thời hạn kế hoạch dự phòng cuối cùng đó nếu “Kháng chiến Panjshir” hoạt động thành công như một ủy nhiệm của họ để phá hoại các kế hoạch của Nga.
Dù sao thì Mỹ cũng không cần phải làm tất cả những việc đó để “Kháng chiến Panjshir” gây thêm bất ổn cho tình hình ở Afghanistan. Sự kháng cự liên tục của các chiến binh đối với Taliban có thể đủ để kích động các nhà lãnh đạo của đất nước phản ứng có đi có lại (nếu không phải là không cân xứng), sau đó có thể dẫn đến sự phản đối cấp cơ sở có khả năng không thể kiểm soát ở chính Tajikistan.
Mỹ có thể hy vọng điều này sẽ xúc tác cho một chu kỳ bất ổn tự duy trì, theo đó công dân nước láng giềng tình nguyện chiến đấu cho đồng tộc của họ ở Afghanistan và do đó kích động các cuộc đụng độ biên giới với Taliban.
Kịch bản trường hợp tồi tệ nhất
Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ biên giới của đồng minh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) của mình để “giữ thể diện” trước thế giới và không bị coi là từ bỏ đất nước mà trước đây họ đã thề sẽ bảo vệ nếu bất kể kẻ nào thực sự khiêu khích. Điều đó có thể ngay lập tức phá hỏng mối quan hệ chính trị thực dụng của Moscow với Taliban, phá hoại hành động cân bằng ngoại giao của Nga và do đó tạo ra một tình huống nguy hiểm, theo đó nhóm này không còn động cơ đáng kể nào để hành xử có trách nhiệm như cộng đồng quốc tế mong đợi.
Nếu Taliban trở lại đường cũ theo quán tính do một cuộc nội chiến khác, lực lượng này sẽ vẫn bị cô lập và do đó, Mỹ sẽ thành công trong việc trì hoãn vô thời hạn các quá trình liên kết đa cực Á-Âu dường như không thể tránh khỏi như PAKAFUZ cũng như việc mở rộng Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) vào Afghanistan. Nói một cách khác, tất cả những gì Mỹ phải làm là gián tiếp định hình các động lực xung đột đang tồn tại ở Afghanistan theo cách để ngăn chặn sự sụp đổ của “Kháng chiến Panjshir” đủ lâu để truyền cảm hứng cho các công dân Tajik tình nguyện chiến đấu cho đồng tộc của họ ở đó để có thể thiết lập kế hoạch Chiến tranh Lai (Hybrid War) duy trì như là “Kế hoạch C” của họ.
Đó là lý do tại sao Nga cần sử dụng tất cả các phương tiện hiện có để thuyết phục “Kháng chiến Panjshir” đàm phán với Taliban, nhằm đi đến giải pháp công bằng và ngăn chặn bất kỳ dân thường Tajik nào vượt qua biên giới để chiến đấu cho đồng tộc của họ (và trong quá trình này có khả năng kích động các cuộc đụng độ Taliban-Tajik có thể tự động liên quan đến Nga thông qua CSTO). Kết quả của những nỗ lực của Nga sẽ định hình tương lai của khu vực rộng lớn hơn trong nhiều năm tới - lý do tại sao tất cả các bên liên quan có trách nhiệm đều hy vọng rằng nó sẽ thành công./.