Chính sách đối ngoại của Mỹ có thể thay đổi thế nào dưới thời ông Trump?

VOV.VN - Không chờ đợi đến lễ nhậm chức diễn ra vào cuối tháng 1/2025, ông Donald Trump đang dần khẳng định sức ảnh hưởng tới các điểm "nóng" ở Trung Đông và Ukraine. Dù vẫn còn nhiều đồn đoán liên quan đến kế hoạch hòa bình cuối cùng nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng, cách tiếp cận của ông Trump với những điểm nóng xung đột kể trên sẽ khác biệt hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước.

Ông Trump tạo nên ngoại lệ

Ông Joe Biden hiện vẫn là Tổng thống Mỹ nhưng sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới khác đang nhanh chóng chuyển sang người kế nhiệm Donald Trump, dù nhiệm kỳ của ông vẫn chưa chính thức bắt đầu. Sự khác biệt về quan điểm chính trị giữa ông Biden và ông Trump − từ việc nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế đến chính sách tập trung vào lợi ích của riêng Washington, đã buộc các chính phủ phải tìm cách điều chỉnh chiến lược đối ngoại và chuẩn bị cho những điều không thể lường trước trong tương lai. 

Điều này được thể hiện qua cuộc gặp ba bên tại Paris vào cuối tuần trước giữa ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm giữa Moscow và Kiev. Và hiển nhiên cũng không thể bỏ qua tuyên bố mới nhất của ông Trump trên trang cá nhân Truth Social, khẳng định quan điểm "đưa nước Mỹ tránh xa cuộc xung đột ở Syria", thu hút không ít sự quan tâm của báo giới lẫn các quan chức quốc tế.

"Đây không phải cuộc chiến của chúng ta", ông Trump nhấn mạnh bằng cách viết hoa bài post.

Tuần trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bất ngờ xuất hiện tại dinh thự Mar-a-Lago, Florida để thảo luận với ông Trump về tương lai thương mại giữa Ottawa và Washington, ngay sau khi Tổng thống đắc cử đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico. Nhà lãnh đạo Canada cho biết đây là "cuộc trò chuyện tuyệt vời", mặc dù ông không nhận được bất kỳ đảm bảo nào về thuế quan từ ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng.

Nước Mỹ đã bước qua thời kỳ mà Tổng thống đắc cử thường cố gắng tránh xa các điểm "nóng" chính trị cho đến khi tuyên thệ nhậm chức. Đây không chỉ là một truyền thống chính trị mà còn được hợp pháp hóa với đạo luật Logan từng được cựu Tổng thống John Adams ký thông qua vào năm 1799. Theo đó, bất kỳ người Mỹ nào cũng không được phép đàm phán thay mặt cho Mỹ với chính phủ nước ngoài, nếu chưa chính thức giữ vị trí lãnh đạo ở Nhà Trắng. 

Sự xuất hiện của ông Trump đã tạo nên một ngoại lệ. Từ việc tuyên bố áp dụng thuế quan cứng rắn đến cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, ông Trump hứa hẹn sẽ tạo ra thay đổi sâu rộng trong cách tiếp cận của Washington đối với các điểm nóng trên thế giới.

Phản ứng của phương Tây đã thay đổi

Phản ứng nồng nhiệt của các nhà lãnh đạo quốc tế với kết quả bầu cử năm nay trái ngược hẳn so với thời điểm tám năm trước, khi ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần đầu tiên. 

Khi ông Trump đến Paris để dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris sau phục hồi cuối tuần trước, ông đã được nhà lãnh đạo Pháp đón tiếp với nghi thức giống như đón tiếp một tổng thống đương nhiệm.

"Thật vinh dự cho người dân Pháp khi được chào đón ngài sau 5 năm. Chào mừng ngài trở lại", ông Macron nói với ông Trump trong cuộc gặp ngày 7/12.

Ông Trump và ông Macron đã có cuộc trò chuyện riêng trong khoảng 30 phút, sau đó là cuộc gặp ba bên có sự tham gia của nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky. Đây là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Macron và các quan chức châu Âu khác đã khẳng định tầm ảnh hưởng của ông Trump với vai trò là nhà lãnh đạo Mỹ, dù Nhà Trắng vẫn chưa chính thức đổi chủ.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách của ông Trump

Chính sách đối ngoại Mỹ trong nhiệm kỳ tới của ông Trump được dự báo sẽ có nhiều thay đổi, khi bối cảnh quốc tế đã xuất hiện nhiều điểm nóng mới. Đó là chưa kể đến việc chính sách đối ngoại của Tổng thống tiền nhiệm sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhiệm kỳ của ông Trump. 

Hồi tháng trước, chính quyền Tổng thống Biden và Pháp đã thảo luận về một lệnh ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon cũng như Hamas ở Gaza nhằm làm dịu tình hình Trung Đông vốn đang căng thẳng. Nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế của Tổng thống Biden cũng được thể hiện thông qua một gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 988 triệu USD cho Ukraine vừa được công bố đầu tháng này. Bất kỳ thỏa thuận viện trợ nước ngoài nào cũng sẽ cần đến quyết định của Quốc hội để chấm dứt và đảo ngược, điều mà ông Trump khó lòng kiểm soát.

Những ưu tiên hàng đầu của ông Trump được cho là phục vụ mục tiêu "Nước Mỹ là trên hết", tập trung vào hàng loạt vấn đề trong nước, bao gồm siết chặt chính sách nhập cư, phát triển thêm các nguồn năng lượng và cải tổ chính phủ liên bang, thay vì các điểm nóng đối ngoại. 

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố vào ngày 25/11 rằng ông sẽ sử dụng các sắc lệnh hành pháp để áp dụng mức thuế 25%, tức là thuế hoặc phí, đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada và mức thuế 10% đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu kế hoạch thuế quan của ông thực sự được tiến hành thì điều đó có thể làm tăng giá tiêu dùng của nhiều loại sản phẩm từ xăng dầu, thực phẩm và thậm chí là giấy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Mỹ.

Các điểm nóng đối ngoại vẫn sẽ tác động phần nào đến cách ông giải quyết những cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ. Suy cho cùng, một Tổng thống không thể làm ngơ trước sinh mạng của người dân Mỹ, đặc biệt khi họ bị cuốn vào các điểm nóng giao tranh trên thế giới.

Nhà Trắng thường xuyên duy trì khoảng 34.000 binh sĩ tại Trung Đông, thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ. Con số này đã tăng lên hơn 40.000 người trong những tháng đầu của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, khi Mỹ bổ sung thêm tàu chiến và máy bay cho khu vực xảy ra chiến sự.

Trong một bài đăng trên trang cá nhân Truth Social ngày 2/11, ông Trump viết: "Nếu các con tin không được thả trước ngày 20/1/2025, ngày tôi tự hào đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ, thì sẽ có sự trừng phạt thích đáng dành cho những kẻ chịu trách nhiệm về những hành vi tàn ác chống lại nhân loại này ở Trung Đông”.

Có nhiều yếu tố liên quan đến các điểm nóng trên thế giới có thể buộc ông Trump phải đưa ra quyết định để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có gì chắc chắn về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump, ít nhất là cho đến ngày 20/1 năm tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Trump kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, hối thúc Ukraine và Nga đàm phán
Ông Trump kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, hối thúc Ukraine và Nga đàm phán

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 8/12 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine và hối thúc Ukraine và Nga đàm phán.

Ông Trump kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, hối thúc Ukraine và Nga đàm phán

Ông Trump kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, hối thúc Ukraine và Nga đàm phán

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 8/12 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine và hối thúc Ukraine và Nga đàm phán.

Ông Trump kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine: Cơ hội lập lại hòa bình?
Ông Trump kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine: Cơ hội lập lại hòa bình?

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua (8/12) đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và tiến hành đối thoại. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng tương lai đã ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của cả Nga và Ukraine và được xem là chất xúc tác cho việc thiết lập hòa bình, chấm dứt xung đột đã kéo dài gần 3 năm qua ở Ukraine.

Ông Trump kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine: Cơ hội lập lại hòa bình?

Ông Trump kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine: Cơ hội lập lại hòa bình?

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua (8/12) đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và tiến hành đối thoại. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng tương lai đã ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của cả Nga và Ukraine và được xem là chất xúc tác cho việc thiết lập hòa bình, chấm dứt xung đột đã kéo dài gần 3 năm qua ở Ukraine.

4 kịch bản cho Ukraine trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump
4 kịch bản cho Ukraine trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump

VOV.VN - Đã hơn 1.000 ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và bắt đầu cuộc giao tranh dữ dội nhất trên lục địa châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Dưới đây là 4 kịch bản cho cuộc xung đột này trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

4 kịch bản cho Ukraine trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump

4 kịch bản cho Ukraine trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump

VOV.VN - Đã hơn 1.000 ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và bắt đầu cuộc giao tranh dữ dội nhất trên lục địa châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Dưới đây là 4 kịch bản cho cuộc xung đột này trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.