Chính trường Hàn Quốc về đâu sau “cơn địa chấn”?
VOV.VN - Chính trường Hàn Quốc đang trải qua những thời khắc “dậy sóng” với hàng loạt diễn biến căng thẳng liên tục khó lường bắt đầu từ đêm 3/12, khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật gây tranh cãi sau 44 năm, nhưng lại dỡ bỏ chỉ sau 6 tiếng đồng hồ.
Phe đối lập Hàn Quốc ngay sau đó đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống. Mặc dù, không được Quốc hội Hàn quốc thông qua do nhiều nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền không tham gia bỏ phiếu, dẫn tới số người bỏ phiếu không đủ theo quy định, nhưng điều này lại khiến chính trường Hàn Quốc càng trở nên phức tạp, khó lường. Tại sao các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền lại đi ngược lại yêu cầu của dư luận? Tương lai của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ ra sao? Những kịch bản nào đang chờ đợi Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng bất ngờ này?
Lựa chọn ngược dòng của đảng cầm quyền
Đêm 7/12, đã diễn ra cuộc bỏ phiếu bất thành liên quan tới dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol, vì ngay từ khi bắt đầu bỏ phiếu, nhiều nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền đã rời khỏi phòng họp Quốc hội. Có nhiều dấu hỏi đặt ra cho động thái bị coi là “tẩy chay bỏ phiếu này”. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (PPP) muốn đi ngược lại với yêu cầu của dư luận. Bởi vì, ngay từ sau khi ông Yoon Suk-yeol ban bố lệnh thiết quân luật, ngay trong nội bộ PPP đã có nhiều ý kiến phản đối lệnh này, và sau khi tình hình trở nên căng thẳng không thể khống chế được, nhiều người đã yêu cầu tổng thống thu hồi lệnh, thậm chí, sau đó còn yêu cầu ông Yoon ra khỏi đảng, kêu gọi đình chỉ quyền lực tổng thống của ông Yoon.
Nếu theo dõi kỹ các diễn biến, chúng ta có thể thấy có một số dấu hiệu báo trước phản ứng này của PPP. Đầu tiên là việc đảng này, một mặt yêu cầu đình chỉ chức vụ của tổng thống, mặt khác vẫn kiên quyết phản đối luận tội đến tận phút chót. Tiếp theo là việc05 nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền, có quan hệ xa cách với tổng thống, đã tổ chức họp báo công khai, trong đó, không tỏ rõ thái độ đồng tình hay phản đối việc luận tội tổng thống, mà nhấn mạnh: “cần có những bước cụ thể để tránh làm tê liệt chính trường khi tổng thống bị luận tội”, đồng thời yêu cầu tổng thống tạ lỗi trước công luận.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, có 3 lý do chính cho lựa chọn của các nghị sĩ thuộc PPP. Thứ nhất là các đảng viên PPP buộc phải tuân thủ nghị quyết trong nội bộ đảng về việc phản đối luận tội tổng thống. Cũng giống như các chính đảng khác, PPP cũng có những quy định nghiêm khắc về kỷ luật đảng mà mọi đảng viên đều phải tuân thủ.
Thứ hai là thái độ né tránh, “náu mình chờ thời” của một số đảng viên PPP, mà bằng chứng là việc những người này rời khỏi phòng họp quốc hội trong quá trình bỏ phiếu. Với phản ứng theo phong cách “đấu tranh nghị trường” để né tránh việc phải thể hiện thái độ này của các nghị sĩ thuộc PPP, dự luật đã bị phủ quyết ngay từ trước khi có kết quả kiểm phiếu.
Thứ 3 là vấn đề lợi ích chính trị của PPP. Trên thực tế, việc ông Yoon bị luận tội, không những không đem lại lợi ích cho PPP, mà sẽ gây những hậu quả khôn lường, khi PPP, mặc dù vẫn là đảng cầm quyền, nhưng lại yếm thế so với đảng Dân chủ đối lập đang chiếm đa số ghế trong quốc hội. Bên cạnh đó, theo giới phân tích chính trị Nhật Bản và Hàn Quốc, còn có 1 lý do nữa. Đó là việc nhiều người vẫn e ngại quyền lực và ảnh hưởng của ông Yoon. Nhận định này cũng có cơ sở, và được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của các nỗ lực luận tội tổng thống.
Tương lai chính trị của ông Yook Suk Yeol sau sự việc này?
Mặc dù “thoát hiểm trong gang tấc”, nhưng tương lai chính trị của ông Yoon đã trở nên mờ mịt, ngay từ trước thời điểm ban bố thiết quân luật. Sáng hôm qua, khi tạ lỗi với quốc dân đồng bào, chính ông Yoon đã thừa nhận việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp xuất phát từ sự tuyệt vọng của cá nhân với tư cách là tổng thống. Đây là một lời nói thật, một sự bộc bạch tâm lý yếm thế của một người nắm trong tay quyền lực tổng thống của một quốc gia, nhưng lại “lép vế” trước phe đối lập đang chiếm giữ vị thế đa số trong quốc hội. Thêm nữa là những áp lực từ phía dư luận đối với những cáo buộc Đệ nhất phu nhân nhận quà có giá trị cao trái phép, rồi thì tỷ lệ ủng hộ với chính phủ sa sút....
Liên quan tới tỷ lệ ủng hộ tổng thống sa sút, theo các cuộc điều tra dư luận mới đây, trước khi ban bố lệnh thiết quân luật, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Yoon giảm xuống 25% và sau khi ban bố lệnh, tỷ lệ này chỉ còn 16%. Tất cả những yếu tố này khiến ông Yoon lựa chọn việc thể hiện quyền lực tổng thống bằng cách “dằn mặt” phe đối lập với lệnh thiết quân luật. Nhưng sau khi ban bố lệnh thiết quân luật, ông Yoon còn tự làm khó mình hơn nữa. Bởi vì, sau khi lệnh này được đưa ra, những rối loạn đang xảy ra không chỉ dừng trong khuôn khổ biên giới Hàn Quốc nữa, mà đã trở thành sự cố ở tầm quốc tế, ảnh hưởng tới cả quan hệ ngoại giao, cùng những lợi ích chính trị, kinh tế của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Một loạt các nước đối tác quan trọng của Hàn Quốc, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với tình hình chính trường Hàn Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru còn tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng có liên quan để trao đổi ý kiến về tình hình Hàn Quốc và Đông Bắc Á, cùng các đối sách cụ thể. Các nhà phân tích chính trị Nhật Bản còn cho rằng, từ nay về sau, tiếng nói của tổng thống Yoon sẽ mất dần đi trọng lượng vốn có về các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chính “búa rìu” của công luận Hàn Quốc sẽ “cắt đứt” con đường tương lai của tổng thống Yoon. Cho dù ông Yoon không từ chức, không bị luận tội trước quốc hội, nhưng với tỷ lệ ủng hộ rớt sâu xuống thấp chưa từng có như hiện nay, cùng những áp lực từ phe đối lập và dư luận..., thì chặng đường tới đây của cá nhân tổng thống sẽ là đi trên than hồng.
Tương lai nào cho chính trường Hàn Quốc?
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia phân tích chính trị đặt ra câu hỏi về thời gian để Hàn Quốc bình ổn những rối ren chính trị hiện nay. Tuy nhiên. Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ nhận định nào về vấn đề này. Và cũng chưa có bất cứ “phương thuốc chữa lành” nào phù hợp với tình hình Hàn Quốc hiện nay. Bởi vì sự chia rẽ trong chính giới đã trở thành một căn bệnh “thâm căn cố đế” của chính trường Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Đảng cầm quyền luôn cố gắng bảo vệ vị trí của mình, trong khi phe đối lập luôn không “an phận thủ thường”, luôn chờ đợi mọi cơ hội để giành lấy vị trí chủ đạo trên vũ đài chính trị. Và cả hai bên, để thực hiện mục tiêu của mình, luôn lựa chọn phương pháp tận dụng mọi cơ hội, sử dụng mọi “vũ khí” có được để công kích, hạ bệ đối thủ.
Cuộc chiến vừa ngấm ngầm vừa công khai này đã tạo ra những rạn nứt không thể hàn gắn được trong ngày một ngày hai, thậm chí còn tiếp tục sâu sắc thêm. Có ý kiến cho rằng, việc ông Yoon từ chức sẽ giúp giải quyết được cơ bản vấn đề. Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Vì cho dù ông Yoon có từ chức, đảng Dân chủ đối lập cũng chưa thể giành được vị trí cầm quyền, mà chỉ tạo lợi thế cho một vài cá nhân cơ hội trong nội bộ đảng cầm quyền hiện nay. Đặc biệt, sau vụ ông Yoon “thoát hiểm trong gang tấc” đêm qua, khi quốc hội Hàn Quốc không thông qua được dự luật luận tội tổng thống, phe đối lập cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu luận tội tổng thống, và sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết khác về vấn đề này lên Quốc hội vào ngày 11/12 tới, để cuộc bỏ phiếu tiếp theo có thể được thực hiện vào ngày 14/12. Lãnh đạo đảng Dân chủ tuyên bố “sẽ không bao giờ bỏ cuộc” và sẽ luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol bằng mọi giá. Vì vậy, việc tình hình chính trường Hàn Quốc sẽ tiếp tục “dậy sóng” là một thực tế được dự báo trước.
Các nhà phân tích chính trị cũng cho rằng, ông Yoon vẫn còn một tia hy vọng và một vài “lá bài” trong tay, trong đó có áp lực của những người ủng hộ, sức mạnh về kinh tế của cá nhân... Đây cũng là nhận định có tính logic cao. Theo đó, chính ông Yoon mới là chìa khóa của mọi vấn đề. Như người xưa có câu “Tháo chuông phải do người buộc chuông”. Chính ông Yoon là người buộc chuông khi ban bố một lệnh thiết quân luật vội vàng, thì nay, để “tháo chuông” - giải quyết hệ lụy, thì chỉ có ông Yoon tự tay làm là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, vấn đề sẽ không chóng vánh, và sự rối ren trên chính trường Hàn Quốc còn lâu mới có hồi kết.