Chính trường Mỹ bước vào tuần quyết định: Hồi kết của mọi tranh cãi
VOV.VN - Tuần này được cho là một tuần quan trọng và mang tính quyết định với chính trường Mỹ khi cuộc đua vào Thượng viện và mọi tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử đều đi đến hồi kết.
Quốc hội thứ 117 của Mỹ đã tuyên thệ vào ngày 3/1 (giờ Mỹ) trước tuần quyết định ở Washington khi mà cuộc đua vào Thượng viện sẽ có kết quả và những nỗ lực của một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm đảo ngược chiến thắng của ông Biden ở Đại cử tri đoàn sẽ đi đến hồi kết.
Dưới đây là những mốc thời gian quan trọng trong tuần mang tính quyết định của chính trường Mỹ:
Ngày 4/1
Đây là ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội thứ 117 của Mỹ sau khi tuyên thệ ngày 3/1. Tuy nhiên, tình hình Quốc hội Mỹ hiện nay đã có một vài khác biệt so với trước đó.
Đảng Dân chủ đã kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái nhưng hiện nay chỉ duy trì được thế đa số mong manh sau khi chịu hàng loạt tổn thất, bất chấp những dự đoán trước đó rằng họ sẽ giành được nhiều ghế hơn. Bà Nancy Pelosi tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hạ viện sau khi đảm bảo đủ số phiếu để tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện đã thể hiện tốt hơn mong đợi và gia tăng một số lượng đáng kể các nghị sĩ là nữ giới trong Quốc hội mới.
Ở Thượng viện, cán cân quyền lực sẽ chưa được quyết định cho tới sớm nhất là ngày 5/1.
Ngày 5/1
Mọi con mắt đều đổ dồn về Georgia, nơi cuộc đua vào Thượng viện sẽ quyết định đảng nào dành quyền kiểm soát cơ quan này.
Nếu 1 trong 2 ứng viên của đảng Cộng hòa, Kelly Loeffler hoặc David Perdue giành chiến thắng, đảng Cộng hòa sẽ giành thế đa số tại Thượng viện.
Tuy nhiên, nếu 2 ứng viên đảng Dân chủ Jon Ossoff và Raphael Warnock giành được nhiều phiếu bầu hơn, đảng này sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện nhờ lá phiếu phá thế hòa của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris.
Những cuộc khảo sát gần đây ở Georgia cho thấy cuộc đua ở bang này đang diễn ra vô cùng gay cấn với sự chênh lệch sít sao giữa các ứng viên.
Theo cuộc khảo sát của CNN, tỷ lệ ủng hộ ứng viên Ossoff của đảng Dân chủ là 49% trong khi con số này của ứng viên đảng Cộng hòa Perdue là 48%. Trong khi đó, ứng viên Warnock nhận được 50% tỷ lệ ủng hộ còn tỷ lệ của ứng viên Loeffler là 48%.
Ngày 6/1
"Thứ Tư, ngày 6/1 là một ngày vô cùng ý nghĩa", bà Pelosi viết trong một bức thư gửi các thành viên đảng Dân chủ trước thềm cuộc họp của Quốc hội Mỹ để kiểm đếm và xác nhận số phiếu đại cử tri.
Thông thường, sự kiện này chủ yếu mang tính hình thức nhưng những nỗ lực của các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện nhằm bác bỏ chiến thắng của ông Biden khiến cuộc họp trên trở nên khác biệt hơn so với mọi năm.
Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - trong đó có một vài người đã tuyên thệ ngày 3/1, thông báo rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại số phiếu đại cử tri của ông Biden. Ít nhất 140 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ tham gia cùng một số thượng nghị sĩ của đảng này trong nỗ lực thách thức kết quả bầu cử, 2 nguồn tin của đảng Cộng hòa trong Hạ viện cho hay.
Mặc dù ván cược trên được dự đoán chắc chắn sẽ thất bại nhưng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục đưa ra các cáo buộc không dựa trên tình hình thực tế.
Hiện nay, không có cáo buộc nào đủ sức thuyết phục để tác động đến kết quả bầu cử và điều này đã được xác nhận bởi nhiều thẩm phán, thống đốc, quan chức bầu cử, Đại cử tri đoàn, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa và Tòa án Tối cao.
Ngày 7/1
Những tranh cãi về kết quả phiếu đại cử tri có thể khiến Quốc hội Mỹ phải kéo dài cuộc họp sang sáng 7/1. Với bất kỳ đề xuất phản đối kết quả bầu cử ở một bang nào, Hạ viện và Thượng viện sẽ thảo luận riêng trong 2 tiếng và bỏ phiếu.
Dù vậy, tất cả những điều này cuối cùng chỉ dẫn đến một kết quả được báo trước, bất chấp những nỗ lực vô vọng của đảng Cộng hòa. Quốc hội chắc chắn sẽ xác nhận ông Biden là người chiến thắng phiếu đại cử tri, cũng như là tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ.
Ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào trưa ngày 20/1 và chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của mình. Sự kiện này đã thu hẹp quy mô đáng kể trong khi ủy ban nhậm chức của ông Biden cũng khuyến cáo mọi người không nên tới dự sự kiện này.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo nên một lễ nhậm chức đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, tôn trọng những truyền thống quan trọng của lễ nhậm chức tổng thống và thể hiện tầm nhìn mới của chính quyền Biden - Harris với toàn thể công dân Mỹ một cách bao quát, công bằng và nhất quán", CEO ủy ban nhậm chức Tony Allen cho hay./.