Chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên sau hơn 10 năm của một Tổng thống Philippines

VOV.VN - Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đang có chuyến thăm chính thức Mỹ trong 4 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Philippines tới Mỹ sau hơn 10 năm, nhằm củng cố liên minh Mỹ - Philippines bền chặt hơn trước các thách thức mới.

Chuyến công du lần này diễn ra sau loạt động thái thể hiện cách tiếp cận ngoại giao mới của Tổng thống Ferdinand Marcos so với người tiền nhiệm khi xích lại gần đồng minh Mỹ và từng bước cứng rắn với Trung Quốc.

Cách tiếp cận thay đổi của Philippines

Trong tuyên bố trước chuyến thăm, Tổng thống Ferdinand Marcos đã bày tỏ quyết tâm thiết lập một mối quan hệ bền chặt hơn với Mỹ để giải quyết các mối quan tâm chung của thời đại. Tuyên bố này dường như đang thể hiện rõ nét chiến lược “thay đổi cách tiếp cận” của chính quyền hiện nay so với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái, mối quan hệ liên minh Mỹ - Philippines có nhiều dấu hiệu nồng ấm trở lại hơn so với thời tiền nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte.  Có thể kể ra hàng loạt các bước đi hợp tác đặc biệt thời gian gần đây trong lĩnh vực an ninh quốc phòng bao gồm Philippines cho phép Mỹ mở rộng tiếp cận căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này, nối lại đối thoại theo hình thức 2+2 và lần đầu tiên sau một thập kỷ, một Tổng thống Philippines có mặt tại cuộc tập trận quân sự chung Balikatan lớn nhất với Mỹ. Chuyến thăm chính thức đến Mỹ lần này của Tổng thống Marcos tiếp tục đánh dấu giai đoạn chứng kiến những bước tiến nhanh chóng trong quan hệ liên minh Mỹ - Philippines.

Thực tế việc cài đặt lại mối quan hệ với Mỹ cũng phù hợp với chính sách đối ngoại cân bằng quan hệ với các nước lớn mà chính quyền Tổng thống Marcos tuyên bố theo đuổi. Trước đó, Tổng thống Marcos đã khẳng định "lợi ích của người dân Philippines và lợi ích quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu và không bao giờ được thỏa hiệp". Thúc đẩy liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ nhưng đến nay Tổng thống Marcos vẫn được cho là xử lý tốt quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, khi vừa tìm cách duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ, vừa tiếp tục hợp tác về kinh tế với Trung Quốc mà không quá phụ thuộc vào siêu cường nào. Điển hình là chuyến thăm Trung Quốc vào đầu năm nay với các thỏa thuận đầu tư trị giá 22,8 tỷ USD.

Đánh giá về cách tiếp cận của Philippines, giới phân tích nhận định việc chính quyền của Tổng thống Marcos Jr tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh an ninh đáng tin cậy để tăng cường và hiện đại hóa quân đội là hợp lý. Trong khi đó, nếu xét về tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines, các liên kết ngoại giao và kinh tế với Bắc Kinh vẫn đang được thúc đẩy thông qua đối thoại và hợp tác. Chính sách đối ngoại đa chiều nhằm tối đa hóa mối quan hệ với tất cả các cường quốc mà không phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ nước nào của Philippines được đánh giá là tối ưu, xét đến thực tế kinh tế và an ninh hiện tại của nước này.

Phản ứng của chính quyền Tổng thống Biden

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang có xu hướng gia tăng nghiêm trọng, nguy cơ đối đầu có thể bùng phát bất cứ lúc nào, cả Mỹ và Philippines đều đặt nhiều kỳ vọng củng cố và tăng cường quan hệ liên minh trong cuộc gặp lần này. Bên cạnh các đề xuất hợp tác an ninh, quốc phòng mới, việc thúc đẩy các sáng kiến kinh tế, thương mại là những vấn đề được Tổng thống Biden nhấn mạnh trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines.

Vấn đề quan trọng nhất được cả hai bên quan tâm có lẽ là việc chính quyền ông Biden làm rõ hơn mức độ cam kết của phía Mỹ đối với an ninh của Philippines. Mặc dù Mỹ liên tục tái khẳng định các cam kết chắc chắn đối với việc bảo vệ Philippines nhưng chưa bao giờ làm rõ mức độ hoặc tình huống bảo vệ cụ thể. Trước đây, cả hai chính quyền tiền nhiệm tại Manila đều thúc giục Washington phải nêu cụ thể về các tình huống và mức độ cam kết bảo vệ đồng minh theo Hiệp ước phòng thủ chung 1951.

Theo đó, hai bên công bố thỏa thuận Hướng dẫn quốc phòng mới bao gồm tăng cường hợp tác liên minh và khả năng tương tác song phương trên các lĩnh vực hoạt động như đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng. Hướng dẫn này sẽ giúp củng cố liên minh và tạo điều kiện thuận lợi chuyển giao vũ khí trang bị của Mỹ, bao gồm ít nhất 3 máy bay vận tải C-130 và một số tàu tuần tra ven biển lớp Cyclone trong tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Philippines.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính quyền ông Biden đã công bố sáng kiến của Cơ quan thương mại và phát triển Mỹ (USTDA) nhằm triển khai các hoạt động cơ sở hạ tầng bền vững mới ở Philippines. Chương trình này sẽ huy động hơn 3 tỷ USD từ các nguồn vốn công và tư nhân để tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, thúc đẩy công nghệ lưới điện thông minh và các giải pháp năng lượng sạch, triển khai 5G, tăng cường an ninh sân bay và an toàn hàng hải, đồng thời hỗ trợ cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của Philippines.

Cũng trong năm nay, Mỹ sẽ cử một phái đoàn đầu tư và thương mại thay mặt cho Tổng thống đến Philippines tìm kiếm cơ hội thúc đẩy đầu tư vào các ngành kinh tế sáng tạo. Đây là lần đầu tiên Mỹ thành lập một phái đoàn thay mặt cho Tổng thống với nhiệm vụ xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Một vấn đề khác, mặc dù không phải là trọng tâm nhưng có lẽ lại là nội dung quan trọng nhất mà chính quyền Tổng thống Biden muốn thể hiện, đó chính là quan điểm đối với cá nhân Tổng thống Marcos. Chuyến thăm của ông Marcos đến Mỹ không chỉ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Philippines đến Mỹ trong hơn 10 năm qua mà còn vì ông Marcos là con trai của cựu Tổng thống thứ 10 Ferdinand Emmanuel Marcos, người vốn có quan hệ không mấy thân thiện với đương kim Tổng thống Biden cũng như gia đình ông Marcos vẫn còn phải đối mặt với một số vụ kiện tại Mỹ. Chính vì thế, sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu của Tổng thống Biden có lẽ chính là điều quan trọng nhất dành cho ông Marcos trong chuyến thăm lần này.

Chiến lược cân bằng của Philippines

Chuyến thăm đến Mỹ lần này theo thông báo của các quan chức Philippines nhằm thúc đẩy phát triển và kinh tế xã hội của Philippines, đồng thời khai thác mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Mỹ trong nhiều lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, năng lượng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng. Philippines mong muốn Quốc hội Mỹ gia hạn quyền tiếp cận các ưu đãi thương mại dành cho các nền kinh tế đang phát triển, đã hết hạn vào năm 2020.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng cũng không nằm ngoài chương trình nghị sự, trong khi đó vấn đề Biển Đông hay Đài Loan, mà theo như quan chức ngoại giao Philippines cho biết là “nếu có đề cập, hai bên cũng sẽ tập trung vào nỗ lực để tránh xung đột có thể xảy ra”.

Richard Heydarian, chuyên gia phân tích quốc tế tại Đại học Philippines cho rằng, với việc sử dụng chiến lược răn đe và can dự, Philippines có thể tối đa hóa lợi ích và giảm tổn thất từ sự cạnh tranh của các siêu cường. Tuy nhiên chiến lược cân bằng này cuối cùng vẫn phụ thuộc vào cả điều kiện trong nước và bên ngoài.

Philippines có thể ngày càng lo ngại hơn về chính sách ngoại giao của Trung Quốc nên sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ và các đối tác cùng chí hướng khác để tăng cường răn đe và bảo vệ chủ quyền. Philippines cũng đang thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc phòng khu vực với các bên như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Còn đối với Mỹ, Tổng thống Marcos cho biết trong chuyến thăm này, ông sẽ hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra những cam kết rõ ràng trong việc bảo vệ Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Theo đó, Hiệp ước cần phải điều chỉnh vì những thay đổi của tình hình trong khu vực và Mỹ cần phải làm rõ “Bản chất mối quan hệ hợp tác hai bên là gì và làm thế nào để giảm bớt nguy cơ an ninh”? Các chuyên gia khu vực nhận định, đề nghị của Tổng thống Marcos về việc Mỹ cần làm rõ mức độ cam kết trong việc bảo vệ Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung cho thấy những giới hạn bắt đầu xuất hiện và cam kết của Mỹ như thế nào cũng có thể quyết định xích xoay trục của Philippines trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Philippines là cuộc gặp mới nhất trong một loạt cuộc gặp cấp cao mà Philippines tiến hành với các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc - những cường quốc đang cạnh tranh lợi thế chiến lược trong khu vực. Hiện dư luận đánh giá cao tuyên bố của nhà lãnh đạo Philippines rằng, Mỹ và Philippines sẽ tái khẳng định cam kết thúc đẩy liên minh lâu đời như một công cụ hoà bình và chất xúc tác cho sự phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như đối với phần còn lại của thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Philippines công bố 4 địa điểm quân sự mới Mỹ được quyền tiếp cận
Philippines công bố 4 địa điểm quân sự mới Mỹ được quyền tiếp cận

VOV.VN - Việc mở rộng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Philippines đối với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng trong khu vực.

Philippines công bố 4 địa điểm quân sự mới Mỹ được quyền tiếp cận

Philippines công bố 4 địa điểm quân sự mới Mỹ được quyền tiếp cận

VOV.VN - Việc mở rộng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Philippines đối với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng trong khu vực.

Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán về khai thác dầu khí chung
Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán về khai thác dầu khí chung

VOV.VN - Các quan chức Philippines và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng tới để tái khởi động các cuộc đàm phán về khả năng khai thác dầu khí chung.

Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán về khai thác dầu khí chung

Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán về khai thác dầu khí chung

VOV.VN - Các quan chức Philippines và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng tới để tái khởi động các cuộc đàm phán về khả năng khai thác dầu khí chung.

Nhiều cảnh sát cấp cao của Philippines bị nghi liên quan đường dây vận chuyển ma túy
Nhiều cảnh sát cấp cao của Philippines bị nghi liên quan đường dây vận chuyển ma túy

VOV.VN - Mặc dù không tiết lộ cấp bậc cụ thể của các quan chức cảnh sát bị cáo buộc liên quan đến vụ án, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Philippines Abalos cho rằng những cá nhân này đang làm chậm quá trình điều tra vụ án.

Nhiều cảnh sát cấp cao của Philippines bị nghi liên quan đường dây vận chuyển ma túy

Nhiều cảnh sát cấp cao của Philippines bị nghi liên quan đường dây vận chuyển ma túy

VOV.VN - Mặc dù không tiết lộ cấp bậc cụ thể của các quan chức cảnh sát bị cáo buộc liên quan đến vụ án, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Philippines Abalos cho rằng những cá nhân này đang làm chậm quá trình điều tra vụ án.

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Philippines thảo luận về an ninh khu vực
Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Philippines thảo luận về an ninh khu vực

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương sẽ có chuyến thăm chính thức Philippines từ ngày 21 - 23/4 tới. Hai bên sẽ thảo luận các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Philippines thảo luận về an ninh khu vực

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Philippines thảo luận về an ninh khu vực

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương sẽ có chuyến thăm chính thức Philippines từ ngày 21 - 23/4 tới. Hai bên sẽ thảo luận các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.