Cơ hội hàn gắn quan hệ Nga-Anh

(VOV) - Quan hệ này cần có thiện chí và nỗ lực của hai bên.
 

Cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên giữa Nga và Anh cấp bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, gọi tắt là "Diễn đàn 2+2" vừa diễn ra tại London, Anh. Theo đánh giá từ hai phía, cuộc đối thoại chiến lược này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời cho thấy bước tiến lớn trong việc thúc đẩy phát triển mối quan hệ toàn diện ở cấp cao.


Ngoại trưởng Anh Hague và Ngoại trưởng Nga Lavrov (Nguồn: Getty Images)

Dư luận quốc tế cho rằng, cuộc đối thoại “chưa từng có” này cho thấy quan hệ Nga-Anh đã có dấu hiệu ấm dần lên sau hàng loạt các bất đồng thời gian qua và hướng tới sự hợp tác chặt chẽ hơn trong một thế giới nhiều biến động thời gian tới.

Cuộc đối thoại chiến lược song phương lần đầu tiên giữa Nga và Anh đã kết thúc trong sự hài lòng của cả hai phía. Quả thực, tại diễn đàn này, quan chức Nga–Anh đã tập trung vào nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như tình hình Syria, Iran, Afghanistan, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu…, đặc biệt là những vấn đề lớn trong chính sách đối ngoại và an ninh của hai nước.

Ngoại trừ vấn đề Syria, hai bên vẫn còn nhiều điểm khác biệt trong việc đưa ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột cho quốc gia Trung Đông này, còn hầu hết vấn đề tại các khu vực khác trên thế giới đã có sự tương đồng về cách tiếp cận và thiện chí hợp tác giữa hai nước.

Có thể nói, mối quan hệ Nga-Anh vốn tồn tại khá nhiều bất đồng và có lúc từng rơi vào trạng thái “đóng băng”. Quan hệ giữa hai nước căng thẳng từ sau vụ cựu nhân viên an ninh Nga Alexander Litvinenko bị ám sát tại London năm 2006. Litvinenko vốn là người công khai chỉ trích Điện Kremlin và bị đầu độc chết bằng chất phóng xạ.

London muốn Nga dẫn độ nghi phạm chính trong vụ sát hại này là cựu nhân viên KGB Andrei Lugovoi. Nhưng Moscow cho rằng, không có bằng chứng để họ giao Lugovoi, dẫn đến căng thẳng và hai nước lần lượt trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Sau đó, quan hệ của hai nước cũng căng thẳng sau cuộc xung đột quân sự Nga-Gruzia hồi tháng 8/2008. Rồi gần đây những bất đồng xung quanh một số điểm nóng quốc tế và vấn đề phòng thủ tên lửa của phương Tây tại châu Âu cũng khiến cho quan hệ Nga–Anh gặp nhiều trở ngại. Thế nên, cuộc đối thoại lần này được coi là thành công lớn khi đã gỡ được một phần nút thắt tồn tại từ lâu trong mối quan hệ hai nước.

Việc tổ chức cuộc đối thoại nhằm chấm dứt một thời kỳ băng giá vào thời điểm này cũng có lý do của nó. Rõ ràng nước Anh, hiện còn nhiều vấn đề chưa giải quyết với Nga, đang muốn bắt kịp tốc độ của các nước phương Tây khác trong việc "tái khởi động" quan hệ với Nga. Ngoài ra, để thảo luận các vấn đề nóng nhất hiện nay như Syria và Iran cùng chủ đề an ninh châu Âu, giới lãnh đạo Anh không thể không tính tới một đối tác như Nga. Còn về phía Nga, bản thân Tổng thống Putin hiểu rằng để điều chỉnh nền kinh tế Nga đang thiên lệch và phụ thuộc vào dầu lửa thì ông cần sự trợ giúp của phương Tây.

Về lĩnh vực quốc phòng, việc tăng cường hợp tác tại diễn đàn này đều nằm trong lợi ích của cả hai nước. Trong bối cảnh Anh và các đồng minh trong khối NATO lần lượt các nước rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, việc tìm kiếm thêm các đối tác mới để gánh vác sứ mệnh bảo đảm an ninh tại đây là điều London buộc phải tính tới.

Trong khi đó, Anh coi sự hỗ trợ của Nga đối với các chiến dịch quốc tế chống Taliban ở quốc gia Trung Á này là rất giá trị bởi quân đội Nga hiểu rõ khu vực này hơn bất kỳ ai.  

Với Nga, việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Anh cũng mang lại lợi ích cho mình. Nga luôn lo ngại các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan, đặt biệt là Taliban sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để tiến hành các hoạt động khủng bố và tiếp tay cho lực lượng Hồi giáo cực đoan ở một số vùng lãnh thổ của Nga. Vì thế, việc Nga tăng cường hợp tác quân sự với Anh vào lúc này là cần thiết.

Rõ ràng, cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên này đã tạo một dấu mốc quan trọng trong việc hàn gắn và phát triển quan hệ hai nước Nga–Anh trong các vấn đề ngoại giao và quốc phòng. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thực sự nóng lên phải cần có thiện chí và nỗ lực "vì cái lợi chung của hai bên" cũng như còn phải đợi thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên