Chuyên gia Mỹ chỉ trích hành vi bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông
VOV.VN - Các chuyên gia này cho rằng Trung Quốc phải trả giá cho việc cho phép các lực lượng hải cảnh và ủy nhiệm cản trở tự do trên biển.
Hai chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ ngày 29/8 đã có bài bình luận trên tờ Wall Street Journal về các hành vi bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chuyên gia này cho rằng Trung Quốc phải trả giá cho việc cho phép các lực lượng hải cảnh và ủy nhiệm cản trở tự do trên biển.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đã lên tiếng mạnh mẽ về việc Trung Quốc quấy rối các hoạt động dầu khí của Việt Nam và Malaysia ở khu vực Biển Đông. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Morgan Ortegus chỉ trích việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí lâu năm của Việt Nam, điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.
Ý kiến của hai chuyên gia Mỹ cho rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đúng khi nổ phát súng ngoại giao. Tuy nhiên Mỹ và các đối tác của mình cần làm nhiều hơn nữa để buộc Trung Quốc kiềm chế các tàu hải cảnh và dân quân trước khi gây ra va chạm chết người có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng rộng hơn.
Gregory Poling là Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). |
Tình hình ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã thu hút được nhiều sự quan tâm nhất, tuy nhiên các hành vi bắt nạt của Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 5 ở phía bên kia của Biển Đông. Mọi việc đã xảy ra ngoài kế hoạch khi 2 chiếc tàu hợp đồng với một chi nhánh của Royal Dutch Shell, một công ty dầu khí của Anh và Hà Lan, đã hoàn tất một trong các tuyến thường lệ từ bang Sarawak của Malaysia tới một giàn khoan ở ngoài khơi Biển Đông ngày 21/5.
Một tàu hải cảnh lớn của Trung Quốc mang số hiệu Haijing 35111 đã xuất hiện ở phía chân trời. Di chuyển ở tốc độ cao, chiếc tầu Trung Quốc chạy vòng quanh và tiến gần 2 chiếc tàu thương mại ở khoảng cách 80 mét.
Các hoạt động này của tầu Trung Quốc đều được giám sát bởi Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) sử dụng các tín hiệu nhận diện phát đi từ các tàu. Sự việc này là một trong các nỗ lực kéo dài trong hai tuần của tầu Haijing 35111, nhằm quấy rối và ngăn cản các hoạt động khoan dầu khí của Shell. Vào cuối tháng 5, chiếc tàu Trung Quốc đã ngừng hành động của mình và quay về cảng ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc trong một thời gian ngắn.
Ngày 16/6, tầu Haijing 35111 đã đi vào vùng biển của Việt Nam, nơi công ty năng lượng của Nga Rosneft hợp đồng với 1 giàn khoan của Nhật nhằm khoan 1 giếng ngoài khơi mới. Tàu hải cảnh Haijing 35111 và một số tàu tương tự bắt đầu quấy rối giàn khoan cũng như các tầu phục vụ giàn khoan này và các tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn đang tiếp tục ở đó. Các tàu Trung Quốc đã sử dụng các hành động mạo hiểm tương tự như ở ngoài khơi Malaysia, nhằm tạo ra mối đe dọa va chạm để gây sức ép buộc Việt Nam và Rosneft dừng các hoạt động khoan.
Khí tự nhiên từ các hoạt động khoan ngoài khơi tại khu vực này cung cấp tới 10% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Việc giữ cho Rosneft tiếp tục hoạt động dưới sức ép của Trung Quốc rất quan trọng đối với ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi của Việt Nam.
Bắc Kinh đã chèn ép hầu hết các công ty nước ngoài lớn khác như BP, Chevron, ConocoPhillips và mới đây nhất là Repsol, buộc các công ty này ngừng đầu tư vào các lô dầu khí ngoài khơi của Việt Nam. Repsol và Exxon Mobil là hai công ty năng lượng nước ngoài duy nhất còn hoạt động ngoài khơi của Việt Nam. Nếu Repsol bị buộc phải ngừng hoạt động, thì Exxon Mobil, hiện đang chuẩn bị thực hiện một dự án khí tự nhiên lớn có tên gọi “Cá voi xanh” ở vùng biển phía Bắc, có thể sẽ nghĩ lại việc đầu tư của mình.
Tàu Haijing 35111 đã thất bại trong việc ngừng các hoạt động khoan dầu khí ở vùng biển của Việt Nam và Malaysia, tuy nhiên sự kháng cự cũng mang lại tổn thất. Tàu Hải Dương 8 thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc đã tới ngoài khơi Việt Nam ngày 3/7 và bắt đầu tiến hành khảo sát dầu khí. Hoạt động khảo sát này, hiện vẫn đang tiếp diễn, bao gồm khu vực đáy biển mà Việt Nam có các quyền không thể tranh cãi theo luật pháp quốc tế.
Các tín hiệu cho thấy, rất nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc và các thành viên của Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự chính thức hoạt động trên các tầu cá, hộ tống chiếc tàu khảo sát. Việt Nam đã nhanh chóng phái các tàu cảnh sát biển để bảo vệ giàn khoan của mình và giám sát tàu khảo sát của Trung Quốc. Điều này đã tạo ra một tình thế rất mong manh có thể dễ dàng dẫn tới va chạm dù cố ý hay không. Nếu điều này xảy ra có thể sẽ dẫn tới bế tắc quân sự công khai.
Một tàu khảo sát khác thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, Shi Yan 2, đã khảo sát vùng biển của Malaysia trong vòng 1 tuần hồi đầu tháng 8. Vùng biển được khảo sát bao gồm các khu vực nơi các giàn khoan dầu khí hợp đồng bởi Shell và các công ty nước ngoài khác đang hoạt động. Kể từ 14/8, một tàu khảo sát thứ 3 của Trung Quốc, Hải Dương 4, đã khảo sát một khu vực thuộc thềm lục địa mà cả Malaysia và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền.
Không có các giải pháp quân sự cho hành vi chèn ép của Trung Quốc. Nếu Mỹ muốn tránh một cuộc khủng hoảng và chứng minh rằng mình nghiêm túc trong việc duy trì tự do trên biển, Washington sẽ cần một chiến lược ngoại giao và kinh tế lớn và cùng đồng hành với các đối tác quốc tế. Mục đích của chiến lược này nhằm gia tăng cái giá Bắc Kinh phải trả cho hành vi của mình, cũng như chỉ rõ cho các lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng, họ sẽ mất nhiều hơn trên trường quốc tế thay vì những gì sẽ đạt được từ chiến dịch chèn ép của mình.
Murry Hiebert - chuyên gia của Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ. Ảnh: CSIS |
Một chiến lược như vậy phải bắt đầu với việc bộ Ngoại giao Mỹ huy động các nước khác bao gồm các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình. Liên minh các nước kêu gọi Trung Quốc thay đổi hành vi của mình càng lớn thì cái giá về danh tiếng Trung Quốc phải trả cho việc duy trì hành vi của mình sẽ càng cao.
Mỹ và các đồng minh cũng cần áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế trực tiếp. Nếu Trung Quốc muốn dựa vào các lực lượng dân sự và bán quân sự nhằm chèn ép các quốc gia láng giềng, các lực lượng này cần phải bị lột mặt nạ. Mỹ và các nước đối tác cần công khai xác minh các lực lượng dân sự Trung Quốc, cũng như các cơ quan sở hữu tham gia các hoạt động dân quân nhắm tới các nước láng giềng của Trung Quốc.
Washington cần ngăn chặn các thực thể này giao thương ở Mỹ, hoặc tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế thông qua một công cụ như Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông, hiện đang ở trước lưỡng viện quốc hội. Trước đây đã có tiền lệ: Mỹ và châu Âu trả đũa tương tự đối với việc Nga sử dụng các lực lượng bán quân sự ở Đông Ukraine năm 2014.
Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch lâu dài nhằm chèn ép, đe dọa và sử dụng vũ lực bán quân sự chống lại Việt Nam, Malaysia và Philippines. Việc Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền một cách hung hăng mà phớt lờ luật pháp quốc tế và các quyền của các quốc gia Đông Nam Á là một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự hàng hải quốc tế và ổn định khu vực.
Gregory Poling là Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ và Murry Hiebert là chuyên gia của Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ./.
Lợi ích hợp pháp của các nước ở Biển Đông bị Trung Quốc phớt lờ